Tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường trong chế biến thủy sản
14:56 - 18/06/2018
(MTNT) - Những năm qua, ngành đánh bắt và chế biến thủy sản ở nước ta đã đóng góp một phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế đất nước. 
Chất thải lỏng từ chế biến thủy sản được coi là vấn đề nghiêm trọng hiện nay


Tuy nhiên, tình trạng ô nhiễm môi trường tại các cơ sở chế biến đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, gây bức xúc trong xã hội.


Cả nước có 1.015 cơ sở chế biến (CSCB) thủy sản quy mô lớn nhỏ khác nhau, sản xuất sản phẩm xuất khẩu và tiêu dùng nội địa. Sự phát triển nhanh chóng của ngành chế biến cũng kéo theo những bất cập trong các lĩnh vực phụ trợ khác, trong đó có quản lý và xử lý chất thải sau chế biến.


Các thành phần chính gây ô nhiễm môi trường từ chế biến thủy sản gồm phế liệu và chất thải rắn; chất thải lỏng; khí thải và mùi trong chế biến; môi chất lạnh và nhiều chất thải nguy hại khác. Đáng kể nhất là phế liệu và chất thải rắn, chất thải lỏng như đầu, xương, da, vây, vảy, vỏ tôm những phế liệu dễ lên men thối rữa và phân hủy. Các chất thải này có khả năng làm xuống cấp nghiêm trọng chất lượng môi trường sống xung quanh.


Theo điều tra mới đây của Viện nghiên cứu hải sản (NCHS) cho thấy, trong chế biến thủy sản đông lạnh, cứ sản xuất được 1 tấn thành phẩm tôm sẽ thải ra môi trường 0,75 tấn phế thải, cá tra philê là 1,8 tấn, nhuyễn thể chân đầu - 0,45 tấn, nhuyễn thể hai mảnh vỏ - 8 tấn.  Tỷ lệ phế liệu và chất thải rắn phụ thuộc vào mặt hàng sản xuất và vào loài cũng như chất lượng nguyên liệu.


Chất thải lỏng từ chế biến thủy sản được coi là vấn đề nghiêm trọng nhất hiện nay, có chỉ số ô nhiễm cao hơn rất nhiều so với tiêu chuẩn nước thải công nghiệp loại B dùng cho nuôi trồng thủy sản (TCVN-2005), như BOD vượt từ 10-30 lần, COD từ 9-19 lần, nitơ tổng có nơi cao gấp 9 lần. Bên cạnh đó, còn có một lượng lớn nước thải là các chất tẩy rửa và khử trùng trong vệ sinh nhà xưởng và thiết bị chế biến.


Khí thải và mùi trong chế biến bao gồm các loại như: Khí SO2, CO2, NO2, NH3,H2Sphát thải từ các CSCB hàng khô và bột cá. Một phần khí thải khác là môi chất lạnh rò rỉ từ hệ thống lạnh của nhà máy.


Để đánh giá thực trạng môi trường ở các CSCB thủy sản, Viện NCHS đã điều tra trực tiếp 402 cơ sở quy mô công nghiệp ở 34 tỉnh và thành phố trong cả nước. Kết quả cho thấy đã có 338 doanh nghiệp, chiếm tỷ lệ trên 84% cơ sở, có hệ thống xử lý nước thải (HTXLNT).


Về lượng phế liệu thủy sản sau chế biến, khoảng gần 50% số doanh nghiệp có từ dưới 50 đến 100 tấn/năm; 22,6% có 100-500 tấn/năm, gần 9% có từ 500-300 tấn/năm, 36,5% có trên 500-1.000 tấn/năm và trên 27,5% có trên 1.000 tấn/năm.


Hiện nay, hầu hết phế liệu được thu gom và tận dụng để sản xuất các sản phẩm phụ như bột cá, dầu cá, chitin, chitosan và thức ăn chăn nuôi. Do vậy, phế liệu trong CSCB thủy sản chỉ có ảnh hưởng hạn chế đến môi trường nhưng lại là nguồn thu đáng kể cho các cơ sở đó.


Kết quả phân tích nước thải của cơ sở CSCB thủy sản về 9 chỉ tiêu gồm pH, BOD¬5, CO,TSS, Amoni, nitơ tổng, dầu mỡ, clo dư và coliform theo QCVN 11:2008 cho thấy, tất cả các cơ sở chế biến nước mắm đều đạt 100%.


Các loại hình chế biến như đông lạnh, hàng khô, bột cá và tổng hợp đều có tỷ lệ ô nhiễm trên cả 9 chỉ tiêu. Trong đó mức độ ô nhiễm của cơ sở chế biến bột cá là cao nhất, cơ sở chế biến đông lạnh, hàng khô và tổng hợp tương đương nhau.


Kết quả phân tích khí thải các cơ sở CBTS về 7 chỉ tiêu, gồm bụi, SO2, CO, NO2, SO3, NH3 và H2S theo TCVN 5339:2005 (tương ứng QCVN 19:2009) cho thấy mức độ ô nhiễm của CSCB bột cá là cao nhất, tiếp theo là cơ sở hàng khô. CSCB đông lạnh và tổng hợp xấp xỉ. CSCB nước mắm có mức độ ô nhiễm thấp nhất.


Đến nay, có trên 52,2% doanh nghiệp áp dụng “Sản xuất sạch hơn”, và một số đang trong bước đầu triển khai biện pháp này. Việc áp dụng tiêu chuẩn ISO 14001 về môi trường của các doanh nghiệp còn rất thấp, chỉ đạt 3,2% số doanh nghiệp chế biến và tiêu chuẩn về khí thải cũng chưa cao. Tuy vậy về nước thải chế biến thủy sản, việc áp dụng các quy chuẩn và tiêu chuẩn của các doanh nghiệp đạt khá cao.


Hiện nay, ngoài lý do phải giải toả và di dời, khó khăn lớn nhất trong việc thực hiện nhiệm vụ môi trường của các doanh nghiệp là vấn đề tài chính.


Hơn một nửa số doanh nghiệp vướng phải bất cập này, nhất là trong bối cảnh kinh tế suy thoái như hiện nay. Bên cạnh đó, là những khó khăn về mặt bằng, hạn chế về công nghệ xử lý và nhân lực thực hiện.


Sự phối hợp không chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý chuyên ngành của Nhà nước cũng gây khó khăn phần nào trong hoạt động kiểm tra và giám sát về môi trường tại các doanh nghiệp.


Để giảm thiểu ô nhiễm, các cơ quan quản lý trung ương cần xây dựng định mức phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp chế biến thủy sản thống nhất trong toàn quốc; có cơ chế chính sách đầu tư kinh phí, ưu đãi trong vay vốn về công tác bảo vệ môi trườngcho các CSCB.


Đối với các cơ quan quản lý địa phương, cần quy hoạch các CSCB thủy sản vào khu công nghiệp hoặc khu chế biến thủy sản tập trung để quản lý hiệu quả việc thực hiện và việc áp dụng các quy chuẩn và tiêu chuẩn về môi trường; xây dựng nhà máy thu gom, xử lý chất thải nguy hại.


Các CSCB thủy sản cần thực hiện nghiêm các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường; xây dựng và vận hành hệ thống xử lý ô nhiễm theo cam kết; các cơ sở mới phải xây dựng các phương án bảo vệ môi trường và trình các cơ quan có thẩm quyề phê duyệt để làm căn cứ thực hiện và giám sát; xây dựng hệ thống xử lý nước thải nếu CSCB chưa có hoặc phải sửa chữa, thay thế, nâng cấp, mở rộng cho phù hợp với công nghệ xử lý nước thải; các cơ sở chế biến thủy sản cần xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác môi trường chuyên trách để có thể quản lý, vận hành hệ thống và giám sát việc thực hiện các nhiệm vụ về môi trường một cách hiệu quả.


Đồng thời, cần nâng cao nhận thức của từng người dân, cán bộ quản lý đơn vị kết hợp với tiếp thu các công nghệ xử lý nước thải cho ngành chế biến thủy sản. Các nhà máy sản xuất cần áp dụng các công nghệ tiên tiến, các cơ sở chế biến nhỏ lẻ cần tìm hiểu và tham khảo các giải pháp sử dụng vi sinh xử lý nước thải để giảm mức độ ô nhiễm của nước thải đầu ra, qua đó phần nào hạn chế được ô nhiễm nguồn nước.
 

Tiến Vịnh
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn