Biến phế phụ nông nghiệp thành “tiền”
09:29 - 25/10/2017
(MTNT)- Các phế phẩm, phụ phẩm của quy trình sản xuất nông nghiệp như rơm, cám, vỏ trấu, bã mía, cùi ngô, vỏ hạt điều, xơ dừa, vỏ tôm... hàng năm thải ra rất lớn. Tuy nhiên, hiện chỉ một phần rất nhỏ trong số phụ phẩm, phế phẩm đó được tái chế hoặc sử dụng hiệu quả. 
Hiện chỉ một phần rất nhỏ phụ phẩm, phế phẩm được tái chế hoặc sử dụng hiệu quả


Một khảo sát của ngành nông nghiệp cho thấy, tại Cần Thơ, 86% lượng rơm rạ bị bỏ phí; chỉ 12% được vùi xuống đất làm phân; còn ở Thái Bình, 36% lượng rơm rạ bị đốt bỏ, không hộ nào dùng nó để đun nấu. Ở Đồng bằng sông Hồng và sông Cửu Long, vỏ trấu thường bị đem đốt hoặc đổ bỏ. Và thay vì đem lại lợi ích kinh tế, chúng trở thành nguồn gây ô nhiễm.
 
 
Vỏ hạt điều trước đây chỉ được coi là rác để làm chất đốt sau khi các doanh nghiệp tách lấy nhân xuất khẩu. Thế nhưng trong những năm gần đây các doanh nghiệp ngành điều đã chiết xuất từ vỏ hạt điều ra loại dầu có giá trị, mỗi năm mang về 200 triệu USD.
 
 
Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam Nguyễn Đức Thanh thông tin hiện có khoảng 10 công ty đầu tư công nghệ chưng cất dầu cardanol từ dầu vỏ hạt điều. Đây là nguồn nguyên liệu rất cần cho các ngành công nghiệp quan trọng, đơn cử như sản xuất lớp phủ chống ăn mòn trong ngành cơ khí, chế tạo hay sản xuất sơn cao cấp chống gỉ sét trong ngành công nghiệp tàu biển. Giá xuất khẩu mỗi tấn dầu từ vỏ hạt điều từ 350 - 600 USD tùy loại.
 
 
Ông Nguyễn Văn Đạo, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Gò Đàng, cho hay phụ phẩm như mỡ bụng cá, đầu, xương cá… chiếm tới 60%-70% trọng lượng con cá tra. Để tận dụng các phụ phẩm này, công ty đã đầu tư công nghệ chế biến phụ phẩm thành các sản phẩm có giá trị cao như dầu cá, bột cá xuất khẩu sang các thị trường Trung Quốc, Đài Loan, Indonesia…
 
 
HTX Duyên Thái, huyện Phú Xuyên (Hà Nội) tận dụng các phế phẩm nông nghiệp như rơm, rạ, mùn cưa, trấu, bã thải từ trồng nấm, bã thải biogas…để ủ phân hữu cơ sinh học. Theo ông Tạ Đình Căn - Giám đốc HTX, các hộ gia đình muốn ủ phân hữu cơ chỉ cần chuẩn bị các nguyên liệu là phế phụ phẩm nông nghiệp và các chế phẩm vi sinh EM, kích cỡ phế phụ phẩm càng nhỏ càng hiệu quả.
 
 
Hiện, mỗi năm HTX xuất bán ra thị trường hơn 300 tấn phân hữu cơ sinh học, với giá 3.000 đồng/kg, doanh thu đạt 900 triệu đồng/năm. Đã có 10 xã viên trong HTX tham gia mô hình chế biến phân hữu cơ sinh học, thu nhập bình quân đạt 4 triệu đồng/người/tháng. Phân hữu cơ của HTX phần lớn được người dân địa phương sử dụng cho việc trồng rau sạch, trồng cây ăn quả, trồng cỏ nuôi bò sữa...
 
 
Tác giả Nguyễn Thị Minh, Học viện nông nghiệp Việt Nam cũng ứng dụng công nghệ vi sinh để xử lý phế phụ phẩm trồng nấm sau thu hoạch tạo thành giá thể hữu cơ trồng rau an toàn.
 
 
Theo đó, các loại bã thải sau thu hoạch được sử dụng để xử lý làm giá thể hữu cơ gồm bã thải trồng nấm rơm, nấm sò, nấm linh chi (xưởng trồng nấm của Khoa Công nghệ Sinh học, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, cơ sở trồng nấm trên địa bàn Hà Nội). Kết quả nghiên cứu đã tuyển chọn được tổ hợp 5 chủng giống vi sinh vật để xử lý phế phụ phẩm trồng nấm sau thu hoạch làm giá thể hữu cơ gồm: Azotobacter, Bacillus subtilis, Saccharomyces, Streptomyces và Trichoderma. Giá thể hữu cơ sau xử lý từ bã nấm có hàm lượng các chất dinh dưỡng và vi sinh vật hữu ích khá cao, đặc biệt là lượng dinh dưỡng dễ tiêu (lân dễ tiêu đạt 14,7 mg/100 g, kali dễ tiêu đạt 12,48 mg/100 g), đảm bảo cho sự sinh trưởng phát triển của cây rau.
 
 
Hàng năm, sản lượng lõi ngô ở Việt Nam thải ra môi trường khoảng 8-10 triệu tấn. Để xử lý phế phẩm này, Viện nghiên cứu thiết kế chế tạo máy nông nghiệp (Bộ Công Thương) đã nghiên cứu ứng dụng phương pháp khí hóa lõi ngô theo nguyên lý liên tục ở quy mô công nghiệp. Theo đó, nhóm nghiên cứu đã chế tạo ra một hệ thống lò khí hóa lõi ngô liên tục ở quy mô công nghiệp để chuyển hóa nhiên liệu ở dạng rắn (lõi ngô) sang dạng khí tổng hợp (syngas), có nhiệt trị cao, dễ sử dụng.
 
 
Kết quả sau khi khảo nghiệm trong thực tiễn sản xuất cho thấy, hệ thống đáp ứng hoàn toàn các yêu cầu chỉ tiêu kinh tế và kỹ thuật. Chi phí cho nhiên liệu đốt chỉ bằng khoảng 1/3 so với lò đốt trực tiếp sử dụng than đá. Hơn nữa, giá thành thiết bị chỉ bằng khoảng 40-45% so với nhập từ Ấn Độ, Thái Lan, Philippines, Trung Quốc…
 
 
Mỗi năm, ngành tôm thải ra hơn 60.000 tấn phế liệu. Công ty Cổ phần Việt Nam Food (VNF) và Quỹ VIG đã đầu tư nghiên cứu thành công dòng sản phẩm dịch tôm thủy phân, tạo ra giá trị gia tăng hoàn toàn mới trong nguyên liệu nhằm giúp ngành thức ăn chăn nuôi giảm phụ thuộc vào việc nhập khẩu 2 tỷ USD/năm bột cá từ Peru. Chỉ trong vòng 12 tháng, doanh thu đầu tiên của VNF đến từ nguyên liệu đầu vào thức ăn chăn nuôi (dịch tôm thủy phân), thực phẩm (dịch tôm tươi, bột tôm, gạch tôm sa tế), dược phẩm sinh học, đã tăng trưởng 15 lần.
 
 
Trong một thực nghiệm độc lập được nhóm các trường đại học trong ngành thủy sản và nông nghiệp nghiên cứu, kết quả sau 270 ngày nuôi cá tra và 80 ngày nuôi heo bằng nguồn thức ăn chăn nuôi sử dụng chất dẫn dịch tôm thủy phân, chi phí thức ăn lần lượt giảm 2% và 11%, tương ứng với mức tăng lợi nhuận ròng 42% và 25%.
 
 
Ông Phạm Minh Thiện, Giám đốc Công ty TNHH Cỏ May ở Đồng Tháp nhận định tiềm năng của các sản phẩm tinh chế từ nông sản sau thu hoạch rất phong phú. “Thị trường này được ví như mỏ dầu thô vậy. Chẳng hạn hiện nay các doanh nghiệp thức ăn chăn nuôi phải bỏ ngoại tệ ra nhập bột huyết rất nhiều trong khi máu cá trong quá trình chế biến xuất khẩu rất lớn, do vậy chúng ta có thể biến máu cá thành sản phẩm cho thức ăn chăn nuôi.
 
 
Hiện nay nhiều sản phẩm như sơn chống cháy, chống đạn... được làm từ trấu. Hoạt chất kháng oxy hóa chiết xuất từ cám gạo được dùng trong dược, mỹ phẩm… Hay như một kg đầu tôm bán thô cho ngành sản xuất thức ăn gia súc chỉ thu được vài ngàn đồng, chưa kể giá lên xuống bấp bênh thì khi sử dụng nguyên liệu này để chiết xuất ra chất dẫn dụ phục vụ cho ngành thực phẩm, công nghiệp, thức ăn gia súc..., giá bán ra hơn 20.000 đồng, giá trị tăng gấp 5 lần. Nếu dùng trong ngành thực phẩm để sản xuất bột tôm, muối tôm, giá bán tăng lên 100.000 đồng/kg. Đặc biệt, khi nghiên cứu ra chất chitosan dùng làm màng bọc thực phẩm, nhựa nhân tạo và nhiều lĩnh vực khác thì giá bán đến 400 - 500 USD/kg, nếu sử dụng trong ngành y tế như băng y tế, tái tạo da nhân tạo... thì giá lên tới 1.000 USD/kg.
 
 
Theo Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050, Nhà nước sẽ có chính sách ưu đãi cho hoạt động tái chế và các dự án đầu tư xây dựng cơ sở xử lý chất thải rắn, nhằm đạt mục tiêu 90% chất thải rắn sinh hoạt đô thị được tái chế, tái sử dụng, thu hồi năng lượng hoặc sản xuất phân hữu cơ vào năm 2025.

Nam Hưng
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn