Vai trò của nước sạch đối với sức khỏe con người
04:17 - 06/09/2022
(MTNT) –  Nước sạch đóng vai trò rất quan trọng đối với sức khỏe và cuộc sống của con người.
Cần hạn chế tối đa việc sử dụng các hóa chất gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt là môi trường nước



Nước sạch giúp cho con người duy trì cuộc sống hàng ngày bởi con người sử dụng nước sạch để cung cấp cho các nhu cầu ăn uống, hoặc sử dụng cho các hoạt động sinh hoạt.


Mỗi người cần tới khoảng 120 lít nước/ngày để phục vụ các nhu cầu vệ sinh cá nhân và sinh hoạt. Nước sạch không chỉ là trong, không màu, không mùi, không vị mà còn phải an toàn đối với sức khỏe của người sử dụng.


Nguồn nước sạch có rất nhiều tác dụng tạo nên lợi ích cho cơ thể như: nước giúp làm sạch dạ dày, giúp quá trình tuần hoàn máu linh hoạt, làm loãng nước tiểu, bài trừ các chất cặn bã, ngăn ngừa các bệnh về thận, chống lão hóa cho cơ thể,  giúp làm đẹp da.

Ngược lại, nếu cơ thể ta thiếu nước sẽ khiến ta dễ vướng phải các căn bệnh hiểm nghèo.  Nhất là khi ta vướng các căn bệnh như dịch tả , kiết lị, tiêu chảy… thì lúc này nước có vai trò vô cùng quan trọng. Nguy cơ dẫn đến tử vong rất cao khi bạn không cung cấp đủ nước cho cơ thể.


Nếu sử dụng nước không sạch thì sẽ ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe, vì nước là môi trường trung gian chuyển tải các chất hóa học và các loại vi khuẩn, vi rút, ký sinh trùng gây bệnh mà mắt thường không nhìn thấy được.


Các hóa chất thường gặp trong nước như sắt, chì, măng gan, asen, thủy ngân, nitrit, nitrat, amoni, hóa chất bảo vệ thực vật, các sản phẩm dầu, mỡ và các hóa chất dùng trong công nghiệp.


Nếu hàm lượng của các chất này trong nước vượt quá tiêu chuẩn cho phép sẽ gây hại đối với sức khỏe như ngộ độc kim loại nặng (asen, thủy ngân, chì, hóa chất bảo vệ thực vật). Nếu hàm lượng hóa chất thấp hơn, có thể chưa ảnh hưởng ngay đến sức khỏe, nhưng các hóa chất có khả năng tích tụ trong các mô của cơ thể, về lâu dài có thể gây nên các bệnh nhiễm độc mãn tính hoặc ung thư.


Việc sử dụng nước bị nhiễm bẩn các yếu tố vi sinh vật cũng là nguyên nhân gây nên các bệnh hoặc các vụ dịch đường tiêu hóa như tiêu chảy, tả, lỵ, thương hàn. Nước cũng như thực phẩm rất dễ bị nhiễm các loại vi khuẩn E. Coli, Salmonella gây bệnh tiêu chảy, phẩy khuẩn tả gây bệnh tả.


Nhiều người dùng chung một nguồn nước bị nhiễm vi khuẩn gây bệnh có thể gây bùng phát các vụ dịch trong cộng đồng và nếu phân hoặc chất thải của những người này không được quản lý tốt, gây ô nhiễm môi trường thì dịch bệnh lại càng có nguy cơ lan rộng hơn.


Tình trạng ô nhiễm nước bề mặt và nước ngầm ngày càng gia tăng. Ô nhiễm nguồn nước do chất thải rắn và lỏng từ các hoạt động sinh hoạt, sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, bệnh viện. được thải trực tiếp vào môi trường mà không qua bất kỳ một khâu xử lý nào.


Các loại hóa chất độc hại và các vi sinh vật gây bệnh sẽ xâm nhập vào các nguồn nước ngầm nông trong khi đó nước ngầm là nguồn cung cấp nguyên liệu chính cho các nhà máy nước và các trạm cấp nước tập trung.

Bên cạnh đó, tình trạng khai thác bừa bãi nguồn nước ngầm bằng các giếng khoan tự phát của các hộ gia đình, các cơ quan xí nghiệp, các cơ sở sản xuất phục vụ cho mục đích sinh hoạt, kinh doanh, sản xuất đã và đang làm cho nguồn tài nguyên nước đang bị mất cân bằng nghiêm trọng và tăng nguy cơ ô nhiễm tầng nước ngầm thông qua các giếng khoan.


 Công nghệ, năng lực, quy trình xử lý của nhiều cơ sở cung cấp nước còn hạn chế. Trong khi một số nhà máy nước ở các thành phố lớn được đầu tư quy trình công nghệ xử lý hiện đại có thể loại bỏ được hầu hết các chất độc hại trong quá trình xử lý, thì nhiều các nhà máy nước đô thị và trạm cấp nước tập trung ở nông thôn có năng lực xử lý nước còn hạn chế, chưa có khả năng loại bỏ được tất cả các hóa chất độc hại ra khỏi nước.


Nhiều cơ sở cấp nước chưa tuân thủ quy trình công nghệ, ví dụ chưa có biện pháp bổ sung, duy trì hàm lượng clo dư trong toàn bộ hệ thống cấp nước đạt tiêu chuẩn cho phép 0,3 - 0,5 mg/l để có thể diệt khuẩn trong nước.


Hệ thống đường ống phân phối và bể chứa nước đã cũ, xuống cấp gây vỡ, rò rỉ đường ống làm cho các chất ô nhiễm từ bên ngoài thấm ngược vào trong đường ống gây ô nhiễm nước.


Tại nhiều khu đô thị, khu chung cư, các hệ thống bể chứa đã cũ, nứt vỡ, thiếu nắp đậy, hư hỏng thì dù nước cấp có đảm bảo chất lượng cũng sẽ bị ô nhiễm nếu các bể chứa nước không được quản lý tốt.


Ý thức bảo vệ hệ thống đường ống cấp nước của một số người dân chưa cao. Nhiều nơi có hiện tượng tự ý khoan đục đường ống để đấu nối trái phép gây thất thoát nước, giảm áp lực nước làm trào ngược nước bẩn và chất ô nhiễm vào trong đường ống.


Nguồn nước bị ô nhiễm tự nhiên. Bên cạnh các yếu tố ô nhiễm nguồn nước do các hoạt động của con người gây nên, nguồn nước cũng có thể bị ô nhiễm tự nhiên từ các lớp trầm tích trong lòng đất hoặc các quá trình hóa học xảy ra trong tự nhiên. Ví dụ ô nhiễm asen hiện nay trong nước ngầm chủ yếu là nhiễm asen tự nhiên.


 Đảm bảo việc cung cấp nước sạch và đầy đủ là một trong những điều kiện cơ bản để bảo vệ sức khỏe con người. Để làm được điều này, các cơ quan chức năng, các nhà sản xuất kinh doanh nước sạch và bản thân mỗi người dân đang sử dụng nước sinh hoạt hãy trân trọng và bảo vệ nguồn sống của chính mình.


Tuy nhiên, khi uống nước chúng ta cũng cần phải uống đúng cách để nước phát huy được tác dụng tốt nhất của nó . Uống nước vào buổi sáng khi mới ngủ dậy là một cách cung cấp nước tuyệt vời cho cơ thể.


Sau một đêm ngủ cơ thể chúng ta thiếu nước, máu đặc lại và các cơ quan trong cơ thể thiếu nước, lúc này một cốc nước ấm sẽ giúp ích rất nhiều cho việc lưu thông máu và qua  trình  vận chuyển các chất cũng như tiêu hóa thức ăn.


Hằng ngày, lượng nước chúng ta cung cấp vào cơ thể khoảng 200 đến 300ml nước, nhưng chúng ta nên chia nhỏ lượng nước này để uống trong ngày, tránh tình trạng uống 1 lúc nhiều nước sẽ tạo gánh nặng cho tim.


Chúng ta không nên uống nước vừa đun sôi xong hoặc nước đun đi đun lại nhiều lần. Cơ thể chúng ta sẽ bị nguy hại vì một số kim loại nặng tồn tại trong nước như chì, nitrat…  Ngoài ra, uống nước để trong tử lạnh cũng không phải là điều nên dùng thường xuyên.  Nhất là khi cơ thể bạn đang háo nước, nguồn nước lạnh bổ xung vào cơ thể đột ngột sẽ khiến cơ thể không hấp thụ kịp thời dễ dẫn đến mất cân bằng thân nhiệt.


Nước vô cùng quan trọng cho cơ thể, chính vì vậy chúng ta hãy uống đủ nước và uống đúng cách để giúp ta có một cơ thể khỏe mạnh, đẩy lùi bênh tật một cách hiệu quả.


 
Nguyễn Chiến



Nguồn:
http://tapchimoitruong.vn/moi-truong-va-cong-dong-84/T%E1%BA%A7m-quan-tr%E1%BB%8Dng-c%E1%BB%A7a-n%C6%B0%E1%BB%9Bc-s%E1%BA%A1ch--%C4%91%E1%BB%91i-v%E1%BB%9Bi-%C4%91%E1%BB%9Di-s%E1%BB%91ng-con-ng%C6%B0%E1%BB%9Di-21111
https://karofi.com/vai-tro-quan-trong-cua-nguon-nuoc-sach-doi-voi-chung-ta-va-bien-phap-bv794.html


 
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn