Các cấp Hội xây dựng nhiều mô hình bảo vệ môi trường nông thôn
16:17 - 28/05/2018
(MTNT)- Thời gian qua, cán bộ, hội viên nông dân cả nước đã tích cực tham gia bảo vệ môi trường, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, ứng phó với biến đổi khí hậu, nhờ đó môi trường nông thôn (MTNT) có nhiều chuyển biến tích cực.
Hội viên, nông dân đã đảm nhận nhiều mô hình tự quản bảo vệ môi trường


Tại huyện Lạng Giang (Bắc Giang), các hội viên nông dân đã đảm nhận nhiều mô hình tự quản bảo vệ môi trường căn cứ tình hình thực tế ở địa phương. Đến nay, toàn huyện Lạng Giang đã thành lập 284 mô hình tự quản bảo vệ môi trường ở 23/23 xã, thị trấn. Các mô hình được nhiều chi Hội lựa chọn là: Tuyến đường nông dân tự quản sáng - xanh - sạch - đẹp; thu gom thuốc bảo vệ thực vật; thu gom rác thải; nhà sạch, đường đẹp.
 
 
Mỗi chi Hội một mô hình, như Chi hội ND thôn 4, xã Nghĩa Hưng lựa chọn mô hình tự quản tuyến đường xanh, sạch, đẹp. Sau khi thành lập 5 tổ tự quản, các tổ trưởng đôn đốc hội viên thu gom rác ở khu dân cư đến nơi quy định. Ngày 14 hàng tháng tổng vệ sinh toàn bộ các tuyến đường. Bên cạnh đó, các hội viên góp tiền mua bóng điện lắp đặt ở những đoạn đường tự quản.
 
 
Chi hội ND thôn 5, xã Nghĩa Hưng triển khai mô hình ruộng đồng không vỏ thuốc bảo vệ thực vật. Các hội viên tuyên truyền về tác hại của việc vứt bừa bãi vỏ bao bì, nhắc nhở nhau để đúng nơi quy định. Cách làm này giúp nông dân thay đổi nhận thức, hành vi và thói quen trong lao động, sản xuất, bảo vệ môi trường.
 
 
Tương tự, tại Chi hội ND thôn Toàn Mỹ, thị trấn Vôi, mỗi gia đình đều có xô đựng rác, thu gom, phân loại tại nguồn. Ở các xã Đào Mỹ, Hương Sơn, Tân Thanh, nhiều gia đình tự làm lò xử lý rác thải mini, không vứt rác ra đường.
 
 
Riêng đối với việc xử lý môi trường chăn nuôi nông hộ, Hội chủ động phối hợp với các ngành chức năng tập huấn chuyển giao kỹ thuật sản xuất, chăn nuôi theo quy trình an toàn. Hiện trên địa bàn huyện có hơn 1.000 hộ chăn nuôi áp dụng các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
 
 
Trong Chiến dịch cao điểm vệ sinh môi trường, Hội ND huyện đã chỉ đạo 100% chi Hội phối hợp với các Hội, đoàn thể ở địa phương nạo vét, khơi thông hơn 230 km kênh mương; quét dọn gần 1.500 km hành lang đường giao thông liên thôn, xã.
 
 
Tại Hòa Bình, nhiều mô hình, phong trào nông dân tham gia bảo vệ môi trường đang được nhân rộng tại cộng đồng dân cư. Đến nay, các cấp Hội đã xây dựng 43 mô hình bảo vệ môi trường nông thôn, 13 mô hình chi Hội nông dân tự quản bảo vệ môi trường tại 13 xã điểm về xây dựng NTM thu hút hàng nghìn hội viên, nông dân tham gia, hưởng ứng.
 
 
Trên cánh đồng sản xuất nông nghiệp, hội viên nông dân khu 13 - thị trấn Chi Nê, nông dân Thung Cọ - xã Lạc Long, thôn Phú Thắng - xã Phú Thành, thôn Vai - xã Thanh Nông đã xây dựng được hàng chục bể thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật. Đây chính là nỗ lực của Hội ND cơ sở trong việc tuyên truyền, vận động hội viên đóng góp nguyên vật liệu, ngày công và tiền cho mô hình. Với mỗi bể từ 1 - 1,2m3, chi phí từ 1 - 1,5 triệu đồng, mô hình đã giúp nông dân có nơi tập trung thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật, tránh tình trạng vứt bừa bãi ra môi trường, giảm thiểu ô nhiễm môi trường đất và môi trường nước tại địa phương.
 
 
Tại huyện Lạc Sơn, các mô hình được xây dựng chủ yếu là nông dân tự quản đường giao thông nông thôn như ở chi Hội Đội 5 - xã ân Nghĩa, xóm Nại - xã Tân Mỹ, xóm Băng - xã Ngọc Lâu. Hàng tháng, hội viên, nông dân các xóm vệ sinh, thu gom và xử lý rác thải, nạo vét rãnh thoát nước, quét dọn và phát quang tầm nhìn hai bên đường làng, ngõ xóm làm sạch, đẹp các tuyến đường nông thôn.
 
 
Đối với Hội ND huyện Tân Lạc, phong trào tham gia bảo vệ môi trường diễn ra sôi nổi với một loạt mô hình điểm như: Xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh tại các xã: Quy Hậu, Địch Giáo, Ngọc Mỹ. Từ 170 thành viên tham gia, đến nay tại mỗi xã đã đạt 70 - 95% tổng số hộ xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh.
 
 
Với mô hình thu gom rác thải tại các khu dân cư thị trấn Mường Khến, UBND huyện đã hỗ trợ 3 xe thu gom rác, đầu tư xây dựng 300m cống, rãnh thoát nước thải sinh hoạt. Sau khi triển khai, hội viên nông dân và nhân dân trên địa bàn đã ý thức được việc thu gom rác đúng nơi quy định, tự phân loại và gom riêng các loại rác khó tiêu hủy để xử lý. Hiện tượng vứt rác bừa bãi đã hạn chế, môi trường được cải thiện.
 
 
Tại 2 xã Phong Phú, Tử Nê, 100% thành viên mô hình cam kết "Hộ gia đình nông dân sử dụng và bảo quản nguồn nước sạch”, tỷ lệ hộ gia đình sử dụng nước sạch toàn xã đạt 100%. Một số mô hình khác cũng được hội viên nông dân cơ sở hưởng ứng như mô hình hố rác tại gia tiện ích và đảm bảo môi trường sống ở xã Phú Cường… 
 
 
Tại huyện Đồng Hỷ (Thái Nguyên), hiện 100% Hội ND các xã xây dựng mô hình nông dân tham gia bảo vệ môi trường. Điển hình như Hội ND xã Hóa Thượng đã xây dựng quy chế, thành lập các tổ tự quản bảo vệ môi trường tại 10/10 chi Hội trong xã. Sau khi thành lập, các tổ giao nhiệm vụ cho từng thành viên thực hiện, còn tổ trưởng vận động, đôn đốc hội viên, nông dân đảm nhận vệ sinh các trục đường. Hai ngày một lần, các gia đình thu gom rác mang đi đốt. Chủ nhật hàng tuần, tổ tự quản huy động hội viên tập trung quét dọn, tổng vệ sinh khu dân cư. Riêng đối với bao bì thuốc bảo vệ thực vật, Hội ND xã vận động hội viên, nông dân đóng góp hàng chục triệu đồng, cùng với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương xây dựng trên 100 bể thu gom đặt tại những cánh đồng trên địa bàn xã; đồng thời tuyên truyền bà con thu gom, xử lý theo đúng quy trình. Cách làm này giúp hội viên thay đổi nhận thức, hành vi, thói quen trong sản xuất, sinh hoạt, khắc phục tình trạng xả chất thải bừa bãi, gây ô nhiễm môi trường.
 
 
Tại Hải Dương, xác định việc xây dựng điểm, tập huấn trang bị kiến thức, kỹ năng và hỗ trợ các dụng cụ, trang thiết bị cho hoạt động của các mô hình nông dân tham gia bảo vệ môi trường nông thôn xanh- sạch- đẹp sẽ tháo gỡ những khó khăn ban đầu, thu hút đông đảo hội viên nông dân tham gia và tạo cơ sở cho việc nhân rộng mô hình, Hội ND tỉnh đã phối hợp với Trung tâm Môi trường nông thôn - Trung ương Hội NDVN, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh tổ chức thành lập hàng chục mô hình như: Mô hình nông dân tham gia bảo vệ môi trường nông thôn xanh- sạch- đẹp; mô hình thu gom và xử lý chất thải trong sinh hoạt và sản xuất làng nghề; mô hình thu gom, phân loại rác thải và vệ sinh môi trường nông thôn; mô hình trình diễn cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn.
 
 
Thông qua mô hình, Hội ND tỉnh đã hỗ trợ hàng chục xe chở rác, thùng đựng rác, hàng trăm dụng cụ chổi rễ, cuốc xẻng để quét dọn vệ sinh môi trường; đã tổ chức hàng chục lớp tập huấn cung cấp kiến thức, kỹ năng về thu gom, phân loại, vận chuyển và xử lý rác thải cho đội ngũ Ban chủ nhiệm mô hình, tổ tự quản và các thành viên; tuyên truyền vận động hội viên nông dân nâng cao ý thức về bảo quản, giữ gìn nguồn nước sạch, sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, không xả, vứt rác thải bừa bãi, sử dụng thuốc và vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật đúng quy định, xây dựng môi trường thân thiện xanh- sạch- đẹp; ký cam kết thực hiện việc sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp an toàn, đóng phí bảo vệ môi trường đầy đủ…
 
 
Từ kết quả hoạt động của các mô hình điểm, Hội ND tỉnh đã chỉ đạo các cấp Hội nhân ra diện rộng, đến nay trên địa bàn toàn tỉnh có trên 350 mô hình nông dân tham gia bảo vệ môi trường nông thôn, đa số các mô hình đều đang hoạt động có hiệu quả, góp phần vào công tác giữ gìn vệ sinh môi trường đảm bảo các chỉ tiêu về môi trường trong xây dựng nông thôn mới…
 
 
Đến nay, Hội ND tỉnh đã chỉ đạo các cấp Hội tích cực tuyên truyền, vận động và có nhiều giải pháp hỗ trợ các hộ nông dân áp dụng các biện pháp nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường do chất thải chăn nuôi gây ra như: Xây dựng hầm biogas, sử dụng các chế phẩm sinh học (Biowish, Balasa No1, EM…) để xử lý chất thải trong chăn nuôi lợn. Hội ND tỉnh còn được UBND tỉnh giao cho tổ chức triển khai dự án xây dựng mô hình giảm thiểu ô nhiễm môi trường bằng công nghệ đệm lót sinh học trong chăn nuôi lợn nông hộ, kết quả đã có hàng trăm hộ nông dân ở 31 xã được Hội ND tỉnh hướng dẫn xây dựng chuồng trại và làm đệm lót sinh học được gần 3.000m2 với tổng kinh phí hỗ trợ 885 triệu đồng.
 
 
Thời gian tới, các cấp Hội sẽ tập trung nâng cao nhận thức, tăng cường năng lực và tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ, hội viên nông dân các cấp tham gia quản lý, sử dụng tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính; tham gia giám sát, phát hiện, đề xuất biện pháp xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về tài nguyên, môi trường; triển khai hiệu quả Tiêu chí số 17 về môi trường trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đến năm 2020…

Văn Nam
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn