|
Nước có vai trò vô cùng quan trọng đối với cuộc sống con người, vì thế mỗi chúng ta hãy chung tay xây dựng và bảo vệ môi trường nước trong sạch, không bị ô nhiễm |
Lượng nước thải ngày càng nhiều nhưng các hệ thống xử lý tập trung không đủ đáp ứng, kèm theo thói quen xả thải bừa bãi khiến tình trạng ô nhiễm môi trường nước ngày càng nghiêm trọng, gây ảnh hưởng đến đời sống con người, đặc biệt là vấn đề sức khỏe.
Theo thống kê, mỗi năm nước ta có 9.000 người chết vì ô nhiễm nguồn nước và phát hiện 100.000 trường hợp ung thư mỗi năm mà nguyên nhân chính là do sử dụng nguồn nước ô nhiễm. Khảo sát tại 37 xã mang tên “làng ung thư” trên cả nước đã có 1.136 người chết vì bệnh ung thư.
Tại một số địa phương, tỷ lệ mắc các bệnh liên quan đến ô nhiễm môi trường nước như: Tiêu chảy do nước nhiễm bị khuẩn ecoli, viêm da hoặc các bệnh đau mắt ngày càng nhiều và có khả năng lây lan thành dịch bệnh.
Đặc biệt, ô nhiễm môi trường nước còn ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của mỗi quốc gia. Đối với những nguồn nước bị nhiễm chì, nếu tiếp xúc lâu dài sẽ gây nên những tác động tiêu cực đến các cơ quan nội tạng.
Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, có nhiều nguyên nhân dẫn đến ô nhiễm môi trường nước. Trong đó, sự gia tăng dân số dẫn đến lượng nước thải sinh hoạt phát sinh từ các hộ gia đình, bệnh viện, khách sạn, cơ quan trường học…ngày càng tăng cũng là một trong những nguyên nhân chính khiến môi trường nước ô nhiễm.
Bên cạnh đó, tình trạng ô nhiễm môi trường nước còn do hoạt động sản xuất nông nghiệp.
Theo các chuyên gia, có khoảng 76% người dân ở vùng nông thôn còn sử dụng các công nghệ lạc hậu, lượng nước thải của con người và gia súc không được xử lý nên thấm xuống đất hoặc rửa trôi sẽ làm cho nguồn nước ô nhiễm nghiêm trọng.
Đồng thời, việc lạm dụng các chất bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp cũng là một trong những nguyên nhân làm cho nguồn nước ở các ao hồ, sông, kênh, mương, ngày càng ô nhiễm, ảnh hưởng đến sức khoẻ con người, ảnh hưởng đến môi trường, sản xuất.
Ngoài ra, các chất thải, nước thải từ hoạt động sản xuất công nghiệp chưa được xử lý triệt để thải trực tiếp ra môi trường, ra các con sông, nguồn nước cũng gây ảnh hưởng tới chất lượng môi trường nước hiện nay.
Tình trạng mưa, tuyết tan, lũ lụt hoặc cây cối, sinh vật chết bị phân hủy thành chất hữu cơ, một phần sẽ ngấm vào lòng đất, sau đó ngấm sâu vào nguồn nước ngầm hoặc theo dòng nước ngầm hòa vào dòng lớn cũng gây ô nhiễm môi trường nước.
Để khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường nước, mỗi địa phương và các cơ quan quản lý cần có các chủ trương kế hoạch lâu dài trong việc xây dựng các điểm thu gom rác thải tập trung để chôn lấp, xử lý để tránh bị ngấm vào nước ngầm; đa dạng hoá các nguồn đầu tư trong việc triển khai các nhiệm vụ, dự án liên quan đến các lĩnh vực: Xử lý nước thải đô thị, cải tạo, phục hồi môi trường đối với những khu vực bị ô nhiễm môi trường nước nghiêm trọng; tăng cường công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về việc bảo vệ nguồn nước.
Từ đó, mỗi người dân cần có ý thức bảo vệ nguồn nước và môi trường sống, vứt rác đúng nơi quy định, hạn chế sử dụng túi ni lông, sử dụng các sản phẩm sinh học, hữu cơ để bảo vệ môi trường nước. Đây là các biện pháp có hiệu quả lâu dài, tăng tính bền vững của các giải pháp cải tạo, phục hồi môi trường.
Đối với những khu vực có nguồn nước chưa đảm bảo, chúng ta nên sử dụng máy lọc nước để loại bỏ các chất gây ô nhiễm như: Kim loại nặng, vi khuẩn, vi rút để nguồn nước sinh hoạt luôn đảm bảo, giúp phòng tránh các dịch bệnh do ô nhiễm môi trường nước gây ra.
Các đơn vị sản xuất cần xử lý rác thải, nước thải trước khi xả ra môi trường nhằm giảm thiểu nồng độ các chất gây ô nhiễm; áp dụng thực hiện nghiêm túc luật bảo vệ môi trường đối với doanh nghiệp sản xuất.
Ngoài ra, cần xây dựng một hệ thống quản lý nước thải ra môi trường trong các nhà máy, công ty, xí nghiệp.
Bên cạnh đó, Nhà nước cũng cần có những chế tài xử phạt nghiêm đối với những cá nhân, tổ chức vi phạm; tăng cường kiểm soát ô nhiễm xuyên biên giới, trong đó tập trung quan trắc đối với các dòng sông; xây dựng kế hoạch nhằm chủ động phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả môi trường do sự cố thiên tai và nhân tạo gây ra đối với môi trường nước.
Hiện Bộ TN&MT đã xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành 11 quy trình vận hành liên hồ chứa cho cả mùa lũ và mùa cạn trên 11 lưu vực sông lớn. Đồng thời xây dựng, ban hành Thông tư 64 quy định về xác định dòng chảy tối thiểu trên sông, suối và hạ lưu các hồ chứa, đập dâng. Đây là các giải pháp kỹ thuật nhằm kiểm soát chất lượng nước của các dòng sông nhằm bảo vệ môi trường nước.
Lê Kỳ
Nguồn: