|
Nguồn nước trong nuôi trồng, chế biến thủy sản đang ở tình trạng ô nhiễm đáng báo động |
Ðáng chú ý, tại các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung, nhất là ở khu vực nuôi tôm thâm canh và bán thâm canh, chất lượng môi trường đất, nước và các hệ sinh thái bị biến đổi mạnh do suy thoái và ô nhiễm; chất lượng nước tại các khu vực này có dấu hiệu ô nhiễm hữu cơ (BOD, COD, ni-tơ, phốt-pho… cao hơn tiêu chuẩn cho phép); đồng thời xuất hiện các khí độc hại và chỉ số vi sinh vật, độ đục, với nồng độ cao hơn mức cho phép, phát sinh dịch bệnh thủy sản, gây thiệt hại lớn cho nông dân.
Ðối với lĩnh vực chế biến thủy sản, vẫn còn khoảng 16% số cơ sở chế biến tập trung chưa có hệ thống xử lý nước thải. Một số cơ sở chưa có đủ năm công đoạn quan trọng trong hệ thống xử lý nước thải là bể tuyển nổi (tách dầu, mỡ), bể điều hòa, bể sinh học kỵ khí, bể sinh học bùn hoạt tính và bể khử trùng, cho nên hiệu quả xử lý ô nhiễm môi trường còn thấp. Tại các cơ sở chế biến nhỏ lẻ thủy sản, việc kiểm soát, khắc phục ô nhiễm môi trường, bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm còn nhiều hạn chế…
Hiện toàn tỉnh Thanh Hóa có 18.900 ha nuôi trồng thủy sản; trong đó 11.200 ha nước ngọt, 7.700 ha nước mặn, lợ. Từ năm 2016 đến nay, đã xảy ra nhiều thiệt hại về kinh tế trong nuôi trồng thủy sản do ô nhiễm môi trường, như: Cá lồng nuôi chết ở sông Bưởi (huyện Thạch Thành); cá lồng chết ở sông Bạng (huyện Tĩnh Gia); ngao nuôi bị chết hàng loạt ở các huyện Hậu Lộc, Hoằng Hóa; cá chết trên sông Âm, qua các huyện Lang Chánh, Ngọc Lặc...
Tỉnh hiện có 260 ha nuôi tôm công nghiệp, tập trung ở các huyện Hoằng Hóa, Tĩnh Gia, Hậu Lộc, Quảng Xương... Tuy nhiên, môi trường trong nuôi trồng thủy sản đang trở thành vấn đề bức xúc. Tại một số khu vực nuôi tôm công nghiệp, cho thấy hầu hết các cơ sở nuôi tôm đều không đầu tư xây dựng bể lắng xử lý nước thải, sau mỗi vụ nuôi, nước thải, bùn... đều trực tiếp xả ra ngoài tự nhiên. Ngoài ra, theo định kỳ sau 30 ngày nuôi, các hộ tiến hành xiphon (hút) bùn đáy từ ao nuôi thải ra kênh mương. Việc cho thức ăn quá nhiều, thức ăn dễ tan và theo nước thải ra môi trường, phần dư thừa tích tụ dưới đáy ao. Tái sử dụng ao nuôi bị ô nhiễm hay thải ra môi trường xung quanh làm cho nguồn nước ô nhiễm cũng làm ảnh hưởng đến môi trường.
Tại vùng nuôi tôm trên cát ven biển xã Hoằng Phụ (huyện Hoằng Hóa) vì lợi nhuận mang lại từ nuôi tôm khá lớn nên người dân đổ xô đầu tư nuôi tôm. Khu nuôi trồng thủy sản tập trung của xã có 95 ha, với 130 hộ nuôi, chủ yếu là nuôi quảng canh đa con. Hiện nguồn nước đang bị ô nhiễm bởi các khu vực nuôi tôm, các hộ dân thau, rửa ao nuôi thải trực tiếp ra sông. Trong khi các thiết bị đo độ PH, NO2,... không có, nên nguy cơ xảy ra dịch bệnh, như: Đốm trắng, gan... cho các đối tượng nuôi quảng canh là khá cao. Trên địa bàn xã cũng đã xảy ra dịch bệnh làm tôm, cá, cua xanh chết hàng loạt, khiến người nuôi thua lỗ.
Ở đồng bằng sông Cửu Long, ô nhiễm môi trường trong ngành thủy sản cũng đang ở mức báo động, đặc biệt là tình trạng ồ ạt mở rộng diện tích nuôi tôm, cá tra ở khu vực này. Với khoảng 5.000ha mặt nước nuôi cá tra, ước tính mỗi năm có gần 1 triệu tấn chất thải có nguồn gốc từ thức ăn nuôi cá trong các ao thải ra môi trường.
Tại Tiền Giang, diện tích nuôi tôm nước lợ hàng năm khoảng 5.000 ha, đem lại sinh kế cho khoảng 3.000 hộ dân. Qua quá trình sản xuất cho thấy, việc người nuôi tôm không xử lý chất thải trước khi thải ra môi trường có ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất. Cụ thể, dịch bệnh trên tôm ngày càng tăng, tình trạng tôm chết hàng loạt ngày càng xuất hiện ở nhiều địa phương và ảnh hưởng đến môi trường sinh thái.
Trong quá trình cải tạo ao nuôi tôm thì có hộ sử dụng hóa chất để cải tạo ao với các loại hóa chất thông dụng như: Vôi, iodin, chlorin, saponin... Cá biệt, một số trường hợp nông dân sử dụng cả thuốc trừ sâu để diệt giáp xác trong quá trình cải tạo ao nuôi, nhất là các hộ nuôi tôm bị thua lỗ, không còn vốn đầu tư cho khâu cải tạo, xử lý ao nuôi theo đúng quy trình kỹ thuật mà cơ quan chức năng đã khuyến cáo.
Nhiều hộ nuôi tôm sử dụng các loại hóa chất, kháng sinh nằm trong danh mục cấm sử dụng như Enrofloxacin trong nuôi tôm gây mất an toàn thực phẩm và dẫn đến suy thoái môi trường ao nuôi tôm.
Cùng với sự gia tăng về diện tích nuôi tôm nước lợ thì môi trường các vùng nuôi tôm trong tỉnh Long An ngày càng ô nhiễm dẫn đến dịch bệnh nhiều hơn. Tại các vùng chuyên canh nuôi tôm lớn của tỉnh như: Huyện Cần Giuộc, Cần Đước, Tân Trụ hoạt động sên vét của người dân diễn ra tràn lan, ngoài tầm kiểm soát, có những hộ trong quá trình sên vét đổ thẳng bùn thải xuống sông rạch.
Tất cả khiến môi trường nước bị ô nhiễm nghiêm trọng và làm nảy sinh mâu thuẫn trong nội bộ người dân ngày một gay gắt. Lớp bùn đáy ao rất độc, thiếu ôxy và chứa nhiều chất độc như Ammonia, Nitrite, Hydrogen sulfide. Lớp bùn bẩn này tác động đến nguồn nước trong ao nuôi tôm làm giảm chất lượng nước.
Điều này gây ô nhiễm nền đáy, chất đất của cả vùng nuôi và khu vực lân cận, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, làm thiệt hại các vùng canh tác lân cận bởi chỉ sau thời gian nuôi từ 3- 5 năm, môi trường nước sẽ bị mặn hóa trở lại và dịch bệnh trên con tôm lại phát triển như thường, thậm chí phát sinh thêm nhiều bệnh mới không kiểm soát được, trong đó phổ biến nhất là bệnh mềm vỏ.
Đặc biệt, khi có dịch theo tiểu vùng xảy ra, nông dân đồng loạt sử dụng các chế phẩm sinh học để dập dịch, rồi thải ồ ạt nguồn nước ra môi trường, các vi sinh vật có lợi bên ngoài trại nuôi tôm bị tiêu diệt, ảnh hưởng tới hệ sinh thái ven biển.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng nêu trên, là do sự phát triển tự phát, thiếu quy hoạch trong hoạt động sản xuất, chế biến nông, lâm, thủy sản. Ý thức tuân thủ pháp luật bảo vệ môi trường của các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình còn thấp; nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh, hộ gia đình vì lợi ích kinh tế mà xem nhẹ công tác xử lý chất thải, bảo vệ môi trường. Hệ thống văn bản, cơ chế chính sách về xử lý chất thải và bảo vệ môi trường, nhất là các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đối với nước thải chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, cơ sở giết mổ, chế biến thủy sản chưa phù hợp, chậm sửa đổi gây vướng mắc cho các doanh nghiệp, không khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cho xử lý chất thải. Việc ứng dụng khoa học và công nghệ xử lý chất thải còn hạn chế, hiệu quả thấp; công tác phòng ngừa, ngăn chặn, kiểm soát phát sinh các cơ sở gây ô nhiễm môi trường còn yếu. Công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật bảo vệ môi trường chưa tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong các cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể, doanh nghiệp, hộ gia đình và toàn xã hội.
Trước thực trạng trên cần phải có các giải pháp đồng bộ và quyết liệt để bảo vệ môi trường và hạn chế rủi ro cho người nuôi thủy sản như: Giám sát chặt chẽ việc thực thi pháp luật về bảo vệ môi trường trên toàn quốc. Nâng cao ý thức, trách nhiệm của toàn xã hội về bảo vệ môi trường thông qua tuyên truyền, giáo dục. Cần tuyên truyền để những người sản xuất, những người có “xả thải” phải giữ được chữ “tâm” với môi trường và với cộng đồng…
Khi môi trường nuôi ngày càng xấu đi, việc lựa chọn các mô hình nuôi an toàn sinh học luôn là giải pháp được đưa ra trước hết. Trong đó, nuôi trồng thủy sản theo mô hình VietGAP, Biofloc, nuôi an toàn sinh học không sử dụng hóa chất, kháng sinh là những mô hình tránh được những tác động do nguồn nước và mang lại hiệu quả cần được tuyên truyền và nhân rộng.