(MTNT)- Với gần 300.000 ha cây trồng, ước tính mỗi năm nông dân Đồng Nai dùng đến trên 150.000 tấn phân hóa học và thuốc trừ sâu. Những thửa ruộng, mảnh vườn thuộc loại ít phun thì tần suất phun thuốc bảo vệ thực vật khoảng 4-6 lần/năm, vườn nhiều trên 20 lần/năm. Qua nhiều năm, thuốc và phân hóa học ngấm sâu vào đất khiến môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng.
|
Việc xả bao gói thuốc bảo vệ trực tiếp ra môi trường trong tỉnh đã giảm thiểu. |
Đơn cử như cây quýt, cam vào thời điểm cây ra hoa kết trái, bà con phun thuốc trừ sâu 2-3 lần/tuần, khoảng hơn 20 lần/năm. Tương tự cây bưởi, thanh long, xoài, tiêu cũng phải phun thuốc trên dưới 10 lần/năm.
Theo các nhà vườn, phun thuốc trừ sâu xong, nếu gặp mưa lớn thì thuốc có thể trôi hết, sau đó phải xịt lại khiến mùi ra môi trường không khí phát tán đồng thời bị rửa trôi ngấm vào đất hoặc tràn ra sông, suối.
Tại các vùng trồng cam, quýt, bưởi thuộc các xã: Mã Đà, Hiếu Liêm, Phú Lý (huyện Vĩnh Cửu) lượng phân hóa học các nhà vườn sử dụng lên đến 3-4 tấn/ha/năm. Những hộ thuê đất trồng thường tăng lượng phân hóa học lên để thúc cây nhanh cho trái và năng suất cao, nhưng cây cũng chóng tàn, đất đai nhanh bị bạc màu.
Theo các nhà nông, tùy từng loại cây trồng mà lượng phân bón khác nhau như ure, lân, kali, DAP, ít khoảng 0,3-0,4 tấn/ha/năm, nhiều 3-4 tấn/ha/năm.
Theo Tổ chức Lương thực - nông nghiệp Liên hợp quốc, hiệu quả sử dụng phân bón hóa học của Việt Nam đạt khoảng 50%. Tại Đồng Nai, nhiều hộ vẫn lạm dụng phân hóa học quá nhiều. Lượng phân bón chưa hấp thụ hết thoát ra môi trường lên đến hàng chục ngàn tấn/năm. Phân ure, kali có giá từ 6,5-7,5 ngàn đồng/kg, DAP 10,5-11 ngàn đồng/kg và việc lạm dụng phân hóa học mỗi năm nông dân mất hàng trăm tỷ đồng. Bên cạnh đó, còn gây các hệ lụy: Giá thành sản phẩm cao, môi trường đất, nước bị ô nhiễm.
Ngoài lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, nông thôn Đồng Nai còn bị ô nhiễm bởi chất thải từ chăn nuôi, sinh hoạt. Tại nhiều con suối, kênh, rạch ở vùng nông thôn trong tỉnh đều bị nước thải chăn nuôi, rác thải trong sinh hoạt và sản xuất gây ô nhiễm nặng nên không thể tưới cho cây trồng. Nhiều người dân sống gần suối ngao ngán gọi là “suối chết” vì nước lúc nào cũng đen đặc với mùi hôi.
Tình trạng ô nhiễm vì chất thải chăn nuôi đã diễn ra từ nhiều năm qua ở nhiều địa phương như: Huyện Xuân Lộc, Cẩm Mỹ, Vĩnh Cửu, Trảng Bom, Thống Nhất… Theo Sở Tài nguyên - Môi trường, tỉnh có 166 cơ sở chăn nuôi lớn thuộc quy mô đánh giá tác động môi trường và 46.000 cơ sở nhỏ lẻ với tổng đàn heo lớn nhất cả nước với 2,24 triệu con nên lượng chất thải phát sinh ảnh hưởng lớn đến môi trường. Nhất là với các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, việc xả thải gây ô nhiễm rất khó kiểm soát.
Việc quy hoạch những vùng chăn nuôi tập trung được triển khai khoảng 10 năm, nhưng chỉ 655/3.350 trang trại chăn nuôi đã di dời vào khu chăn nuôi tập trung. Do vậy, việc quản lý xả thải còn những bất cập, khiến ô nhiễm môi trường không khí, nước sông, suối tại những vùng chăn nuôi heo phát triển vẫn khó kiểm soát.
Hiện tình trạng xả rác bừa bãi ở vùng nông thôn vẫn còn khá nhiều, gây mất mỹ quan và ô nhiễm. Vẫn có tình trạng người dân mang rác ra vứt ở ven các đường lớn, bãi đất trống hoặc sông, suối. Vào mùa mưa, rác sinh hoạt, rác thải trong sản xuất nông nghiệp đổ xuống sông, suối làm ách tắc dòng chảy gây ngập lụt cục bộ.
Để giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường, ngành nông nghiệp đã tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức để người dân đồng tình áp dụng các biện pháp sản xuất an toàn góp phần nâng cao chất lượng nông sản, thực phẩm và bảo vệ môi trường vùng nông thôn. Hiện ngành nông nghiệp có đầy đủ các quy trình sản xuất an toàn cho các loại cây trồng có diện tích lớn trên địa bàn tỉnh. Nhiều mô hình chăn nuôi, trồng trọt sạch, thân thiện với môi trường được hướng dẫn để nông dân học tập, nhân rộng.
UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương triển khai thu gom, vận chuyển và xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng. Đồng thời, tuyên truyền, hướng dẫn các hộ dân thu gom bao gói thuốc bảo vệ thực vật ký hợp đồng với đơn vị vận chuyển và xử lý. Nhờ đó, việc xả bao gói thuốc bảo vệ trực tiếp ra môi trường đã giảm thiểu.
Những cơ sở chăn nuôi vi phạm bị xử phạt hành chính từ 300-400 triệu đồng/lần và nếu không khắc phục sẽ bị đình chỉ hoạt động. Đồng thời tỉnh yêu cầu các địa phương rà soát 2.500 trang trại chăn nuôi heo nhằm đánh giá tác động môi trường để có biện pháp quản lý chặt chẽ không cho xả thải gây ô nhiễm.
Hội ND các cấp cũng thường xuyên lồng ghép chương trình bảo vệ môi trường nông thôn vào các cuộc họp, tập huấn để nâng cao ý thức cho các hội viên; phối hợp với những Công ty sản xuất - kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật đặt những thùng thu gom định kỳ để tiêu hủy; vận động nông dân ứng dụng các mô hình sản xuất an toàn, thu gom rác tại nơi công cộng.
Nguồn:
http://baodongnai.com.vn/kinhte/201807/khi-o-nhiem-bua-vay-nong-thon-2903656/
http://baodongnai.com.vn/kinhte/201807/khi-o-nhiem-bua-vay-nong-thon-bai-2-kho-vi-rac-va-nuoc-thai-chan-nuoi-2903976/
http://baodongnai.com.vn/kinhte/201807/khi-o-nhiem-bua-vay-nong-thon-bai-cuoi-bao-ve-moi-truong-vung-nong-thon-2904273/
http://www.baodongnai.com.vn/bandoc/201902/nguy-co-o-nhiem-moi-truong-trong-khu-dan-cu-2933928/
https://www.dongnai.gov.vn/Pages/newsdetail.aspx?NewsId=163300&CatId=112
https://moitruong.net.vn/dong-nai-khai-thac-tai-nguyen-gan-voi-bao-ve-moi-truong/
http://baodantoc.com.vn/ban-doc/dong-nai-nhieu-song-suoi-bi-o-nhiem.html