(MTNT) - Để góp phần thiết thực bảo vệ môi trường, thời gian qua các cấp Hội ND tại nhiều địa phương trên cả nước đã phát động, xây dựng được nhiều mô hình bảo vệ môi trường phong phú, đa dạng và hiệu quả.
|
Phong trào nông dân tham gia bảo vệ môi trường đang nhân rộng tại nhiều địa phương |
Phong trào “Đẹp nhà, sạch đường, sạch đồng ruộng” được Hội ND tỉnh Quảng Ninh xây dựng, phát động rộng rãi và đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của đông đảo hội viên, nông dân. Ban Thường vụ Hội ND tỉnh ban hành hướng dẫn số 208 xây dựng chi Hội ND “Đẹp nhà, sạch đường, sạch đồng ruộng” với những tiêu chí cụ thể.
Trong đó đẹp nhà tức là đồ đạc được sắp xếp ngăn nắp, gọn đẹp, chuồng trại chăn nuôi cách xa nhà 8- 12 m, không có mùi, áp dụng các biện pháp thân thiện với môi trường như hầm biogas, đệm lót sinh học.
Đến nay, các cấp Hội trên địa bàn tỉnh đã xây dựng, duy trì và phát huy hiệu quả hoạt động được 420 mô hình. Để góp phần giải bài toán môi trường, việc xây dựng mô hình “Đẹp nhà, sạch đường, sạch đồng ruộng” được Hội ND các cấp trong tỉnh triển khai trực tiếp đến các chi Hội thôn và phối hợp các đoàn thể khác trong thôn tổ chức họp dân để tuyên truyền các hộ đăng ký tham gia.
Các cán bộ, hội viên vừa trực tiếp đi thu gom rác thải, vừa kết hợp tuyên truyền, xây dựng các khu vực chứa rác. Nhiều địa phương trong tỉnh triển khai tốt, thực hiện tốt mô hình như: Thị xã Quảng Yên, Đông Triều, thành phố Móng Cái, huyện Hải Hà. Trong thực hiện nội dung “Đẹp nhà”, chi Hội yêu cầu các công trình vệ sinh của mỗi hộ dân phải đảm bảo chất thải không gây ô nhiễm môi trường xung quanh.
Đối với các hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm, chi Hội khuyến khích và hướng dẫn người dân sử dụng hầm biogas thân thiện môi trường. Hàng tuần tổ chức “Ngày thứ bảy xanh”, các hộ gia đình tự thu gom rác xung quanh nhà mình; đường đi lối lại, phát quang bụi rậm, khơi thông cống rãnh, phát động trồng cây xanh phủ bóng mát, hình thành cảnh quan đường làng ngõ xóm xanh, sạch đẹp.
Nhiều tuyến đường, ngõ xóm của thôn đã được trồng cây xanh; các khu vực dân cư đều có nơi để rác theo quy định và có biển chỉ dẫn; ở các cánh đồng đều được xây hố rác, ống bi bằng bê tông, sau khi rác được thu gom lại và tiêu hủy tại chỗ, đảm bảo môi trường không bị ô nhiễm; nhà cửa thường xuyên được quét dọn sạch sẽ, gọn gàng, chuồng trại chăn nuôi, sản xuất canh tác đảm bảo vệ sinh, sử dụng các biện pháp thân thiện môi trường: hầm biogas, đệm lót sinh học, chế phẩm sinh học.
Huyện Đầm Hà đã xây hoàn chỉnh 12 bể chứa rác thải thuốc bảo vệ thực vật trên cánh đồng. Xây dựng được dự án trồng rau an toàn; dự án vay vốn phát triển sản xuất cho các hộ chăn nuôi lợn, gà ứng dụng công nghệ đệm lót sinh học góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường; di chuyển 60 chuồng trại, vận động di chuyển 16 chuồng trại gia súc ra xa khu nhà ở đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn. Xây dựng nhà tiêu 2 ngăn hợp vệ sinh cho 40 hộ đồng bào dân tộc Dao tại thôn Tân Đức, xã Quảng Tân, huyện Đầm Hà.
Theo thông lệ vào ngày chủ nhật cuối cùng trong tháng, hội viên nông dân thôn Ngọc Lĩnh, xã Ngọc Thiện, huyện Tân Yên (Bắc Giang) lại quét dọn, thu gom, phân loại rác thải tại gia đình và nơi công cộng. Nhờ vậy, đường làng ngõ xóm luôn sạch đẹp.
Có được kết quả trên là do Hội ND tỉnh thực hiện dự án “Xử lý chất thải trang trại vùng nông thôn bảo vệ môi trường xanh, sạch, đẹp”. Dự án xây dựng gần 1 km kênh mương cứng thoát nước thải sinh hoạt, sản xuất; hỗ trợ bà con sử dụng chế phẩm sinh học trong chăn nuôi; thu gom xử lý, phân loại rác tại hộ.
Ông Phạm Khả Mùi, chi Hội trưởng chi Hội ND thôn Ngọc Lĩnh cho biết: “Thôn có hơn 100 hộ, hầu hết đều nuôi lợn, nhiều hộ nuôi tới cả trăm con/lứa nên lượng chất thải khá lớn. Thực hiện dự án, chi Hội tuyên truyền, hướng dẫn hội viên áp dụng phương pháp chăn nuôi an toàn, lắp đặt đường ống dẫn nước thải ra đúng nơi quy định”.
Chi Hội phân công nhiệm vụ cho hội viên ở các tổ kiểm tra, theo dõi chéo, nếu vi phạm sẽ bị nhắc nhở, nêu tên trên loa của thôn. Với cách làm trên, đến nay môi trường trong thôn được đánh giá tốt.
Trên các cánh đồng ở xã Thanh Vân (huyện Hiệp Hòa) thời gian gần đây giảm hẳn tình trạng người dân tùy tiện vứt vỏ thuốc bảo vệ thực vật bởi Hội ND thực hiện mô hình điểm “Thu gom thuốc bảo vệ thực vật” ở thôn Thanh Phác.
Tại đây hình thành 4 hố chứa vỏ thuốc bảo vệ thực vật đặt tại vị trí thuận lợi cho bà con bỏ vào sau khi sử dụng, hằng tuần hội viên thu gom và xử lý. Trong quá trình triển khai, nhận thấy mô hình đem lại hiệu quả thiết thực, Hội ND huyện đã nhân rộng lên 27 mô hình tại các xã: Châu Minh, Hợp Thịnh, Xuân Cẩm, Đoan Bái trên địa bàn huyện.
Hiện nay toàn tỉnh Bắc Giang xây dựng 53 mô điểm sử dụng chế phẩm sinh hoạt trong chăn nuôi và trồng trọt; 275 mô hình nông dân tự quản; hàng trăm mô hình “Đẹp nhà, sạch đường, sạch đồng ruộng”, “Chi hội nông dân thu gom rác thải”, “Một hố rác, một cây xanh”, “Chăn nuôi bằng chế phẩm sinh học”.
Qua thực hiện các mô hình, ý thức của hội viên nông dân về bảo vệ môi trường được nâng lên, bà con dần có thói quen bỏ rác đúng nơi quy định, thường xuyên dọn dẹp vệ sinh môi trường.
Các mô hình bảo vệ môi trường nông thôn do các cấp hội nông dân đảm nhận đóng góp quan trọng trong việc thay đổi diện mạo nông thôn; cải thiện môi trường, hình thành vùng sản xuất an toàn mang lại hiệu quả kinh tế.
Đi đôi với giải pháp trên, tại Bắc Giang có nhiều mô hình gia trại, trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm tiếp tục hỗ trợ, khuyến khích nông dân sử dụng chế phẩm sinh học. Từ đó, từng bước giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi, nâng cao hiệu quả sản xuất.
Hội ND các cấp vận động nhân dân đóng góp kinh phí để chi trả cho tổ vệ sinh môi trường. Đây là cách làm sáng tạo, hiệu quả cần được các cấp Hội trong tỉnh học tập.
Những năm gần đây, nhiều mô hình, phong trào nông dân tham gia bảo vệ môi trường đang được nhân rộng tại tỉnh Hòa Bình. Hội viên, nông dân các cấp đã và đang chung tay bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Trên cánh đồng sản xuất nông nghiệp, hội viên, nông dân khu 13 - thị trấn Chi Nê đã xây dựng được hàng chục bể thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật. Đây chính là nỗ lực của Hội ND cơ sở trong việc tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân đóng góp nguyên vật liệu, ngày công và kinh phí thực hiện mô hình. Với 13 bể thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật, mỗi bể từ 1 - 1,2m3, chi phí từ 1 - 1,5 triệu đồng.
Mô hình đã giúp nông dân có nơi tập trung thu gom bao bì thuốc bảo vệ môi trường, tránh tình trạng vứt bừa bãi ra môi trường, giảm thiểu ô nhiễm môi trường đất và môi trường nước tại địa phương, bảo vệ sức khỏe con người và tạo môi trường nông thôn xanh, sạch, đẹp.
Tại huyện Tân Lạc (Hòa Bình), phong trào tham gia bảo vệ môi trường diễn ra sôi nổi với một loạt mô hình điểm như: Xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh tại các xã: Quy Hậu, Địch Giáo, Ngọc Mỹ; mô hình thu gom rác thải tại các khu dân cư thị trấn Mường Khến; mô hình sử dụng nước sạch 2 xã Phong Phú, Tử Nê. Các mô hình đã có tác động trực tiếp trong việc nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của người dân.
Cụ thể, mô hình xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh từ chỗ có 170 thành viên tham gia, đến nay tại mỗi xã trên địa bàn huyện Tân Lạc đã đạt 70 - 95% tổng số hộ xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh. Với các khu dân cư của thị trấn Mường Khến, UBND huyện đã hỗ trợ 3 xe thu gom rác, đầu tư xây dựng 300m cống, rãnh thoát nước thải sinh hoạt.
Sau khi triển khai, hội viên nông dân và nhân dân trên địa bàn đã ý thức được việc thu gom rác đúng nơi quy định, tự phân loại và gom riêng các loại rác khó tiêu hủy để xử lý. Hiện tượng vứt rác bừa bãi đã hạn chế, môi trường được cải thiện.
Tại 2 xã Phong Phú, Tử Nê thuộc huyện Tân Lạc 100% thành viên mô hình cam kết "Hộ gia đình nông dân sử dụng và bảo quản nguồn nước sạch”, tỷ lệ hộ gia đình sử dụng nước sạch toàn xã đạt 100%. Một số mô hình khác cũng được hội viên, nông dân cơ sở hưởng ứng như: Mô hình hố rác tại gia tiện ích và đảm bảo môi trường sống ở xã Phú Cường.
Phó Chủ tịch Hội ND tỉnh Nguyễn Thị Cẩm Phương cho biết, Các cấp Hội trên địa bàn đã xây dựng được 43 mô hình bảo vệ môi trường nông thôn, 13 mô hình chi Hội ND tự quản bảo vệ môi trường tại 13 xã điểm về xây dựng nông thôn mới thu hút hàng nghìn hội viên tham gia, hưởng ứng. Nhiều đơn vị có phong trào bảo vệ môi trường mạnh đó là các huyện: Lạc Thủy, Tân Lạc, Cao Phong, Mai Châu.
Tại xã Thanh Cường, huyện Thanh Hà (Hải Dương), gần 100 hội viên, nông dân đã tham gia mô hình nông dân tham gia bảo vệ môi trường nông thôn xanh sạch đẹp của xã. Đây là 1 trong 3 mô hình được Hội ND tỉnh hỗ trợ và triển khai thực hiện hiệu quả.
Các mô hình đã nhận được sự hỗ trợ của Hội ND tỉnh về kinh phí, phương tiện thu gom, thùng rác và được tập huấn các kiến thức về tuyên truyền, hướng dẫn bảo vệ môi trường.
Đến thời điểm này, Hội ND tỉnh Hải Dương đã hỗ trợ triển khai được 24 mô hình nông dân tham gia bảo vệ môi trường với hàng nghìn hội viên nòng cốt tham gia. Thông qua các mô hình giúp nông dân chủ động áp dụng các biện pháp thân thiện với môi trường như: Ủ phân vi sinh từ phế thải nông nghiệp, phân xanh; sản xuất rau an toàn và chăn nuôi an toàn dịch bệnh; thu gom bao, bì, chai, lọ thuốc bảo vệ thực vật…
Thời gian tới, các cấp Hội cần tiếp tục vận động hội viên, nông dân tham gia đầu tư xây dựng, quản lý, bảo vệ và sử dụng có hiệu quả các công trình nước sạch, nhà tiêu, chuồng trại chăn nuôi hợp vệ sinh, duy trì việc tổ chức dọn dẹp vệ sinh các điểm cộng cộng, đường làng ngõ xóm, khơi thông cống rãnh, thu gom, xử lý rác thải khu dân cư, trồng và chăm sóc cây xanh, sử dụng phân bón, hóa chất trong sản xuất nông nghiệp theo đúng quy định để tuyên truyền nhân rộng.