Tăng cường xử lý rác thải nông thôn
15:39 - 02/08/2019

(MTNT) –  Việt Nam hiện có trên 60 triệu dân sống ở vùng nông thôn, chiếm hơn 73% dân số trong cả nước. 

Cùng với sự gia tăng đàn và số lượng vật nuôi thì tình trạng ô nhiễm môi trường do chất thải chăn nuôi ngày càng tăng



Mỗi năm khu vực nông thôn phát sinh trên 13 triệu tấn rác thải sinh hoạt, khoảng 1.300 triệu m3 nước thải và khoảng 7.500 tấn vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật.

 

Khoảng trên 80% khối lượng rác thải, nước thải sinh hoạt và hầu hết lượng vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật chưa được thu gom để xử lý hợp vệ sinh và xả trực tiếp ra môi trường.


Các áp lực lên môi trường nông thôn do các hoạt động sản xuất và dân sinh đang ngày càng rõ nét. Đặc biệt, áp lực lên môi trường do hoạt động trồng trọt, chăn nuôi và sản xuất ngày càng gia tăng. 


 Trong trồng trọt, việc sử dụng ngày càng tăng thuốc bảo vệ thực vật và phân bón hóa học ảnh hưởng không nhỏ tới môi trường. Đối với cây lúa, hàm lượng sử dụng phân lân và kali khá cao gấp trên 6 lần so với mức khuyến cáo. Do vậy, việc không kiểm soát được các dư lượng phân bón hóa học đã gây ô nhiễm nguồn nước, làm thoái hóa môi trường đất.


Bên cạnh đó, hóa chất bảo vệ thực vật từ nhiều nguồn khác nhau như: Bao bì thuốc bảo vệ thực vật vứt bừa bãi sau khi sử dụng, rửa bình bơm và dụng cụ pha chế không đúng nơi quy định, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật còn sót lại trong các chai lọ vứt xuống ao, hồ gây ô nhiễm nguồn nước mặt, nước ngầm và môi trường đất là nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.


Theo kết quả điều tra, thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường và báo cáo của UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về các điểm tồn lưu do hóa chất bảo vệ thực vật từ thời kỳ bao cấp, chiến tranh, toàn quốc thống kê được 1.562 điểm. Trong đó có khoảng 200 điểm ô nhiễm có mức độ rủi ro cao gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.


Tại Đồng bằng sông Hồng, Đồng bằng sông Cửu Long với diện tích canh tác, ước tính chất thải nông nghiệp là rơm, rạ hàng năm lên tới 76 triệu tấn. Biện pháp xử lý đối với loại chất thải này hiện nay chủ yếu là đốt ngoài  đồng ruộng tạo nên các luồng khói chứa CO, CO2, NOx, bụi mịn, Aldehyt ảnh hưởng đến chất lượng môi trường không khí.


Cả nước có khoảng 12 triệu hộ gia đình có hoạt động chăn nuôi và 23.500 trang trại chăn nuôi tập trung chiếm khoảng 25% tổng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp. Ngành chăn nuôi phổ biến ở nước ta là chăn nuôi lợn và gia cầm.


Cùng với sự gia tăng đàn và số lượng vật nuôi thì tình trạng ô nhiễm môi trường do chất thải chăn nuôi ngày càng tăng. Với tổng đàn 314,7 triệu con gia cầm và hơn 37 triệu con gia súc, mỗi năm nguồn thải từ chăn nuôi thải ra môi trường lên tới 84,5 triệu tấn. Chất thải rắn chăn nuôi bao gồm phân, các chất độn chuồng, thức ăn thừa, xác gia súc, gia cầm.


Chất thải lỏng là nước tiểu, nước rửa chuồng, nước tắm cho gia súc. Từ đặc thù chăn nuôi, chất thải dạng khí là các hợp chất gây mùi NH3, H2S, VOC, có khoảng 40-50% lượng chất thải rắn chăn nuôi được xử lý, số còn lại thải trực tiếp ra ao, hồ, kênh, rạch.


Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cả nước có gần 5.000 nhà máy chế biến nông sản thực phẩm với quy mô công nghiệp, còn lại là các cơ sở chế biến nông sản thực phẩm do tư nhân làm chủ. Hầu hết các đơn vị chế biến đều được xây dựng gắn liền với vùng nguyên liệu tập trung tùy thuộc theo đặc trưng của từng vùng miền.


Các cơ sở này phân phối không đồng đều ở các địa phương và hình thành tự phát, phân tán với quy mô nhỏ, lẻ, công nghệ lạc hậu, ngoài ra các cơ sở này còn tiêu thụ năng lượng lớn, lượng nước sử dụng nhiều và các phụ phế phẩm của quá trình chế biến không được thu gom, thải trực tiếp vào môi trường gây ô nhiễm nghiêm trọng. 


Hàng năm, các nhà máy chế biến nông sản thực phẩm thải vào môi trường với khối lượng chất thải lớn ở dạng rắn, lỏng và khí.


Đặc trưng chất thải rắn của các cơ sở này là chất hữu cơ phân hủy và bốc mùi hôi thối ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường sinh thái, hoạt động sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của người dân khu vực nông thôn. Tính riêng trong sản xuất đường, mỗi năm dư thừa khoảng 1 triệu tấn bã mía và 600.000 tấn rỉ mật.


Bên cạnh đó, hoạt động sản xuất tại các làng nghề phát triển mạnh nhưng cơ bản vẫn mang tính tự phát, nhỏ lẻ, công nghệ và thiết bị thủ công đơn giản, lạc hậu, mặt bằng sản xuất chật hẹp, tận dụng lao động đơn giản và trình độ nhận thức của người dân tại làng nghề còn hạn chế là những yếu tố tạo nên áp lực lớn đến chất lượng môi trường khu vực nông thôn có làng nghề và sức khỏe cộng đồng dân cư.


Ngoài ra, kết cấu hạ tầng nông thôn như đường xá, cống rãnh thoát nước không đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất, không có đủ diện tích dành cho các công trình xử lý ô nhiễm, cảnh quan thiên nhiên bị phá vỡ để làm mặt bằng sản xuất và các khu tập kết chất thải. 


Theo Tổng cục Môi trường, chỉ có 4,1% làng nghề xử lý nước thải, chất thải độc hại cho thấy rõ nguy cơ gây ô nhiễm môi trường từ các làng nghề nông thôn.


Chất thải phát sinh từ hoạt động sản xuất tại các làng nghề dưới dạng nước thải, khí thải, chất thải rắn phụ thuộc vào từng loại hình sản xuất, nguyên liệu và sản phẩm nghề của từng làng và tác động xấu đến chất lượng môi trường không khí, môi trường nước và đất theo các mức độ khác nhau.


Từ các làng nghề, trung bình hàng ngày có tới 15.000m3 nước thải phát sinh, phần lớn là chưa được xử lý và xả thải trực tiếp ra các kênh mương, ao hồ khu vực làng nghề và vùng lân cận. Chất thải rắn sản xuất ở hầu hết các làng nghề được thu gom chung với chất thải rắn sinh hoạt và chưa được xử lý triệt để.


Cùng với sự gia tăng về số lượng và loại hình sản xuất tại làng nghề, chất thải rắn ngày càng tăng và phức tạp về thành phần gây tác động xấu tới môi trường đất, nước mặt và nước ngầm.


Đặc biệt, việc thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt ở khu vực nông thôn tại nước ta còn gặp nhiều khó khăn như: Chưa có chính sách hỗ trợ các hoạt động quản lý chất thải; tổ chức dịch vụ môi trường nông thôn chưa đủ năng lực để giải quyết một cách hiệu quả các vấn đề quản lý chất thải.


Để quản lý rác thải ở khu vực nông thôn đạt hiệu quả, cần sự tham gia tích cực của các cấp chính quyền địa phương, cơ quan chức năng và người dân. Ở khu vực đô thị, các công ty dịch vụ môi trường là các doanh nghiệp công ích, 80% kinh phí hoạt động từ ngân sách Nhà nước, 20% do người dân đóng góp.


Trong khi đó, ở nông thôn, kinh phí hoạt động của các tổ chức dịch vụ môi trường chủ yếu từ nguồn thu phí dịch vụ môi trường do người dân đóng góp, chỉ đủ để trả thù lao cho người thu gom rác với mức thu nhập chỉ bằng 30-40% so với thu nhập của người thu gom rác ở đô thị. Bên cạnh đó, các tổ chức dịch vụ môi trường nông thôn chưa đủ năng lực để giải quyết hiệu quả các vấn đề quản lý chất thải.


Hầu hết các tổ chức xã hội ở nông thôn mới thực hiện được các nội dung về tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng, tổ chức thu gom chất thải, chưa có các biện pháp xử lý, dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường do chất thải ngày càng gia tăng.


Việc thu gom, xử lý chất thải sinh hoạt tại khu vực nông thôn cũng chưa nhận được sự quan tâm đúng mức của các cấp chính quyền địa phương.


Công tác quy hoạch, lựa chọn điểm chôn lấp rác chưa hợp lý, gây tốn kém quỹ đất; công nghệ lò đốt chưa phù hợp; kinh phí hoạt động cho công tác bảo vệ môi trường còn thiếu so với nhu cầu thực tế.


Nhận thức của người dân tại các khu vực nông thôn về vấn đề môi trường chưa cao, nhất là việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất, xả rác thải không đúng nơi quy định và chưa tích cực tham gia công tác vệ sinh môi trường tại khu vực mình sinh sống.


Để thực hiện việc thu gom xử lý rác thải nông thôn cần phải có sự phối hợp thống nhất giữa chính quyền địa phương và nhà máy xử lý rác. Về phía nhà máy thì hiện nay đảm bảo đủ công suất và phương tiện để xử lý hết nhu cầu rác thải.


Cùng với sự nỗ lực của các cơ quan liên quan và địa phương thì bản thân mỗi chúng ta cần nâng cao ý thức chấp hành việc phân loại, đổ rác đúng nơi quy định; các cấp thẩm quyền cần có hình thức xử lý nghiêm đối với những cá nhân, tổ chức có hành vi xả rác bừa bãi, thiếu ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường tại khu dân cư và nơi công cộng. Có như vậy thì vấn đề rác thải vệ sinh nông thôn mới được giải quyết triệt nhằm đảm bảo đời sống của người dân cũng như mỹ quan chung tại vùng nông thôn.
 

Bùi Nhuần
 

Nguồn:
https://nhandan.com.vn/xahoi/item/37630802-day-manh-xu-ly-rac-thai-nong-thon.html http://moitruong24h.vn/o-nhiem-do-rac-thai-o-khu-vuc-nong-thon-nhung-ap-luc-tu-hoat-dong-kinh-te-xa-hoi.html

Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn