(MTNT) - Quá trình phát triển kinh tế xã hội đã góp phần cải thiện đời sống của nhân dân, nhưng mặt khác cũng gây ra những tác động tới môi trường tự nhiên.
|
Hiểm hoạ ô nhiễm môi trường do khai thác đá tại địa phương |
Nhận thức được thực trạng trên, các cấp các ngành trên địa bàn tỉnh đã triển khai nhiều mô hình, biện pháp kỹ thuật trong xử lý ô nhiễm, đồng thời tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân trong thực hiện quy định về môi trường tạo nên những chuyển biến tích cực trong công tác bảo vệ môi trường.
Theo báo cáo hiện trạng môi trường tỉnh, hầu hết các giá trị của các thông số về môi trường nằm trong giới hạn quy chuẩn cho phép. Tuy nhiên, ô nhiễm cục bộ đã xuất hiện tại một số nơi.
Đối với môi trường không khí đã xuất hiện tình trạng ô nhiễm bụi, tiếng ồn tập trung tại các khu, cụm công nghiệp. Vấn đề phát sinh, thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt nông thôn, chất thải rắn làng nghề và chất thải trồng trọt, chăn nuôi cũng đang đặt ra nhiều thách thức.
Chỉ tính riêng rác thải sinh hoạt phát sinh trên địa bàn tỉnh khoảng 628 tấn/ngày, trong khi đó nhiều địa phương chưa có hình thức thu gom, vận chuyển rác thải gây ảnh hưởng đến môi trường.
Các yếu tố này đã tạo sức ép lên môi trường và là nguyên nhân trực tiếp gây ô nhiễm ở một số vùng ven đô thị, nông thôn trên địa bàn tỉnh, tác động trực tiếp đến cuộc sống người dân, ảnh hưởng đến cảnh quan và gây ra một số xung đột về môi trường.
Trong khi nguồn lực đầu tư cho công tác vệ sinh môi trường còn hạn chế, việc triển khai và nhân rộng mô hình cộng đồng tham gia bảo vệ môi trường là việc làm cần thiết. Hiệu ứng của các mô hình đã có tác dụng lan tỏa, góp phần thực hiện các tiêu chí về môi trường tại nhiều địa phương trong việc xây dựng nông thôn mới.
Các tổ chức, đoàn thể đã và đang tích cực tham gia bảo vệ môi trường thông qua các hoạt động tuyên truyền các nội dung liên quan đến môi trường tới các hội viên cũng như xây dựng mô hình điểm.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã có một số mô hình bảo vệ môi trường dựa vào cộng đồng và đạt được hiệu quả tích cực. Đó là các mô hình cam kết bảo vệ môi trường, tổ chức thu gom rác thải, lồng ghép xóa đói giảm nghèo với bảo vệ môi trường, vệ sinh môi trường, các phong trào tình nguyện và bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp. Trong đó, các tổ chức chính trị - xã hội đóng vai trò quan trọng. Các tổ chức đã phát động nhiều phong trào gắn với hoạt động bảo vệ môi trường.
Nhiều nơi đã có các mô hình tự chủ, tự quản giải quyết các vấn đề môi trường đã và đang hoạt động có hiệu quả. Tại các khu dân cư đã có hố rác để thu gom vào nơi quy định trước khi đưa đi xử lý.
Nhân dân thành lập các tổ thu gom rác và phong trào làm vệ sinh đường làng, ngõ xóm đã và đang đi vào nền nếp. Vai trò của cộng đồng trong công tác bảo vệ môi trường là không thể phủ nhận, tuy nhiên trong hoạt động của mô hình này vẫn còn những hạn chế nhất định.
Công tác tuyên truyền, vận động, xây dựng mô hình điểm cũng như hoạt động giám sát còn gặp những khó khăn, do nhận thức về vai trò, trách nhiệm của cấp ủy đảng, chính quyền trong việc lãnh đạo, chỉ đạo và phối hợp với các đoàn thể triển khai xây dựng các mô hình chưa được đồng bộ.
Một số nơi còn thiếu đồng bộ giữa công tác tuyên truyền, vận động và tự giác thực hiện của người dân như tự quản thu gom rác thải với các giải pháp đầu tư phương tiện, điều kiện thực hiện việc xử lý cũng như không bố trí được khu đất tập trung làm bãi chứa rác thải, chưa có sự liên hoàn trong xử lý từ khâu tập trung đến khâu vận chuyển và xử lý, phương tiện thu gom còn thiếu, kinh phí duy trì, sửa chữa không đủ nên làm hạn chế về mặt nhận thức cũng như thói quen về bảo vệ môi trường của người dân ở khu dân cư.
Ở nhiều xã, phường do công tác tuyên truyền vận động chưa tốt dẫn đến việc đóng góp kinh phí cho hoạt động bảo vệ môi trường cũng hạn chế, mức đóng góp kinh phí hầu như chỉ đủ một phần cho hoạt động thu gom rác, còn các hoạt động cho người gián tiếp tham gia phong trào thì hầu như không có.
Ngoài ra, việc tuyên truyền vẫn còn đơn điệu mang tính hình thức, phong trào chỉ tập trung vào những dịp hưởng ứng những sự kiện về môi trường nên hiệu ứng xã hội trong việc bảo vệ môi trường chưa được như mong muốn.
Hoạt động tự quản của cộng đồng dân cư chủ yếu là đôn đốc nhắc nhở, chưa có hình thức, cơ chế xử phạt cụ thể theo từng loại hình và đối tượng vi phạm để đủ sức răn đe.
Ngoài việc nhận thức của một bộ phận nhân dân trong việc chấp hành bảo vệ môi trường chưa tốt, vấn đề kinh phí để duy trì, nhân rộng các điểm chỉ đạo còn hạn chế. Thiếu nguồn kinh phí để tăng cường cho công tác bảo vệ môi trường đã gây không ít khó khăn cho việc nâng cao hiệu quả bảo vệ môi trường từ các địa phương.
Đối với những khu dân cư chưa xây dựng mô hình điểm, hoạt động tự quản bảo vệ môi trường chưa phát huy vai trò, chất lượng giám sát của các đoàn thể và của người dân còn yếu, có nơi còn mang tính hình thức do chưa được tập trung đầu tư cho công tác chỉ đạo, bồi dưỡng nghiệp vụ hoạt động.
Một số tập quán sinh hoạt lạc hậu, đặc biệt ở các địa bàn dân cư vùng đồng bào dân tộc thiểu số chưa được cải thiện, cùng với ý thức về bảo vệ môi trường của một bộ phận nhân dân, các tổ chức, doanh nghiệp đóng trên địa bàn còn yếu kém nên công tác vận động thay đổi hành vi theo hướng tích cực bảo vệ môi trường trong sản xuất và tổ chức cuộc sống còn khó khăn và hiệu quả chưa cao.
Để từng bước khắc phục những thực trạng nêu trên, trong thời gian tới, các ban, ngành, đoàn thể cần lồng ghép, gắn tuyên truyền với các hoạt động của từng ngành, đơn vị. Các địa phương cũng cần huy động các nguồn lực xã hội để xây dựng, duy trì các mô hình đang hoạt động và nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của người dân.
Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm phổ biến sâu rộng Luật Bảo vệ môi trường; hướng dẫn công tác bảo vệ môi trường nông thôn, thực hiện các tiêu chí về môi trường trong xây dựng nông thôn mới; tiếp tục thực hiện tốt công tác tiếp nhận và thẩm định hồ sơ về môi trường; tổ chức kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; phối hợp với các đơn vị chức năng thực hiện tốt Nghị quyết 23 về tăng cường công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; thực hiện Chỉ thị số 25 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách về bảo vệ môi trường.