|
Thời gian tới tỉnh sẽ tổ chức các hoạt động bảo vệ môi trường có sự tham gia của cộng đồng dân cư như khơi thông dòng chảy, nạo vét kênh mương, ao, hồ, hệ thống thoát nước |
Với diện tích gần 3ha, bãi rác Xa Thô - xã Hàm Trí, huyện Hàm Thuận Bắc thu gom khoảng 100 tấn rác/ngày. Hầu hết rác chưa được phân loại nhưng lại xử lý theo phương pháp đốt thủ công và chôn lấp. Vào những ngày nắng nóng, rác được đốt thủ công, khói thành những cột cao với mùi khét lẹt.
Nhiều năm qua, nhiều người dân xã Tân Lập, huyện Hàm Thuận Nam phải sống chung với mùi hôi thối, ô nhiễm bốc ra từ bãi rác lộ thiên rộng gần 3ha. Với tổng mức đầu tư hơn 6 tỷ đồng, bãi rác xã Tân Lập thiết kế theo phương pháp chôn lấp, xử lý nước rác, thu và xử lý gas. Song do triển khai chậm, công nghệ lạc hậu, bãi rác gây ô nhiễm môi trường cao, ảnh hưởng đến sản xuất, cuộc sống của người dân…
Tại các huyện Đức Linh, Bắc Bình và thành phố Phan Thiết, dọc nhiều tuyến đường gần các khu dân cư, xưởng chế biến thanh long, nông sản thô sơ cũng tồn tại nhiều bãi rác lộ thiên. Đặc biệt, tại các khu nuôi trồng, đánh bắt, chế biến thủy sản, khai thác mỏ ti tan, đồng muối Thông Thuận (huyện Tuy Phong), rác nhiều vô kể. Còn ở huyện đảo Phú Quý, với dân số gần 30 ngàn người và khách du lịch đến Phú Quý ngày càng nhiều, lượng rác thải sinh hoạt, rác thải hữu cơ, vô cơ… cũng gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Bên cạnh đó, lượng nước thải chăn nuôi thải trực tiếp ra môi trường bên ngoài ở thôn Đông Hòa, xã Tân Hà, huyện Hàm Tân; hệ thống xử lý nước thải nhiều trang trại chăn nuôi heo ở các huyện: Hàm Tân, Hàm Thuận Bắc chưa vận hành thường xuyên gây ảnh hưởng đến môi trường.
Ngoài ra, một số điểm du lịch dọc tuyến đường Nguyễn Đình Chiểu, phường Hàm Tiến chưa được đầu tư hệ thống thu gom và xử lý nước thải nên dân cư và các cơ sở kinh doanh du lịch đều xả thải tự nhiên; khu vực Bãi Sau-Mũi Né, thành phố Phan Thiết tình trạng các hộ kinh doanh chế biến cá cơm xả thải gây ô nhiễm môi trường.
Nguyên nhân của tình trạng trên là do ý thức bảo vệ môi trường của người dân còn hạn chế, nhất là ngư dân khi hoạt động trên biển còn tùy tiện xả rác, để rác trôi dạt vào bờ. Nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nhỏ lẻ chưa thực hiện đúng cam kết bảo vệ môi trường theo dự án đã phê duyệt. Thêm vào đó, việc quy hoạch dự án bảo vệ môi trường chưa phù hợp, công nghệ xử lý chất thải lạc hậu.
Để bảo vệ môi trường bền vững, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh đã phối hợp với các ban, ngành tham mưu cho UBND tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó chú trọng công tác quy hoạch, gắn với tăng cường kiểm tra, rà soát các điểm “nóng”, nguy cơ gây ô nhiễm nghiêm trọng và các dự án, cơ sở kinh tế gây ô nhiễm đối với những cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm cao, định kỳ 20 ngày, UBND tỉnh có công văn, biện pháp chỉ đạo kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật, nâng cao việc thẩm định về môi trường trong các dự án.
Địa phương chủ động rà soát, loại bỏ các bãi rác lộ thiên, đồng thời thực hiện đồng bộ giải pháp thu gom rác tại các khu sản xuất, doanh nghiệp, bảo đảm 100% hộ gia đình, cơ quan, đơn vị đều phân loại rác tại nguồn. Đồng thời tổ chức các hoạt động bảo vệ môi trường có sự tham gia của cộng đồng dân cư như: Ra quân vệ sinh môi trường, thu gom xử lý chất thải, rác thải, khơi thông dòng chảy, nạo vét kênh mương, ao, hồ, hệ thống thoát nước; tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát để kịp thời có những biện pháp xử lý vi phạm theo quy định pháp luật.