|
Tình trạng ô nhiễm môi trường chăn nuôi tại các vùng nông thôn ngày càng trở nên nghiêm trọng |
Cả nước hiện có trên 8,5 triệu hộ chăn nuôi quy mô gia đình, 18.000 trang trại chăn nuôi tập trung quy mô lớn. Ngoài những sản phẩm mang lại giá trị kinh tế, hoạt động chăn nuôi còn gây ra lượng chất thải lớn.
Theo Viện Môi trường Nông nghiệp, hoạt động chăn nuôi mỗi năm phát sinh trên 85 triệu tấn chất thải rắn và hàng trăm triệu tấn nước thải. Mặc dù có lượng phát sinh chất thải lớn nhưng chỉ 8,7% hộ chăn nuôi có sử dụng hầm khí sinh học, tổng lượng chất thải rắn chăn nuôi được xử lý chiếm 10%.
10% chuồng trại chăn nuôi của bà con đạt yêu cầu về vệ sinh, 0,6% số hộ chăn nuôi có cam kết bảo vệ môi trường, trên 40% số hộ không áp dụng bất kỳ hình thức hoặc phương pháp xử lý chất thải trong chăn nuôi.
Việc chăn nuôi quy mô nhỏ, không tận dụng và xử lý chất thải gây hậu quả xấu về môi trường và ảnh hưởng đến sức khỏe của người.
Chất thải chăn nuôi thải ra các ao hồ, kênh mương hoặc đường thoát nước sẽ gây tắc nghẽn dòng chảy, bốc mùi và gây ô nhiễm nước mặt, nước ngầm, không khí, đất và các sản phẩm nông nghiệp khác.
Khi mức độ ô nhiễm cao sẽ gây ra nhiều bệnh về hô hấp, tiêu hóa, ngoài da và ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất, sinh hoạt.
Chất thải chăn nuôi, nhất là ở các vùng có dịch bệnh, các khu giết mổ tập trung còn chứa nhiều loại vi sinh vật gây bệnh.
Do đó, nếu không có biện pháp thu gom và xử lý chất thải chăn nuôi hợp lý và thỏa đáng sẽ ảnh hưởng lớn đến sức khỏe cộng đồng, bùng phát dịch bệnh trên vật nuôi, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Đặc biệt các virus biến thể nguy hiểm như: H5N1, lở mồm long móng, bệnh tai xanh tồn tại trong chất thải và môi trường có thể lây lan nhanh chóng gây bùng phát dịch bệnh.
Tại Việt Nam, theo kết quả nghiên cứu của Viện Chăn nuôi Quốc gia nồng độ khí H2S và NH3 trong chất thải chăn nuôi cao hơn mức cho phép khoảng 30-40 lần.
Hiện trạng môi trường xung quanh các khu vực chăn nuôi bị ô nhiễm nghiêm trọng, gây nhiều khó khăn cho hoạt động sản xuất, sinh hoạt và tác động tiêu cực đến sức khỏe cộng đồng không chỉ ở khu vực chăn nuôi mà còn lan rộng ra cả các khu vực phụ cận.
Để hoạt động chăn nuôi đạt hiệu quả kinh tế cao và đảm bảo vệ sinh môi trường, bà con nên lựa chọn vị trí xây dựng chuồng trại hợp lý, hài hòa với các công trình khác, cách xa khu sinh hoạt với gia đình, thuận lợi cho việc thu gom xử lý chất thải.
Đối với chăn nuôi quy mô lớn và theo phương thức công nghiệp, các hộ cần xây hầm khí sinh học để tận dụng chất thải chăn nuôi sản xuất khí gas để đun nấu và không gây ô nhiễm môi trường, tuyệt đối không xả chất thải chưa xử lý ra môi trường.
Đối với chăn nuôi quy mô nông hộ nhỏ lẻ, chuồng nuôi phải xây dựng bể chứa chất thải lỏng và ủ phân có nắp đậy.
Hàng ngày tiến hành thu gom phân, rác trước khi xịt nước rửa chuồng để đưa vào hố ủ hoai mục làm phân bón.
Bởi phân ủ hoai mục rất tốt vừa không có mùi, hàm lượng hữu cơ và đạm cao lại vừa không tồn tại mầm bệnh.
Bên cạnh đó, bà con cần tổng vệ sinh chuồng trại và khu vực chăn nuôi định kỳ, thu gom rác về nơi quy định để đốt và phun khử trùng khu vực chăn nuôi bằng thuốc sát trùng để tiêu diệt mầm bệnh tiềm ẩn trong môi trường. Xung quanh khu vực chăn nuôi tiến hành trồng cây xanh để quang hợp hút khí CO2 và thải khí O2.
Công tác xử lý môi trường chăn nuôi là một trong những yếu tố quyết định năng suất, chất lượng sản phẩm vật nuôi, giữ gìn môi trường sinh thái. Việc xử lý chất thải chăn nuôi vừa tạo ra các loại phân bón hữu cơ có giá trị, hạn chế ô nhiễm môi trường, dịch bệnh, đồng thời thể hiện được vai trò, trách nhiệm của người chăn nuôi đối với công tác bảo vệ môi trường.
Kim Ngân
Nguồn:
https://baovemoitruong.org.vn/giai-phap-quan-ly-va-khac-phuc-moi-truong-trong-chan-nuoi/
http://hoichannuoi.vn/bao-ve-moi-truong-trong-chan-nuoi-quy-mo-nong-ho.html