(MTNT)- Thời gian qua, rác thải và chất thải sinh hoạt, chất thải chăn nuôi phát sinh và tồn dư trong sản xuất nông nghiệp và khai thác khoáng sản dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng.
|
Ô nhiễm rác thải, chất thải đối với môi trường nông thôn có nguyên nhân từ việc thiếu nơi thu gom, xử lý |
Hiện tượng xả rác, chất thải ra môi trường đang diễn ra phổ biến trong cộng đồng dân cư nông thôn.
Trên đoạn suối chảy qua địa phận thôn Khuổi Niếng, xã Đông Thành, huyện Bắc Quang, tình trạng rác thải tập kết, vứt bỏ bừa bãi xuống lòng suối, nhất là ở dưới chân cầu, tiềm ẩn những nguy cơ gây dịch bệnh đối với những hộ dân vùng hạ lưu khi sử dụng nước suối cho sinh hoạt.
Bãi rác thuộc ranh giới giữa hai thôn Lũng Loét, xã Ngọc Linh và thôn Làng Trần, xã Đạo Đức tồn tại khoảng 8 năm nay. Hàng ngày, bãi rác thải tiếp nhận khoảng 15 tấn rác từ thị trấn Vị Xuyên, thị trấn Việt Lâm và xã Đạo Đức tập kết về bốc mùi hôi thối khiến cuộc sống của hơn 70 hộ dân ở hai thôn trên bị ảnh hưởng. Một số thửa ruộng đang được người dân canh tác cũng bị ảnh hưởng bởi nước thải đen có mùi hôi thối ngấm vào ruộng lúa khiến các ruộng lúa bị úa vàng, cây lúa sinh trưởng kém.
Tình trạng khai thác khoáng sản cũng gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Nhiều năm nay, mỏ khai thác đá làm vật liệu xây dựng thông thường của Công ty TNHH Hải Phú và trạm trộn bê-tông tươi của Công ty TNHH Hưng Phụng (tổ 5, phường Ngọc Hà, thành phố Hà Giang) đã gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến đời sống của hàng trăm hộ dân.
Hoạt động nổ mìn phá đá của Công ty TNHH Hải Phú đã khiến nhà dân quanh khu vực bị rạn nứt. Ngoài ra, ô nhiễm tiếng ồn, ô nhiễm môi trường cũng hết sức nghiêm trọng do trên tuyến đường La Văn Cầu dẫn vào mỏ đá mỗi ngày có hàng trăm lượt xe tải chở đá chạy rầm rập gây bụi mù mịt. Công ty cũng mua xe tưới nước nhưng không rửa đường thường xuyên. Mỗi khi mưa lớn khiến đất đá thải rửa trôi, vùi lấp, tắc các cống rãnh thoát nước nên hiện khi mưa to con đường trở thành dòng suối.
Hoạt động trạm trộn bê-tông của Công ty TNHH Hưng Phụng còn tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm nguồn nước do quá trình rửa cối trộn bê-tông xả nước thải ra con suối cạn trong khu vực. Hầu hết các hộ dân trên tuyến đường La Văn Cầu và trong tổ vẫn sử dụng nước giếng. Do đó, việc xả nước thải trực tiếp ra môi trường mà không qua xử lý có thể sẽ làm ô nhiễm nguồn nước ngầm ở khu vực.
Mỏ đá Khuôn Then nằm tại thôn Tân Bình, xã Ngọc Minh do Công ty Tây Giang khai thác. Vị trí các mỏ quặng đang khai thác cách đường lớn khoảng 5km tại đầu nguồn con suối Cảo. Để thuận tiện cho việc sản xuất, Công ty chặn dòng suối làm bể lắng khiến một đoạn suối dài gần 2km chỉ toàn bùn đất. “Bể lắng” này được đắp tạm bằng đất, không có tường bao che chắn. Mỗi khi mưa lũ, bùn đất do khai thác, tuyển quặng xả ra sẽ tràn vào đồng ruộng, làm thiệt hại hoa màu, ô nhiễm đất đai, môi trường.
Tình trạng chất thải trong quá trình chăn nuôi được xả trực tiếp ra môi trường thông qua hệ thống kênh, mương, rãnh thoát nước khiến ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng. Từ nhiều tháng nay, nước thải với mùi hôi thối chảy qua cánh cổng của cơ sở chăn nuôi Gia Huy- thôn Chang, xã Việt Lâm, huyện Vị Xuyên tràn ra đường gây gập úng. Ngày nắng thì hôi thối, bốc mùi khiến đường vào trung tâm thôn bị cô lập.
Ô nhiễm rác thải, chất thải đối với môi trường nông thôn có nguyên nhân từ việc thiếu nơi thu gom, xử lý. Nhiều địa phương không có bãi chứa rác, không có khu tập kết, xử lý rác và không có người đứng ra thu gom. Thêm vào đó, nhiều hộ đầu tư mở rộng chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung nhưng không xây dựng bể chứa, hầm ủ chất thải, nước thải khiến môi trường nông thôn bị ô nhiễm nghiêm trọng.
Để xử lý tình trạng ô nhiễm hiện nay, cần tăng cường đẩy mạnh tuyên truyền làm thay đổi nhận thức của người dân về rác thải, chất thải; đồng thời, địa phương cần quy hoạch, cấp phép vị trí khai thác khoáng sản hợp lý, bố trí người thu gom, xử lý rác thải nông thôn; chính quyền cơ sở phải có chế tài xử phạt nghiêm những vi phạm về môi trường.