(MTNT)- Những năm qua, UBND tỉnh luôn tăng cường chỉ đạo triển khai nhiều biện pháp đồng bộ để bảo vệ môi trường nhưng công tác xử lý rác thải ở nhiều khu vực nông thôn vẫn gặp không ít khó khăn nên ảnh hưởng đến môi trường và đời sống, sinh hoạt của nhân dân.
|
Lượng chất thải rắn sinh hoạt toàn tỉnh khoảng 687 tấn/ngày |
Điển hình như: Bãi rác lộ thiên tại xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Pah đã quá tải nhưng hàng ngày vẫn tiếp nhận một lượng rác thải lớn của huyện đổ về, gây ô nhiễm nghiêm trọng. Khu vực bãi rác này trước đây được giao cho xã quy hoạch sử dụng trong điều kiện tạm bợ, thiếu mặt bằng, tự đào hố đổ rác trên diện tích rất hẹp, xe rác không thể vào bãi đổ do mưa kéo dài. Đến nay, lượng rác đổ về quá lớn khiến hàng chục tấn rác tràn ngập cả ra đoạn đường cấp phối dài gần 100 m nơi người dân làng Nhiên đi qua hàng ngày, không khí lúc nào cũng ô nhiễm.
Hiện trên địa bàn huyện Chư Pah có 2 bãi rác lớn tập trung tại các xã: Hòa Phú và Nghĩa Hưng. Do không có kinh phí đầu tư nâng cấp, quy hoạch và xử lý đúng quy trình nên 2 bãi rác đã quá tải, gây ô nhiễm. Việc xử lý bằng phương pháp thủ công (đốt và chôn lấp) không thể thực hiện. Trạm Cấp thoát nước và Dịch vụ đô thị huyện chỉ có thể xử lý bằng phương pháp phun hóa chất khử mùi định kỳ, nhưng đây cũng chỉ là giải pháp tình thế.
Hay bãi chôn lấp rác thải sinh hoạt tập trung tại xã Gào (thành phố Pleiku) được xây dựng trên diện tích khoảng 10ha với quy mô khép kín. Hiện có khoảng 30 xe rác với gần 150 tấn/ngày được tập kết chôn lấp tại nơi này gây ô nhiễm nghiêm trọng.
Hơn 10 năm sử dụng, đến nay bãi rác xã la Yok (huyện la Grai)- nơi chưa rác thải sinh hoạt của người dân hai xã la Yok và la Sao đã chứa 70% diện tích, bắt đầu phát sinh hiện tượng ô nhiễm môi trường gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân.
Để ngăn chặn tình trạng xả rác bừa bãi, chính quyền các thôn, xóm thường cắm biển “cấm đổ rác”, hoặc đặt các thùng rác, nhưng rác vẫn bị vứt ra bên ngoài, ngay cạnh thùng rác, ngay bên dưới biến cấm. Điều này cho thấy ý thức của một bộ phận người dân trong việc bảo vệ môi trường là chưa cao.
Theo thống kê, lượng chất thải rắn sinh hoạt toàn tỉnh khoảng 687 tấn/ngày, gần 250.000 tấn/năm. Công tác thu gom, xử lý chất thải rắn còn nhiều bất cập. Nhiều người dân chưa tích cực tham gia bảo vệ môi trường, vứt xả rác bừa bãi ra đồng ruộng và các khu dân cư, nhất là đối với các loại rác thải nhựa và túi nilon càng gây nguy hại đến môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe con người.
Hiện có 57/184 xã trên địa bàn thành lập các tổ, đội, hợp tác xã thu gom rác thải, điểm tập kết rác thường bố trí ở đầu thôn và trên trục đường giao thông chính của xã.
Để khắc phục tình trạng trên, Chi cục Bảo vệ Môi trường tỉnh đẩy mạnh công tác phối hợp tuyên truyền, kiểm tra, giám sát, quan trắc môi trường để nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường cho cộng đồng, doanh nghiệp và người dân; xây dựng và triển khai kế hoạch kiểm soát ô nhiễm đối với một số nhà máy sản xuất kinh doanh trên địa bàn; tổ chức hậu kiểm đối với các cơ sở được phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường; kiểm tra, xác nhận việc thực hiện công trình bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành của dự án; kiểm tra, xử lý triệt để các cơ sở ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và tăng cường kiểm tra, giám sát việc xả nước thải các cơ sở, nhà máy trên địa bàn thị xã An Khê ra sông Ba; phối hợp với các ngành chức năng đẩy mạnh phong trào “Chống rác thải nhựa” góp phần bảo vệ môi trường.