(MTNT) - Ngành Chăn nuôi, đặc biệt là nuôi lợn tại Việt Nam hiện nay có xu hướng chuyển dịch từ quy mô nông hộ sang chăn nuôi tập trung và thâm canh với quy mô lớn. Cùng với xu hướng đó, ô nhiễm môi trường (ÔNMT) chăn nuôi tại các vùng nông thôn ngày càng trở nên nghiêm trọng.
|
Nước thải chăn nuôi tại các địa phương gây ô nhiễm môi trường trầm trọng |
Ngành chăn nuôi lợn ở nước ta đứng thứ 6 trên thế giới về sản lượng lợn và là ngành đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc dân (đóng góp 26,3% trong giá trị nông nghiệp, chiếm 4,8% GDP, dự kiến đạt 42% năm 2020).
Tại nhiều địa phương như Nghệ An, Hà Tĩnh…, UBND các tỉnh đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi tài chính để phát triển mạnh mẽ mô hình chăn nuôi trang trại, nhằm hạn chế chăn nuôi nông hộ nhỏ lẻ. Tuy nhiên, sự bùng nổ về số lượng trang trại chăn nuôi với quy mô đàn lớn, trong khi công tác kiểm soát ÔNMT còn chưa đồng bộ đã dẫn đến tình trạng ÔNMT gia tăng.
Thực tế cho thấy, mặc dù chúng ta đã ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý môi trường chăn nuôi tương đối đầy đủ. Các cơ quan quản lý nhà nước đã được quy định chức năng, nhiệm vụ ở từng cấp về quản lý môi trường chăn nuôi nói chung. Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm, thực tiễn triển khai đã và đang bộc lộ những tồn tại nhất định.
Hiện nay, Bộ TN&MT và Bộ NN&PTNT đang có sự chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ trong quản lý chất thải chăn nuôi. Việc xây dựng quy chuẩn, tiêu chuẩn xả thải cho ngành chăn nuôi được thực hiện bởi cả hai Bộ. Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia TCN-678:2006 về nước thải sau xử lí khí sinh học của Bộ NN&PTNT không còn hiệu lực khi Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn ra đời. Bộ TN&MT ban hành QCVN 62-MT:2016/BTNMT về nước thải chăn nuôi với các chỉ tiêu quá cao so với khả năng thực tế ứng dụng công nghệ xử lý môi trường hiện tại, dẫn đến hầu hết các trang trại đều không thể đáp ứng yêu cầu đặt ra do chưa có công nghệ xử lý môi trường chăn nuôi.
Hai bộ có sự chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ và bỏ sót nhiều khoảng trống trong quản lý môi trường chăn nuôi. Thực tế triển khai cho thấy, do hạn chế về nhân lực của các Sở TN&MT, số lượng và tần suất thanh tra, kiểm tra tại các địa phương rất hạn chế. Tại Hòa Bình, Sở TN&MT chỉ mới thanh tra, kiểm tra thường xuyên tại 20 trang trại trên tổng số 78 cơ sở chăn nuôi.
Tại Hà Nam, đã có 7 cơ sở chăn nuôi trên tổng số 20 trang trại bị phạt trên 90 triệu đồng do không thực hiện đúng cam kết trong Báo cáo. Tại Hà Tĩnh, do số lượng trang trại tăng đột biến, trong khi số lượng cán bộ là 6 người có chức năng thanh tra, kiểm tra môi trường của Chi cục BVMT, vì vậy, hằng năm chỉ có 2 đợt thanh tra định kỳ và tiến hành thanh tra đột xuất khi có đơn thư, khiếu nại trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đó, các quy định pháp luật liên quan đến quản lý chất thải và nước thải chăn nuôi lợn còn nhiều bất cập, thiếu tính khả thi. Các tiêu chuẩn kỹ thuật mới chỉ được ban hành cho các công trình khí sinh học quy mô nhỏ. Chưa có tiêu chuẩn đối với quy mô công trình khí sinh học trang trại ( từ 50m3 đến 1000m3, tương ứng với qui mô từ 200 đến 4000 con lợn). Nhiều công trình khí sinh học không hoạt động hiệu quả.
Chưa có văn bản nào quy định về việc thu hồi sử dụng khí sinh học. Nhằm đẩymạnh sự phát triển của ngành chăn nuôi theo hướng tập trung hiện đại, bảo đảm, thân thiện với môi trường, các Bộ, ngành liên quan, các địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao kiến thức cho người chăn nuôi các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Đồng thời, khuyến khích đầu tư xây dựng các khu chăn nuôi tập trung, chủ động trong công tác phòng, chống dịch bệnh, phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học; không cấp phép, xử lý nghiêm đối với các doanh nghiệp, trang trại không bảo đảm các biện pháp bảo vệ môi trường.
Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần phối hợp chặt chẽ trong việc rà soát, sửa đổi, bổ sung, thay thế các văn bản pháp luật quy định về quản lý môi trường trong hoạt động chăn nuôi đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Đồng thời, xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp và kịp thời nhằm tăng cường sử dụng nguồn khí sinh học từ các công trình khí sinh học phục vụ cho phát điện, chạy động cơ góp phần tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên và giảm phát thải khí nhà kính.
Mặt khác triển khai các nghiên cứu về công nghệ xử lý chất thải chăn nuôi hiệu quả xử lý cao và chi phí đầu tư phù hợp, kỹ thuật tách phân rắn để ủ compost và các công trình xử lý sau biogas trước khi xả thải vào môi trường. Từng bước hoàn thiện cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ tài chính theo hướng dễ tiếp cận đối với các doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực chăn nuôi có xây dựng công xây công trình khí sinh học; trợ giá tiêu thụ sản phẩm phân compost từ chất thải, trợ giá tiêu thụ điện với các trang trại có sử dụng hệ thống phát điện từ khí biogas, phát triển sạch (CDM).
Có thể nói, tầm quan trọng của việc phát triển chăn nuôi gắn với bảo vệ môi trường rất lớn, không chỉ đem lại lợi ích cho doanh nghiệp và người dân mà còn góp phần thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển bền vững.