|
Tình trạng rác thải từ bao bì, chai lọ thuốc bảo vệ thực vật xuất hiện ngày càng nhiều trên các cánh đồng, sông suối. |
Hiện tình trạng rác thải sinh hoạt vứt bừa bãi trên một số tuyến đường từ trung tâm huyện, xã đến các thôn, buôn, hay dọc các kênh mương, chân cầu khá phổ biến. Đặc biệt, khi dân số ngày càng tăng, lượng rác thải khó phân hủy như chai lọ, túi ni lông tích tụ ngày càng nhiều khiến các bãi rác ngày càng “phình to”. Trước thực trạng này, nhiều hộ dân đã chủ động tìm hướng khắc phục như đào hố chôn trong vườn nhà, đốt bỏ hay tìm những bãi đất trống vắng người qua lại để vứt... nhưng những cách làm này chỉ là giải pháp khắc phục tạm thời, thậm chí còn tăng thêm mức độ ô nhiễm môi trường.
Ở huyện Ea H’leo, trên tuyến đường liên xã thị trấn Ea Đrăng - Ea Khal, rác thải sinh hoạt tràn ngập hai bên đường, bốc mùi hôi thối gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Trên tuyến tỉnh lộ 15 đoạn qua xã Ea Sol (từ đầu dốc thôn 1 đến thôn 5) rác thải vứt bừa bãi gây ô nhiễm suốt đoạn đường khoảng 700m. Trước thực trạng này, người dân đã nhiều lần kiến nghị với các ngành chức năng có giải pháp xử lý nhằm hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết.
Tại huyện Ea Súp, tỷ lệ chất thải rắn được thu gom xử lý chỉ chiếm 10%; tình trạng vứt rác bừa bãi tại các tuyến đường, kênh mương, rãnh thoát nước còn phổ biến. Hầu hết, các hộ dân đều tự xử lý rác sinh hoạt của gia đình bằng cách chôn lấp hoặc đốt trong đất vườn, trên nương rẫy mà không tham gia ký hợp đồng, trả phí cho các đơn vị thu gom rác thải. UBND huyện đã hỗ trợ kinh phí (40 triệu đồng/xã) cho một số xã: Ea Bung, Ea Lê, Ea Rốk, Cư M’lan… để đào hố rác và 1 chiếc xe công nông chuyên chở rác thải nhưng vẫn hoạt động cầm chừng.
Tình trạng rác thải từ bao bì, chai lọ thuốc bảo vệ thực vật xuất hiện ngày càng nhiều trên các cánh đồng, sông suối. Hầu hết người dân sử dụng xong là tiện đâu vứt đó, kể cả trên bờ ruộng, góc vườn hoặc nguy hiểm hơn, có trường hợp còn vứt xuống ao, hồ, đầu nguồn nước sinh hoạt. Đơn cử như trên các cánh đồng lúa ở xã Quảng Tiến (huyện Cư M’gar) sau mỗi đợt hạn, các dòng suối nhỏ, kênh mương quanh cánh đồng lại ngập đầy rác thải là vỏ chai, lọ thuốc bảo vệ thực vật xen lẫn với rác thải sinh hoạt. Một số địa phương người dân còn thu gom chung rác thải từ bao bì, chai lọ thuốc bảo vệ thực vật với rác thải sinh hoạt; số còn lại thì thu gom về điểm tập trung nhưng phải chờ đủ số lượng mới tiến hành tiêu hủy.
Bên cạnh đó, tình trạng ô nhiễm môi trường từ hoạt động chăn nuôi gia súc, gia cầm cũng là vấn đề đáng lo ngại. Toàn tỉnh hiện có hơn 274.000 con trâu, bò; hơn 734.000 con lợn; gần 10,5 triệu con gia cầm… Trong đó, chăn nuôi theo quy mô nhỏ lẻ nông hộ chiếm khoảng 80%. Tình trạng chăn nuôi gia súc thả rông dưới gầm, sàn nhà hay nuôi nhốt cạnh nhà ở với chuồng trại thô sơ, không bảo đảm vệ sinh môi trường diễn ra phổ biến ở nhiều huyện như: Buôn Đôn, Lắk, Cư M’gar, Ea Súp…
Toàn tỉnh hiện có 109.839 hộ chăn nuôi, trong đó còn gần 43% số hộ chăn nuôi chưa chú trọng đến vấn đề xử lý chất thải. Hầu hết người dân không thu gom, xử lý chất thải gia súc thường xuyên; nếu có thì xây dựng hầm biogas nhưng không vận hành hiệu quả.
Với 15 bãi chôn lấp chất thải rắn trong tỉnh với tổng diện tích gần 60 ha, năng lực tiếp nhận chất thải rắn bình quân đạt khoảng 520 tấn/ngày, hầu hết các bãi chôn lấp tập trung, xử lý chất thải chưa được đầu tư xây dựng theo đúng tiêu chuẩn. Toàn bộ rác thải sau tập kết chủ yếu được chôn lấp thủ công và xử lý bằng cách phun thuốc diệt ruồi, các chất khử mùi và đốt; các ô chôn lấp sơ sài, không được lót đáy chống thấm và bố trí hệ thống thu gom, xử lý nước rỉ rác theo quy định nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường nước, không khí và đất cho các khu vực xung quanh. Bên cạnh đó, chi phí xử lý rác thải trên địa bàn các huyện (trừ huyện Cư Kuin) chỉ 40.000 đồng/tấn nên chủ yếu phục vụ cho công tác thu gom rác thải về bãi chôn lấp tập trung khiến tình trạng ô nhiễm môi trường từ các bãi rác kéo dài và trở thành vấn đề bức xúc, chưa có hướng giải quyết thỏa đáng.
Toàn tỉnh có 17 đơn vị dịch vụ công ích hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt; riêng khu vực nông thôn chỉ có 27/151 (chiếm 17,88%) xã có tổ chức dịch vụ thu gom chất thải rắn sinh hoạt đến khu vực trung tâm xã và khu dân cư tập trung.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên ngoài thói quen, tập quán chăn nuôi thả rông của đồng bào dân tộc thiểu số thì còn do đời sống của các hộ chăn nuôi còn nhiều khó khăn, không có điều kiện làm chuồng trại hợp vệ sinh, hay quy mô chăn nuôi nhỏ lẻ nên gia súc được thả rông dưới gầm sàn và xung quanh nhà khiến chất thải vương vãi, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc.
Ngoài ra, nhiều địa phương chưa coi trọng, chưa có các đơn vị chuyên trách thu gom rác thải; ở một số xã dù đã áp dụng các biện pháp thu gom rác thải sinh hoạt nhưng với quy mô nhỏ, phần lớn do các nhóm, tổ hợp tác tự tổ chức với phương tiện thu gom thô sơ, chủ yếu bằng xe cải tiến rồi chuyên chở về nơi tập trung.
Nhằm bảo vệ môi trường sống cho cư dân vùng nông thôn trên địa bàn, một số địa phương, ban, ngành trên địa bàn đã triển khai các mô hình thu gom, xử lý rác thải hiệu quả. Điển hình như việc xã hội hóa trong công tác thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt ở xã Ea Kpam (huyện Cư M’gar). Đến nay, 100% số thôn, buôn trong xã đều thành lập tổ thu gom rác. Nhờ đó, tình trạng ô nhiễm môi trường từ rác thải sinh hoạt đã được cải thiện rõ rệt, ý thức chấp hành về vệ sinh môi trường của người dân đã có chuyển biến tích cực, nhất là trong việc tập kết rác theo đúng giờ, nơi quy định.
Trong việc xử lý rác thải là chai lọ, bao bì thuốc bảo vệ thực vật, một số địa phương đã thực hiện mô hình bể thu gom chai lọ thuốc bảo vệ thực vật như xã Quảng Tiến, thị trấn Ea Pốk (huyện Cư M’gar), Hòa Đông (Krông Pắc)... đã góp phần tạo cảnh quan sạch đẹp, nâng cao nhận thức của người dân trong việc bảo vệ môi trường.
Để giải quyết các vấn đề liên quan đến môi trường chăn nuôi nhằm phát triển ngành theo hướng bền vững, người dân cần xây dựng hệ thống hầm biogas, đệm lót sinh học, thu gom phân để xử lý, sử dụng công nghệ sinh học thông qua thức ăn nhằm xử lý chất thải trong đường ruột của vật nuôi…
Nguồn: