(MTNT)- Vấn đề xử lý ô nhiễm môi trường nông thôn trên địa bàn tỉnh đã và đang gặp nhiều trở ngại như điều kiện phát triển kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, việc thu hút các nguồn lực đầu tư bảo vệ môi trường còn hạn chế, khối lượng phát sinh ngày càng nhiều... khiến tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng gia tăng.
|
Thời gian tới, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường |
Theo thống kê, tổng khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn tỉnh khoảng 225,8 tấn/ngày. Tỷ lệ thu gom tại khu dân cư nông thôn và làng nghề đạt 12% trên tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt nông thôn phát sinh.
Xã Mường Phăng, huyện Điện Biên có 3 cơ sở chế biến dong riềng để lấy tinh bột thuộc khu vực trung tâm của xã. Trung bình, công suất mỗi cơ sở chế biến khoảng hơn 10 tấn củ dong riềng/ngày/máy và xả thải trực tiếp cả trăm khối nước rửa củ dong riềng chưa qua xử lý ra ao lắng trước khi xả thải ra suối Nậm Phăng. Tình trạng ô nhiễm môi trường xuất phát từ hoạt động xả thải của các cơ sở chế biến gây nên mùi hôi thối và tiếng ồn gây ra những nguy hại về sức khỏe đối với người dân. Suốt chiều dài khoảng 6 km của suối Nậm Phăng đã bị ô nhiễm nghiêm trọng do hoạt động xả thải của các cơ sở chế biến. Nguồn nước mặt trên các con suối bị đen đặc, bốc mùi khó chịu, trên mặt suối nổi bọt và bã dong riềng dồn về kết tụ, nổi khắp bề mặt suối.
Cùng với đó, chất thải chăn nuôi trên địa bàn tỉnh phát thải khoảng 2.620.688 tấn/năm. Phần lớn chất thải chăn nuôi được sử dụng làm phân bón, nhưng vẫn còn các hộ chăn nuôi có quy mô lớn hàng ngày thải ra một lượng lớn chất thải không được xử lý và đổ trực tiếp vào hệ thống thoát nước kênh, mương trong vùng.
Tại nhiều vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh, hiện tượng vứt vỏ bao bì, chai lọ thuốc bảo vệ thực vật bừa bãi gây ảnh hưởng xấu đến môi trường cũng như sức khỏe cộng đồng do lượng hóa chất tồn dư trong các chai lọ và vỏ bao bì.
Ngoài ra, theo kết quả phân tích, không khí trên địa bàn trung tâm các huyện, thị, thành phố cho thấy các thông số ô nhiễm có xu hướng gia tăng về nồng độ, nguyên nhân từ hoạt động say xát, sản xuất gạch ngói và sự gia tăng phương tiện giao thông... Ngoài ra, một số chỉ tiêu COD, phân tích trong môi trường nước mặt tại một số sông, hồ trên địa bàn tỉnh cũng đang vượt quy chuẩn cho phép…
Trong khi đó, tình hình suy giảm diện tích rừng do nguyên nhân chặt phá, cháy rừng, chuyển đổi mục đích rừng, đất lâm nghiệp có chiều hướng gia tăng. Từ năm 2012 đến nay trên địa bàn tỉnh có 70 dự án thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, đất lâm nghiệp, với tổng diện tích chuyển đổi gần 800ha. Mỗi năm địa phương ghi nhận hàng chục vụ cháy rừng và hàng trăm vụ phá rừng trái phép.
Để khắc phục tình trạng trên, thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung bảo vệ môi trường tại các cơ sở sản xuất – kinh doanh, nuôi trồng thủy sản, làng nghề; thu gom xử lý chất thải rắn và nước thải khu dân cư, các hộ chăn nuôi.
Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường, rà soát các mô hình bảo vệ môi trường hiện có, nhân rộng các mô hình hiệu quả, triển khai xây dựng các mô hình mới, chú trọng lồng ghép mô hình phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường. Phát triển các dịch vụ thu gom, vận chuyển, tái chế, xử lý chất thải và các dịch vụ khác bảo vệ môi trường với sự tham gia của mọi thành phần kinh tế; phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể, các cơ quan thông tin đại chúng trong tuyên truyền về bảo vệ môi trường; tăng cường hoạt động giám sát của cộng đồng đối với hoạt động bảo vệ môi trường.
Nguồn: