Bạc Liêu: Tình trạng xử lý ô nhiễm môi trường nuôi trồng thủy sản
10:50 - 26/04/2019
(MTNT)- Những năm gần đây, sự phát triển của ngành nuôi trồng, chế biến thủy sản tại địa phương đã kéo theo vấn nạn về ô nhiễm môi trường.
Toàn tỉnh hiện có hơn 130.000ha nuôi tôm, trong đó nuôi công nghiệp chiếm trên 30%. (Ảnh minh họa)


Toàn tỉnh hiện có hơn 130.000ha nuôi tôm, trong đó nuôi công nghiệp chiếm trên 30%. Theo thống kê, mô hình nuôi tôm siêu thâm canh đạt hiệu quả từ 85 - 90%, năng suất đạt từ 80 - 110 tấn/ha/năm, thậm chí từ 150 - 180 tấn/ha/năm. Tuy nhiên, tại các địa phương đa số các hộ nuôi có diện tích từ 2 - 4ha. Hầu hết các hộ đều không đầu tư ao lắng để xử lý nước, sau mỗi vụ nuôi, nước thải, bùn không đảm bảo xả trực tiếp ra kênh, sông. Ngoài ra, định kỳ sau 30 ngày nuôi, các hộ tiến hành xi-phông (hút) bùn đáy từ ao nuôi thải ra kênh mương, phần thức ăn dư thừa tích tụ dưới đáy ao, phần thức ăn dễ tan sẽ theo nước thải gây ô nhiễm môi trường.
 
 
Theo các nhà khoa học, nước thải nuôi tôm siêu thâm canh thường có hàm lượng các chất hữu cơ cao (thông qua đo chỉ số BOD5 và COD), các chất dinh dưỡng (phốt-pho, ni-tơ), chất rắn lơ lửng, amoniac, coliforms (vi khuẩn)… Riêng bùn thải trong quá trình nuôi tôm còn chứa các nguồn thức ăn dư thừa bị phân hủy, phân tôm, các hóa chất và thuốc kháng sinh, các loại khoáng chất diatomit, dolotime, lưu huỳnh lắng đọng gặp điều kiện yếm khí sẽ tạo thành các sản phẩm phân hủy độc hại như: Khí H2S, NH3, NO2, CH4…
 
 
Ngoài ra, nhiều nơi bà con còn sử dụng các loại hóa chất, kháng sinh cấm trong cải tạo, xử lý nước để nuôi thủy sản. Cụ thể, nông dân vẫn dùng các loại thuốc bảo vệ thực vật để diệt giáp xác trong các ao nuôi, sử dụng các chất kháng sinh trong xử lý bệnh cho tôm, không chỉ gây tác động xấu đến môi trường sản xuất mà còn làm ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm. Hơn nữa, vấn nạn khai thác nguồn nước ngầm quá mức ở các khu vực nuôi tôm cũng làm cạn kiệt và gây ô nhiễm nguồn tài nguyên này.
 
 
Hiện, toàn tỉnh có 28 nhà máy chế biến thủy sản với công suất trên 100 tấn sản phẩm/năm như Công ty Chế biến thủy sản đông lạnh Sang YI-VNM, Công ty Trường Phú, Xí nghiệp chế biến thủy sản Trà Kha F78 và hàng chục cơ sở thu mua, sơ chế với công suất dưới 100 tấn sản phẩm/năm. Hầu hết các nhà máy đều được xây dựng dọc theo tuyến sông, kênh lớn như: Kênh xáng Bạc Liêu - Cà Mau, sông Gành Hào… Do đó, lợi dụng việc triều cường lên xuống hàng ngày,  các nhà máy thường xuyên xả nước thải không qua xử lý ra môi trường. Trước thực tế đó, người dân đã nhiều lần phản ánh, kiến nghị với chính quyền nhưng đến nay, tình trạng xả thải, gây ô nhiễm môi trường của các nhà máy này vẫn chưa được khắc phục.
 
 
Kết quả nghiên cứu khoa học cho thấy môi trường nuôi trồng thủy sản ngày càng xuống cấp nghiêm trọng. Chỉ 17% trọng lượng khô của thức ăn cung cấp cho ao nuôi được chuyển thành sinh khối, phần còn lại được thải ra môi trường dưới dạng phân và chất hữu cơ dư thừa thối rữa vào môi trường. Nguy hại hơn việc các nhà máy chế biến thủy sản đã và đang thải vào môi trường khối lượng lớn các chất thải ở cả 3 dạng (khí, lỏng, rắn) thông qua quá trình sản xuất tiêu thụ năng lượng, tiêu thụ nước và các chất bị loại bỏ trong quá trình chế biến, đóng gói ảnh hưởng đến môi trường sinh thái và hàng ngàn hộ sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản theo mô hình quảng canh, thâm canh.
 
 
Theo Sở Tài nguyên-Môi trường, khi thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra đột xuất 150 lượt nhà máy, cơ sở chế biến, thu mua thủy hải sản trên địa bàn tỉnh đã phát hiện, xử phạt hành chính gần 50 cơ sở, nhà máy trên 7,6 tỷ đồng. Theo báo cáo của Công an tỉnh, qua kiểm tra 120 nhà máy, cơ sở thu mua thì tất cả đều vi phạm. Trong đó, 89 trường hợp làm cam kết khắc phục, phạt hành chính 31 trường hợp.
 
 
Trước thực trạng trên Uỷ ban nhân dân tỉnh đã ban hành Quyết định 14 quy định bảo vệ môi trường trong hoạt động nuôi trồng thủy sản. Theo đó, hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ hoạt động nuôi thủy sản phải được xây dựng đồng bộ, phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Hệ thống kênh, mương cấp nước và xả nước thải phải đảm bảo theo quy định của ngành Thủy sản cũng như điều kiện về đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và các quy định khác có liên quan. Tùy theo quy hoạch nuôi thủy sản, điều kiện tự nhiên của khu vực mà cơ sở nuôi chọn đối tượng và hình thức nuôi hợp lý nhưng phải đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ thuật nuôi, các quy chuẩn của ngành Thủy sản. Cụ thể là phải thực hiện đúng các quy định về phòng chống dịch bệnh cho thủy sản nuôi, quy định điều kiện cơ sở, vùng nuôi bán thâm canh, thâm canh tôm sú, tôm thẻ chân trắng đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, quy phạm thực hành nuôi thủy sản tốt Việt Nam (VietGAP) và các quy định liên quan của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
 
 
Đối với các mô hình nuôi thủy sản kết hợp (tôm - lúa, lúa - tôm, tôm - rừng) và các mô hình sản xuất, canh tác bền vững, thân thiện với môi trường, phải bố trí đúng tỷ lệ diện tích đất, mặt nước, vật nuôi và cây trồng theo quy định và hướng dẫn của ngành chức năng; hoạt động sên, vét bùn cải tạo ao nuôi phải tiến hành đúng kỹ thuật của ngành chức năng hướng dẫn, đúng lịch thời vụ, lịch điều tiết nước của tỉnh.
 
 
Đối với xử lý nước thải và chất thải rắn, tùy thuộc vào điều kiện quy mô và loại hình hoạt động mà sử dụng các biện pháp xử lý giảm thiểu ô nhiễm môi trường, vệ sinh phòng dịch theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, vệ sinh thú y. Riêng xử lý nước thải, hệ thống cấp nước, thoát nước thải phải luôn thông thoáng, cải tạo thường xuyên, đảm bảo không bị bồi lắng, tồn đọng gây tác động xấu đến môi trường và hoạt động sản xuất, canh tác của khu vực. Nước thải phải được thu gom và xử lý bằng biện pháp công nghệ hợp lý, không để rò rỉ, phát tán vi sinh vật, mầm bệnh gây ô nhiễm môi trường. Hệ thống xử lý nước thải phải được vận hành thường xuyên, nước thải sau xử lý đạt giá trị của các thông số: pH, BOD, COD, chất rắn lơ lửng, coliform theo quy định tại QCVN 40:2011/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp.
 
 
Việc xử lý chất thải rắn, chất thải phát sinh trong nuôi trồng thủy sản phải được thu gom, xử lý triệt để bằng các biện pháp thích hợp; đảm bảo không phát tán mầm bệnh, vi sinh vật ảnh hưởng đến hoạt động, sản xuất, canh tác trong khu vực.


Nguồn:
Báo cáo Hội ND tỉnh.
https://baotainguyenmoitruong.vn/moi-truong/bac-lieu-khong-de-bien-doi-khi-hau-lam-cham-buoc-phat-trien-1262634.html
http://www.baobaclieu.vn/tieu-diem/bao-ve-moi-truong-de-phat-trien-ben-vung-56090.html
http://www.baobaclieu.vn/tieu-diem/bao-ve-moi-truong-de-phat-trien-ben-vung-56114.html
http://m.vasep.com.vn/Tin-Tuc/1218_53528/Tang-cuong-quan-ly-va-bao-ve-moi-truong-trong-nuoi-trong-thuy-san.htm
https://tongcucthuysan.gov.vn/vi-vn/nu%C3%B4i-tr%E1%BB%93ng-th%E1%BB%A7y-s%E1%BA%A3n/-ph%C3%B2ng-ch%E1%BB%91ng-d%E1%BB%8Bch-b%E1%BB%87nh/doc-tin/012060/2019-01-03/bac-lieu-bao-ve-moi-truong-nuoi-trong-thuy-san

Trần Hải
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn