Nỗ lực thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới
|
Thực hiện tốt tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới góp phần thay đổi diện mạo nông thôn |
Đến hết tháng 2/2019, cả nước có 4.144 xã đạt chuẩn nông thôn mới, tăng 306 xã so với cuối năm 2018. Đáng chú ý, 3 địa phương có 100% số xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới là Đồng Nai (133/133 xã); Nam Định (193/193 xã) và Đà Nẵng (11/11 xã); bình quân cả nước đạt 14,61 tiêu chí/xã, tăng 0,04 tiêu chí so với cuối năm 2018.
Theo báo cáo của các địa phương, có 2.579 thôn, bản ấp trên cả nước được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; trong đó, có 709 thôn, bản nông thôn mới thuộc các xã đặc biệt khó khăn khu vực biên giới, vùng núi, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo...
Nhiều địa phương đã ưu tiên nguồn lực để xử lý môi trường và cải tạo cảnh quan nông thôn. Trong đó có 42 tỉnh, thành có kế hoạch xử lý rác thải tập trung; trong đó có một số địa phương triển khai trên phạm vi toàn tỉnh (Nam Định, Đồng Nai, Hà Tĩnh...); có 16 địa phương phê duyệt chủ trương đầu tư các nhà máy xử lý chất thải rắn nông thôn quy mô liên huyện và cấp tỉnh. Tỷ lệ xã có thu gom rác thải sinh hoạt tăng từ 44,1% năm 2011 lên 63,5% năm 2018; tỷ lệ thôn có thu gom rác thải sinh hoạt tăng từ 25,8% lên 47,3%.
Sau nhiều năm triển khai thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới tại nhiều địa phương, công tác bảo vệ môi trường (BVMT) đã có những chuyển biến tích cực: Hệ thống cấp nước sạch được đầu tư và vận hành; cảnh quan khu vực nông thôn được cải tạo, nâng cấp; có nhiều mô hình tốt trong xây dựng môi trường nông thôn… Bên cạnh đó, công tác BVMT của các cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ, cơ sở chăn nuôi, khu cụm công nghiệp và làng nghề được tăng cường kiểm tra, quản lý.
Tuy nhiên, qua quá trình khảo sát tại một số xã điển hình đạt chuẩn nông thôn mới, thực tế cho thấy, tỷ lệ các xã đạt đủ và đúng 5 chỉ tiêu của tiêu chí môi trường còn thấp hơn so với số liệu báo cáo.
Về chỉ tiêu tỷ lệ hộ được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh theo quy định đạt mức quy định của vùng, về cơ bản tại các xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, con số này đạt yêu cầu của tiêu chí, tuy nhiên chất lượng nước sạch cần có kết quả kiểm chứng của Bộ Y tế và Bộ NN&PTNT.
Đối với chỉ tiêu 90% cơ sở sản xuất - kinh doanh trên địa bàn đạt chuẩn về môi trường (10% còn lại tuy có vi phạm nhưng đang khắc phục), kết quả thẩm tra tại các địa phương chỉ mới đề cập đến số lượng cơ sở sản xuất, kinh doanh có hồ sơ thủ tục về môi trường (cam kết BVMT, đánh giá tác động môi trường, đề án BVMT…). Bên cạnh đó, hầu hết các địa phương đều không có thông tin về tình hình xử lý chất thải tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn. Ngoài ra, hầu hết các cơ sở sản xuất đều chưa thực hiện nghiêm túc các quy định về BVMT, đặc biệt là các cơ sở nhỏ, lẻ, quy mô hộ gia đình.
Về chỉ tiêu đường làng, ngõ xóm, cảnh quan xanh - sạch - đẹp, không có hoạt động làm suy giảm môi trường, nhiều địa phương thường xuyên tổ chức ngày Chủ nhật xanh, trồng cây, vệ sinh, gắn kết cộng đồng… Tuy nhiên, do đây là chỉ tiêu không được định tính, chủ yếu về cảm quan nên thực tế triển khai và công tác đánh giá tại các địa phương không đồng đều.
Riêng về chỉ tiêu chất thải, nước thải được thu gom và xử lý theo quy định, kết quả triển khai trên thực tế còn hạn chế. Đa số các địa phương ở chưa quan tâm đầu tư biện pháp, công trình về xử lý nước thải; chất thải cơ sở chăn nuôi chưa xử lý đạt Quy chuẩn theo quy định; tỷ lệ thu gom chất thải rắn tập trung tại nhiều địa phương còn thấp (dưới 50%). Một số địa phương áp dụng các biện pháp xử lý chưa hợp vệ sinh như chôn lấp không an toàn, đốt quy mô nhỏ, đốt lộ thiên (nhiều địa phương tại đồng bằng sông Cửu Long). Trong đó, theo quy định tại QCVN 61-MT:2016/BTNMT về lò đốt chất thải rắn sinh hoạt đã quy định công suất lò đốt chất thải rắn sinh hoạt không nhỏ hơn 300 kg/h.
Những nguyên nhân chính dẫn đến tồn tại trên là do nguồn lực hạn chế, chưa ưu tiên thực hiện tiêu chí môi trường.
Bên cạnh đó, một số chỉ tiêu của tiêu chí môi trường đối với cấp xã không định lượng được; tiêu chí công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới chưa được đánh giá đầy đủ chỉ áp dụng theo phương pháp cộng dồn xã đạt chuẩn. Đa số người dân nông thôn chỉ tập trung phát triển kinh tế, mở rộng sản xuất theo nhu cầu của thị trường và coi việc thu gom, xử lý chất thải là trách nhiệm của nhà nước; chính quyền địa phương chưa thực sự chú trọng, ưu tiên cho công tác BVMT nông thôn…
Để nâng cao chất lượng thực hiện tiêu chí môi trường đối với các xã, huyện đã công nhận đạt chuẩn NTM, các địa phương rà soát lại tổng thể việc thực hiện tiêu chí môi trường đối với các xã, huyện đã được công nhận đạt chuẩn trước ngày 01/12/2016 (là thời điểm Quyết định số 1980/QĐ-TTg có hiệu lực thi hành). Đối với một số chỉ tiêu chưa đạt được hoặc chưa được đánh giá trong giai đoạn trước, các địa phương cần có lộ trình thực hiện và đánh giá lại nhằm đáp ứng yêu cầu của giai đoạn mới.
Bộ Tài nguyên và Môi trường cần phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm ban hành hướng dẫn việc thực hiện và công nhận đạt chuẩn tiêu chí môi trường theo Quyết định 1980/QĐ-TTg.
Các tỉnh, thành trong cả nước cần chủ động nghiên cứu, đề xuất bộ các tiêu chí có thể áp dụng cho địa phương theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, giải quyết được những vấn đề có tính bức xúc như: Chất thải rắn sinh hoạt, nước thải sinh hoạt, ô nhiễm làng nghề...
Đối với các địa phương đã ban hành bộ tiêu chí kiểu mẫu, đặc biệt là những địa phương ban hành trước khi Quyết định 1980/QĐ-TTg có hiệu lực như Hà Tĩnh, Quảng Ninh, cần rà soát lại để đảm bảo các tiêu chí kiểu mẫu không thấp hơn so với yêu cầu của Quyết định.
Tập trung nghiên cứu, tổ chức mô hình thí điểm về xã, huyện NTM kiểu mẫu, trong đó việc thực hiện tiêu chí môi trường đối với các xã, huyện NTM kiểu mẫu cần chú trọng vào các vấn đề sau: Nâng cao nhận thức của cộng đồng về BVMT, biến các quy định bắt buộc về BVMT thành đạo đức, lối sống của nhân dân.
Phát triển kinh tế nông thôn gắn với BVMT với các ngành nghề thân thiện với môi trường như du lịch sinh thái, du lịch làng nghề, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, phát triển dịch vụ môi trường.
Đẩy mạnh xã hội hóa công tác BVMT nhằm đa dạng hóa nguồn lực cho BVMT thông qua việc thu hút đầu tư ngoài ngân sách nhà nước cho BVMT, tăng cường sự tham gia của các tổ chức đoàn thể, hợp tác xã, doanh nghiệp trong quá trình thực hiện, giám sát công tác BVMT tại địa phương. Nâng cao tỉ lệ hộ gia đình được sử dụng nước hợp vệ sinh và nước sạch theo quy định ở mức tối đa.
Đối với việc thu gom và xử lý chất thải rắn, bên cạnh việc xử lý hiệu quả, đạt quy chuẩn các hệ thống xử lý chất thải rắn của địa phương, cần nâng cao chất lượng thực hiện.
Xử lý triệt để ô nhiễm môi trường đối với các làng nghề bị ô nhiễm nghiêm trọng, chỉ khuyến khích và hỗ trợ đối với các làng nghề truyền thống thuộc ngành nghề được khuyến khích phát triển, kiên quyết di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm vào khu công nghiệp, cụm công nghiệp sản xuất tập trung để có phương án xử lý ô nhiễm triệt để.
Tiếp tục phát triển NTM bền vững, nâng cao chất lượng thực hiện đối với các xã, huyện đã được công nhận đạt chuẩn NTM, cần thiết phải nghiên cứu, xây dựng các mô hình thí điểm với các xã, huyện NTM kiểu mẫu, trong đó tiêu chí môi trường là một trong những điểm mấu chốt để đánh giá chất lượng thực hiện. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu đề xuất nội dung tiêu chí môi trường của xã, huyện NTM kiểu mẫu theo hướng có cả các chỉ tiêu “cứng” bắt buộc áp dụng (như về tỉ lệ chất thải được thu gom và xử lý, tỉ lệ hộ được sử dụng nước hợp vệ sinh...), và chỉ tiêu “mềm” để các địa phương linh hoạt điều chỉnh (như về tỉ lệ nguồn lực xã hội hóa cho BVMT) với mục tiêu chung là nâng cao chất lượng môi trường sống của người dân nông thôn, phát triển kinh tế - xã hội gắn với BVMT.