|
Chất thải từ chăn nuôi và các làng nghề gây ô nhiễm nghiêm trọng nguồn nước |
Tình trạng ô nhiễm môi trường diễn ra phổ biến trong hoạt động sản xuất nông nghiệp. Việc sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật, chất kích thích sinh trường, phân bón tràn lan trong nông nghiệp, phế phụ phẩm nông nghiệp không được xử lý triệt để đã đẫn đến tình trạng ô nhiễm thực phẩm, môi trường đất, nước, không khí.
Theo chia sẻ của các chuyên gia môi trường, sự phát triển và công nghiệp hóa tại nông thôn khiến môi trường nông thôn đang đứng trước nguy cơ ô nhiễm. Đó là rác thải từ hoạt động sinh hoạt, sản xuất, tại những khu công nghiệp và khu đô thị. Những chất thải này làm cho môi trường không khí, nước, đất bị ô nhiễm và có xu hướng gia tăng, đặc biệt là chất thải rắn nông thôn.
Một số kết quả khảo sát cho thấy, môi trường nước mặt tại hầu hết các vùng còn tương đối tốt. Tuy nhiên, nước mặt có dấu hiệu suy giảm về chất lượng và ô nhiễm cục bộ chất rắn, chất hữu cơ, kim loại nặng và ô nhiễm vi sinh. Những khu vực có chất lượng mặt nước suy giảm tập trung chủ yếu ở hạ lưu các con sống, nới tiếp nhận nước thải tổng hợp, khu vực ven đô và làng nghề…
Tại một số khu vực, môi trường nước đã có hiện tượng ô nhiễm chất hữu cơ và vi sinh, tập trung ở vùng đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Đặc biệt, môi trường nước dưới đất tại nhiều làng nghề cũng đã bị ô nhiễm kim loại nặng và có xu hướng gia tăng. Cụ thể, tại làng nghề Phong Khê, Bắc Ninh hàm lượng mangan trong nước dưới đất cao hơn QCVN 5,9 lần, NH4+ cao hơn QCVN 6,1 lần; tại làng nghề Đồng Kỵ, Bắc Ninh hàm lượng sắt cao hơn QCVN 3,5 lần, NH4+ cao hơn QCVN 7,6 lần.
Hiện tượng ô nhiễm không khí cục bộ mới chỉ xuất hiện tại một số khu vực làng nghề. Chất thải rắn không còn là vấn đề của riêng các đô thị và thành phố lớn mà còn của các vùng nông thôn. Đi liền với sự phát triển ngành nghề ở nông thôn, chất thải rắn gia tăng về thành phần và tính chất độc hại.
Ô nhiễm môi trường nông thôn cũng ảnh hưởng đến môi trường đất. Nhìn chung, chất lượng môi trường đất tại những vùng nông thôn hiện vẫn đáp ứng cho nhu cầu sử dụng, đặc biệt là hoạt động canh tác nông nghiệp. Thế nhưng, những năm gần đây, hàm lượng kim loại nặng và dư lượng chất bảo vệ thực vật ở khu vực nông thôn đã có sự gia tăng nhẹ. Trong hoạt động trồng trọt, việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và phân bón hóa học đang ảnh hưởng và tác động tới môi trường đất mặt.
Chính vì vậy, để tăng cường bảo vệ môi trường nông thôn hướng đến mục tiêu phát triển bền vững cần tăng cường, tổ chức tốt công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, vận động quần chúng nhân dân, cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ tại địa bàn nông thôn nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường, ý thức thực hiện, chấp hành nghiêm quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi, sản xuất, kinh doanh tại các làng nghề; phát động các phong trào bảo vệ môi trường, đấu tranh với những vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường trên địa bàn nông thôn.
Các cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành, các đơn vị chức năng làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp tăng cường công tác quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường; rà soát các quy định hiện hành để bổ sung, sửa đổi, khắc phục các tồn tại, bất cập trong bảo vệ môi trường; cần tập trung đối với nhóm các quy định về bảo vệ môi trường làng nghề, quản lý hóa chất bảo vệ thực vật, phân bón, chất kích thích sinh trưởng, sử dụng hóa chất trong chăn nuôi.
Đổi mới công nghệ sản xuất, đấu tư hệ thống thu gom, xử lý chất thải rắn, chất thải sinh hoạt nông thôn. Giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường do hóa chất bảo vệ thực vật tại các điểm tồn lưu ô nhiễm.
Xử lý triệt để chất thải rắn, nước thải chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản từ các hộ chăn nuôi cá thể, các trang trại chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản tại khu vực nông thôn bằng mô hình xử lý sinh học kết hợp sử dụng khí sinh học trong sinh hoạt tại các hộ gia đình, trang trại chăn nuôi. Bên cạnh đó cần quản lý chặt chẽ hoạt động sử dụng hóa chất, chất cấm, chất kích tích sinh trưởng, kháng sinh trong chăn nuôi thông qua kiểm soát, đánh giá chất lượng sản phẩm.
Lực lượng Cảnh sát môi trường cần tập trung làm tốt các mặt công tác trong phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường, tài nguyên tại địa bàn khu vực nông thôn, đặc biệt là các hành vi vi phạm phổ biến về quản lý chất thải, xả thải gây ô nhiễm môi trường, vi phạm các quy định về sử dụng hóa chất, chất cấm, kháng sinh trong sản xuất nông nghiệp nói chung.