Báo động tình trạng ô nhiễm nguồn nước mặt tại các đô thị
09:55 - 31/08/2017
(MTNT) – Sông, hồ đã trở thành nơi chứa nước thải; tỷ lệ nước thải được xử lý chiếm 10 - 12%, còn lại là thải ra ngoài mà chưa qua xử lý. Chỉ có 42 đô thị trong tổng số 787 đô thị có công trình xử lý nước thải tập trung, nhiều hệ thống đã xuống cấp. Đây là nguyên nhân tác động lớn đến chất lượng nước sông, hồ đô thị.
Tình trạng ô nhiễm nguồn nước mặt tại các đô thị lớn đang trở thành vấn nạn đáng báo động

Theo thống kê của Bộ TN&MT, năm 2016, cho dù đã có cải thiện ít nhiều song ô nhiễm nước mặt tại các sông, ngòi chảy qua đô thị vẫn đang là vấn đề nổi cộm tại hầu hết các tỉnh, thành phố lớn. Các thông số đặc trưng cho ô nhiễm hữu cơ (BOD5, COD), chất dinh dưỡng (Amoni) đều vượt Quy chuẩn Việt Nam 08-MT:2015/BTNMT.


Nguyên nhân chủ yếu do một lượng lớn nước thải sinh hoạt đô thị, nước thải từ mốt số cơ sở sản xuất trong nội đô chưa được xử lý hoặc xử lý chưa đạt yêu cầu thải trực tiếp ra các con sông, kênh, mương chảy qua nội đô. Đặc biệt, mức độ ô nhiễm đã trở nên nghiên trọng tại hai đô thị lớn nhất của cả nước là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.


Sở TN&MT Hà Nội cho biết, các hồ tại thủ đô Hà Nội luôn trong chế độ giàu dinh dưỡng do hàm lượng PO43+ và NH4+ trong nước xả vào hồ khá lớn (nồng độ PO43- từ 8 - 15 mg/l). Do hiện tượng nước nở hoa nên một lượng chất bẩn hữu cơ (theo BOD5) đáng kể bổ sung vào nước sông, hồ (từ 1,2 đến 5 mg/l).


Hiện tại, mức ô nhiễm theo các chỉ tiêu chất lơ lửng và BOD5 gấp 5 - 20 lần so với tiêu chuẩn quy định đối với nguồn nước mặt. Tại TP. Đà Nẵng, toàn thành phố có 30 hồ phân bố không đồng đều trong phạm vi nội đô với tổng diện tích mặt nước 1.793.894 km2, trong đó, hồ Bàu Tràm ở quận Liên Chiểu có diện tích lớn nhất (30% tổng diện tích), có 25 hồ có diện tích trên 10.000 m2, còn lại là các hồ nhỏ.


Giai đoạn 2012 – 2016 cũng cho thấy, tại tất cả các đô thị, hàm lượng BOD5 trong nước đều vượt ngưỡng rất cao so với QCVN 08- MT:2015 (B1). Thậm chí tại một số nơi như hồ Tam Bạc (Hải Phòng), Hồ Thành (Bắc Ninh) đều có hàm lượng vượt rất), Hồ Thành (Bắc Ninh) đều có hàm lượng vượt tới hơn 2 lần quy chuẩn cho phép.


Tại nhiều đô thị, hồ đã trở thành nơi chứa nước thải, nước không có sự lưu thông. Phần lớn các hồ nội thành, nội thị ở các cấp loại đô thị đều bị ô nhiễm chất hữu cơ và chất dinh dưỡng ở mức độ khác nhau. Ô nhiễm nước hồ xảy ra không chỉ ở các thành phố lớn (loại đặc biệt, loại I) mà tại các đô thị nhỏ hơn (cấp II, cấp III).


Tình trạng vứt rác bừa bãi, xả nước thải sản xuất chưa qua xử ly xuống lòng sông, kênh mương khá phổ biến. Bên cạnh đó, tình trạng lấn chiếm lòng sông, kênh mương xảy ra khắp nơi khiến diện tích mặt nước thu hẹp, cản trở dòng chảy. 


Điển hình như tại TP. Hồ Chí Minh, kết quả quan trắc chất lượng nguồn nước vừa được Sở TN&MT công bố cho thấy, nguồn nước tại hệ thống kênh rạch ở TP. Hồ Chí Minh đang trong tình trạng ô nhiễm nặng nề. Các thành phần như BOD5 (nhu cầu oxy sinh học), COD (nhu cầu oxy hóa học), chỉ tiêu vi sinh (coliform), hàm lượng chất lơ lửng (SS), kim loại nặng... đều vượt tiêu chuẩn từ vài chục đến cả ngàn lần cho phép.


Bên cạnh đó, tình trạng lấn chiếm lòng sông, kênh mương xảy ra khắp nơi khiến diện tích mặt nước thu hẹp, cản trở dòng chảy. Tại 2 đô thị loại đặc biệt là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, mức độ ô nhiễm hữu cơ và chất dinh dưỡng là vấn đề đã xảy ra nhiều năm và chưa có nhiều cải thiện, điển hình là một số sông, kênh như sông Tô Lịch, sông Lừ, sông Sét (Hà Nội) và kênh Tân Hóa – Lò Gốm, kênh Ba Bò, kênh Tham Lương (TP. Hồ Chí Minh). Nhiều tuyến kênh, đoạn sông sau cải tạo mức độ ô nhiễm đã giảm, song thời gian gần đây, mức độ ô nhiễm có xu hướng tăng trở lại. Tình trạng ô nhiễm sông, kênh mương nội thành đã trở thành vấn đề cần quan tâm giải quyết ở hầu hết các đô thị.


Theo các nghiên cứu và khảo sát của Liên minh Nước sạch, ô nhiễm nguồn nước (sông ngòi, ao hồ) tại Việt Nam đang có nguy cơ vượt mức kiểm soát. Gần như tất cả các dòng sông, đặc biệt là các dòng sông nhỏ đều đang ở trong tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng. Nguyên nhân được cho là bắt nguồn từ quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa mạnh trong 20 năm qua và quá trình đó đã tạo ra những điểm ô nhiễm rất lớn và nguồn nước là nguồn bị ảnh hưởng lớn và rõ ràng nhất hiện nay. Đây là một thực trạng cấp thiết, đòi hỏi phải có những chính sách mới để giải quyết được vấn đề này.


Để quản lý tốt công tác xả thải vào nguồn nước, các chuyên gia cho rằng, cần phải nghiên cứu cơ chế thực hiện việc thu tiền để xử lý nước thải gắn liền với thu tiền sử dụng nước hoặc thực hiện việc ký quỹ để thực hiện trách nhiệm xử lý nước thải theo quy định của pháp luật. Xây dựng hệ thống giám sát quốc gia để giám sát liên tục, tự động, trực tuyến hoạt động xả nước thải của các cơ sở xả nước thải lớn, có nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước. Định kỳ hằng năm hoặc khi cần thiết công bố công khai danh sách các cơ sở xả nước thải gây ô nhiễm hoặc có nguy cơ gây ô nhiễm trên các phương tiện thông tin, truyền thông.

 
Hoàn Khải
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn