Hiệu quả từ mô hình sinh học xử lý chất thải trong chăn nuôi
09:39 - 02/07/2019
(MTNT) - Hiện nay, các mô hình chăn nuôi phát triển khá mạnh cả về số lượng và quy mô giúp nâng cao thu nhập, tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động nông thôn. Tuy nhiên, cùng với hiệu quả của các mô hình thì tình trạng ô nhiễm môi trường cũng thường xuyên diễn ra. 

Các tỉnh thành tích cực giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường do chăn nuôi



Chính vì vậy, những năm gần đây, các tỉnh, thành đặc biệt chú trọng công tác bảo vệ môi trường, xử lý chất thải chăn nuôi nhằm đảm bảo phát triển đàn gia súc, gia cầm và tạo môi trường sống trong lành. Một trong những giải pháp hữu hiệu được thực hiện là xây hầm biogas quy mô hộ gia đình. 

 
Để giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường do chăn nuôi, những năm qua, tỉnh Điện Biên tổ chức nhiều lớp tập huấn nâng cao kiến thức bảo vệ môi trường nông thôn và hướng dẫn sử dụng khí sinh học biogas cho người dân.
 

Nhiều hộ dân trên địa bàn các huyện: Tuần Giáo, Mường Ảng, Điện Biên và phường Noong Bua, Thanh Trường (TP. Điện Biên Phủ) đã xây dựng mô hình biogas.


Từ khi có hầm biogas, ngoài việc đảm bảo vệ sinh, sức khỏe, bà con còn tiết kiệm được chi phí hàng triệu đồng mua chất đốt mỗi năm. Qua đó, hạn chế được tình trạng người dân lên rừng lấy củi làm chất đốt, góp phần bảo vệ rừng.

 
Gia đình chị Nguyễn Kim Thắng ở đội 11, xã Thanh Hưng, huyện Điện Biên xây dựng mô hình trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm. Để tận dụng nguồn chất thải chăn nuôi, gia đình chị xây 3 bể biogas xử lý chất thải với dung tích 16m3/bể.



Bình quân mỗi năm, chị xuất ra thị trường khoảng 40 tấn lợn thịt, 12 tấn vịt thịt. Đến nay, mô hình kinh tế của chị không chỉ đảm bảo vấn đề vệ sinh môi trường mà còn đem lại thu nhập trên 500 triệu đồng/năm.
 

 Còn với dự án xây dựng bếp biogas khí sinh học trên địa bàn xã Thanh Chăn (huyện Điện Biên). Sau khi thí điểm và đưa vào sử dụng, dự án này đã mang lại nhiều lợi ích kinh tế cho hàng trăm hộ dân trên địa bàn xã. Đến nay, phong trào xây hầm biogas ở Thanh Chăn đã lên tới trên 600 hộ.


Sau hơn 2 năm sử dụng khí sinh học biogas, anh Nguyễn Quốc Hùng ở bản Việt Thanh 4, đã tiết kiệm gần 300 nghìn đồng/tháng. Nhận thấy tính tiện ích, lợi nhuận từ mô hình này, gia đình anh đã phát triển đàn gia súc lên gần 10 con mỗi lứa để tận dụng chất thải chăn nuôi đảm bảo việc vận hành bếp gas sinh học.
 

Hiện nay, ngành chăn nuôi của tỉnh Bắc Ninh đang ngày càng phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là chăn nuôi gia súc gia cầm.


Toàn tỉnh có tổng số 384,9 nghìn con lợn, chủ yếu là nuôi theo hướng nạc, trong đó có nhiều khu chăn nuôi tập trung cỡ lớn, nhiều khu trang trại chăn nuôi hàng trăm đến hàng ngàn con lợn.


Những trang trại này không những tiêu thụ nhiều điện năng mà hằng ngày còn thải ra môi trường một lượng chất thải vô cùng lớn gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống bà con nơi đây.
 

Nằm ngoài cánh đồng thôn Cẩm Giang, phường Đồng Nguyên (thị xã Từ Sơn), Xí nghiệp chăn nuôi Bắc Đẩu từ lâu đã được biết đến là trang trại chăn nuôi lợn lớn nhất trên địa bàn tỉnh. Trang trại có khoảng 3.000 con lợn thịt và từ 300 – 400 con lợn giống, cung cấp một lượng thịt lớn cho người dân địa phương và các vùng lân cận.
 

Trước đây, để đủ điện chiếu sáng và làm mát cho lợn, mỗi tháng, trang trại đầu tư chi phí khoảng 20 triệu đồng cho hệ thống quạt điện và đèn chiếu sáng lắp cho hai chuồng nuôi. Bên cạnh mức chi phí khá cao đó, lượng chất thải từ hai chuồng nuôi thải ra mỗi ngày còn khiến môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng.


Để giải quyết lượng chất thải này, trang trại phải đào một ao nước lớn để chứa chất thải, tuy nhiên, ao nước này cũng không thể giải quyết được mùi chất thải, đặc biệt trong những ngày oi nóng hoặc mưa to.


Nhằm tìm ra một giải pháp giải quyết lượng chất thải, đồng thời tạo ra một nguồn điện sạch, tiết kiệm chi phí cho trang trại, Trung tâm Tiết kiệm Năng lượng và Sản xuất sạch hơn tỉnh đã phối hợp với Xí nghiệp chăn nuôi Bắc Đẩu xây dựng hệ thống biogas phủ bạt với thể tích 7.000 m3 cho khu vực nuôi lợn thịt.


Hệ thống hoạt động theo nguyên tắc toàn bộ chất thải động vật được dẫn xuống bể biogas. Khí biogas sinh ra từ bể sau đó được dẫn qua hệ thống lọc để lọc hết tạp chất và mùi rồi đưa vào máy phát điện.


Với khoảng 260 m3 khí biogas được sinh ra mỗi ngày, lượng điện từ hầm biogas này có khả năng cung cấp khoảng 70% nhu cầu điện cho trang trại.

 
Từ khi hầm biogas được đưa vào hoạt động, trang trại thu tiết kiệm tiền điện được hơn 10 triệu đồng/tháng. Lượng điện sinh ra rất đều và ổn định. Bên cạnh đó, tình trạng mùi chất thải đã hoàn toàn không còn, môi trường chung quanh khu chăn nuôi sạch sẽ.


Đặc biệt, khu vực ao trước đây được đào để giải quyết lượng chất thải của trang trại đã được nạo vét và thả cá, mang lại nguồn lợi kinh tế lớn cho trang trại.


Vì vậy, trang trại đang lên kế hoạch xây dựng thêm một hầm biogas với thể tích khoảng 200m3 cho khu vực chuồng nuôi lợn giống. Dự kiến, khi xây dựng xong hầm này, lượng điện sinh ra sẽ đủ phát cho toàn trang trại.
 

Với khoản đầu tư khoảng 1,4 tỷ đồng (trong đó trang trại đầu tư một tỷ đồng cho hầm biogas, Trung tâm Tiết kiệm năng lượng và Sản xuất sạch hơn Bắc Ninh đầu tư 400 triệu đồng cho máy phát điện), dự kiến, với lượng điện tiết kiệm được hằng tháng, trang trại mất khoảng sáu năm để thu hồi lại lượng vốn ban đầu.


Bên cạnh đó, bã thải cuối cùng từ hầm biogas có thể được tận dụng để bón cây, nuôi cá, vừa ít bị dịch bệnh, vừa tăng hàm lượng ôxy hòa tan trong nước giúp bà con nông dân thâm canh.Với những hiệu quả lớn cả về kinh tế và môi trường đã được chứng minh, thời gian tới, Bắc Ninh sẽ nhân rộng mô hình này trên địa bàn toàn tỉnh.
 

Bến Tre là một trong những tỉnh có tổng đàn vật nuôi và số hộ chăn nuôi heo với quy mô nông hộ cao thuộc khu vực ĐBSCL. Bến Tre có địa bàn chăn nuôi phân bổ đều khắp các địa phương như: Chăn nuôi bò tập trung ở Ba Tri; chăn nuôi gia cầm tập trung ở các huyện Mỏ Cày Bắc, Giồng Trôm, Châu Thành; chăn nuôi heo tập trung ở các huyện Mỏ Cày Nam, Mỏ Cày Bắc, Giồng Trôm, Châu Thành...


Về quy mô chăn nuôi heo trên địa bàn tỉnh ở mức vừa và nhỏ chiếm tỷ lệ khá cao, từ 70 - 80% tổng số cơ sở chăn nuôi, đông nhất là tại xã Cẩm Sơn, huyện Mỏ Cày Nam.

 
Do đó, tình hình ô nhiễm môi trường ở nông thôn ngày càng tăng do chất thải phát sinh từ hoạt động chăn nuôi, chủ yếu là heo, bò và vịt.


Trước tình hình ô nhiễm môi trường do thực trạng chăn nuôi diễn biến theo chiều hướng ngày càng phức tạp, tỉnh đã phê duyệt Kế hoạch nhân rộng các mô hình chăn nuôi kiểm soát ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh.


Theo đó, từ năm 2018 - 2019, triển khai hỗ trợ mô hình xử lý chất thải ứng với từng quy mô nuôi, đánh giá hiệu quả các mô hình và đề xuất giải pháp nhân rộng.


Đến năm 2020, tỉnh sẽ tổ chức tuyên truyền, hội thảo, hội nghị, ứng dụng nhân rộng mô hình trên địa bàn tỉnh.


Thời gian này, phấn đấu 80% các hộ chăn nuôi có diện tích chuồng trên 50m2 thực hiện đúng, đầy đủ các thủ tục về bảo vệ môi trường và có hệ thống xử lý chất thải đảm bảo đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường hiện hành, các hộ chăn nuôi còn lại phải có giải pháp xử lý chất thải.


Qua đó, hình thành các vùng chăn nuôi trọng điểm gắn với bảo vệ môi trường và an toàn sinh học.


Để kiểm soát ô nhiễm môi trường, Bến Tre đã  xây dựng một số mô hình sinh học xử lý chất thải chăn nuôi quy mô nông hộ trên địa bàn tỉnh bước đầu đạt kết quả khả quan.


Cụ thể, huyện Mỏ Cày Nam và huyện Mỏ Cày Bắc chọn 3 xã/huyện có mật độ chăn nuôi nhiều nhất, ở mỗi xã tập trung vào 3 quy mô chăn nuôi heo với quy mô nhỏ, số lượng đầu heo dưới 20 con; quy mô trung bình nuôi từ 20 - 30 con heo và quy mô lớn nuôi từ 30 - 50 con heo.


Kết quả triển khai 3 mô hình túi biogas-chế phẩm sinh học và 6 mô hình biogas-cá cho thấy, tất cả các mô hình phát huy hiệu quả đối với hộ chăn nuôi có ít đất hoặc không có mương vườn đã góp phần thúc đẩy phát triển đa dạng các mô hình cải thiện sinh kế hộ bởi không tốn tiền mua chất đốt, giảm ô nhiễm môi trường, thu được lợi nhuận từ nuôi cá và sử dụng nước từ các hố tưới cho vườn cây.

 
Thực tế cho thấy, việc đưa hầm biogas vào sử dụng là cần thiết vì việc chăn nuôi kết hợp sử dụng hầm khí biogas, không chỉ tạo ra chất đốt phục vụ sinh hoạt hàng ngày cho ngươì dân, mà còn giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường, góp phần thực hiện tiêu chí vệ sinh môi trường trong quá trình xây dựng nông thôn mới.
 

Kim Xuyên

 

Nguồn:
http://baodienbienphu.info.vn/ban-in/kinh-te/156361/hieu-qua-mo-hinh-biogas https://www.nhandan.com.vn/kinhte/item/21601002-tiet-kiem-70-dien-nang-nho-biogas.
html https://baotainguyenmoitruong.vn/moi-truong/ben-tre-hieu-qua-tu-mo-hinh-sinh-hoc-xu-ly-chat-thai-trong-chan-nuoi-1269007.html

 

Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn