Chung tay bảo vệ môi trường làng nghề bền vững
10:47 - 26/04/2019
 (MTNT) - Cùng với quá trình đô thị hóa ở các vùng nông thôn, các làng nghề đã có sự chuyển dịch mạnh mẽ, đó là quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp. Nhưng do sự hạn chế về cơ sở hạ tầng và công nghệ, đã nảy sinh vấn đề ô nhiễm môi trường trong quá trình sản xuất của các làng nghề.
Gần 50% số làng nghề trong diện điều tra bị ô nhiễm nghiêm trọng

Thống kê của ngành chức năng, hiện cả nước có trên 5.400 làng nghề, trong đó trên 1.800 làng nghề và làng nghề truyền thống được công nhận. Các làng nghề đã thu hút hơn 11 triệu lao động, khoảng 30% lực lượng lao động nông thôn, có đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, giúp nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân địa phương.
 

Tuy nhiên, có 46% số làng nghề trong diện điều tra có môi trường bị ô nhiễm nặng. Đặc biệt, với nước thải, ô nhiễm chất hữu cơ các làng nghề chế biến lương thực, thực phẩm, chăn nuôi và giết mổ hàm lượng các chất ô nhiễm vượt quá quy chuẩn hàng chục lần.
 

Ngoài ra, tình trạng ô nhiễm môi trường làng nghề đã ở mức báo động, tuy nhiên các làng nghề vẫn chưa có công trình xử lý chất thải phù hợp. Phần lớn nước thải vẫn xả thẳng vào hệ thống nước thải sinh hoạt, gây hiểm họa khôn lường.
 

Ước tính mỗi ngày, các làng nghề thải ra môi trường hàng trăm nghìn tấn chất thải rắn, cũng như hàng nghìn m3 nước thải sinh hoạt. Đáng lo ngại, một số địa phương còn thiếu trách nhiệm, chưa thực sự chú trọng kiểm tra, xử lý vi phạm dù cảnh báo đã tới mức nguy hiểm. Nhiều hộ gia đình vì lợi ích kinh tế, dù biết rõ mức độ nguy hiểm nhưng vẫn cố tình vi phạm và chấp nhận sống chung với ô nhiễm.
 

Ô nhiễm chất vô cơ từ các làng nghề dệt nhuộm, thủ công mỹ nghệ và mây tre đan, tái chế giấy, nước thải có hàm lượng cặn lớn và chứa nhiều chất ô nhiễm như dung môi, dư lượng hóa chất trong quá trình nhuộm, đánh bóng. Kết quả đo đạc chất lượng không khí tại các làng nghề sơn mài cũng rất đáng lo ngại, hàm lượng phun sơn gấp 5 lần nồng độ tối đa cho phép...
 

Kết quả khảo sát mới đây của các ngành chức năng, hầu hết các làng nghề được quan trắc đều có ít nhất có 3 chỉ tiêu phân tích vượt tiêu chuẩn cho phép, nguồn nước ngầm sử dụng trong sinh hoạt và sản xuất bị ô nhiễm; bề mặt ao hồ, kênh mương thủy lợi bị nhiễm độc… thậm chí nhiều địa phương có làng nghề hoạt động chỉ số ô nhiễm môi trường vượt quá hàng chục lần cho phép.
 

Theo khảo sát của Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) mới đây cho thấy, nguồn nước ngầm sử dụng trong sinh hoạt và sản xuất tại các làng nghề đều bị ô nhiễm bởi NH4, phenol; nước mặt tại các ao, hồ, kênh mương thủy lợi bị nhiễm độc; hay các chỉ tiêu sinh học như ecoli, coliform, kim loại nặng As, Hg khá cao…
 

Tình trạng ô nhiễm diễn ra phổ biến tại các làng nghề trên địa bàn thành phố Hà Nội, như làng nghề Triều Khúc, Tân Triều, Thanh Trì nổi tiếng với nghề thu gom phế thải, lông vũ, tái chế nhựa. Toàn bộ nước thải của các cơ sở sản xuất trong làng đều được xả thẳng ra môi trường khiến hệ thống nước mặt quanh đây bị ô nhiễm nặng. Hầu hết các ao hồ trong làng đều không thể nuôi cá do tiếp nhận một lượng nước thải do sản xuất rất lớn.
 

Làng nghề chế biến miến dong ở huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên cũng tương tự. Nước thải từ các lò làm miến gây ô nhiễm trầm trọng ao hồ trên địa bàn, do không có biện pháp xử lý hiệu quả, nên người dân phải chung sống với tình trạng ô nhiễm.
 

Hay làng nghề chạm khắc đá ở Bửu Long, Thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, do đưa công nghệ máy móc vào chế tác cũng đã tạo ra tiếng ồn, gây ô nhiễm môi trường tại khu vực dân cư. Chính vì vậy, Uỷ ban nhân dân thành phố ban hành văn bản yêu cầu di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường trong khu dân cư. Mặc dù đã có chủ trương của thành phố tuy nhiên hiện nay vẫn chưa tìm đuợc địa điểm để di dời làng nghề, vì chưa có quỹ đất…
 

Theo các chuyên gia môi trường, để các làng nghề phát triển bền vững, nâng cao đời sống của người dân thì điều cốt lõi là phải kiểm soát được tốt độ phát triển phù hợp với khả năng xử lý tác động của quá trình sản xuất đến môi trường xung quanh.
 

Theo đó, ta cần có các chính sách phát triển bền vững làng nghề. Sản xuất kinh doanh phải chú ý cải thiện và bảo vệ môi trường (BVMT), xây dựng, ban hành và áp dụng văn bản Quy phạm pháp luật về BVMT làng nghề, trong đó cần quy định rõ trách nhiệm của địa phương, các ngành, lĩnh vực hoạt động làng nghề.
 

Các làng nghề tiến hành xây dựng các quy định về vệ sinh, môi trường dưới dạng các quy định, hương ước, cam kết BVMT của chính địa phương; tăng cường hoạt động giám sát môi trường làng nghề và thực hiện kiểm kê nguồn thải; áp dụng công cụ kinh tế như phí BVMT đối với nước thải, khí thải, chất thải rắn; xây dựng tiêu chí “Làng nghề xanh” nhằm xếp loại cho các làng nghề BVMT theo hướng phát triển bền vững.
 

Quy hoạch không gian làng nghề gắn với BVMT. Di dời các cơ sở gây ô nhiễm nặng ra xa khu dân cư. Quy hoạch tập trung theo cụm công nghiệp nhỏ cần tránh xa khu dân cư và quy hoạch đồng bộ mặt bằng sản xuất, kết cấu hạ tầng như đường giao thông, hệ thống cung cấp điện, nước, hệ thống thông tin, thu gom và xử lý nước thải, chất thải rắn để xử lý tập trung.
 

Quy hoạch khu vực sản xuất tùy thuộc vào đặc thù của các loại hình làng nghề; quy hoạch phân tán, sản xuất ngay tại hộ gia đình kết hợp điều kiện sản xuất với cải thiện vệ sinh môi trường.
 

Những cơ sở mở rộng sản xuất phải thực hiện cam kết BVMT và đầu tư theo hướng công nghệ thân thiện với môi trường, tiêu chí lựa chọn công nghệ xử lý chất thải tại làng nghề cần bảo đảm chất thải sau xử lý đạt quy chuẩn môi trường hiện hành; công nghệ đơn giản, dễ vận hành, chuyển giao; vốn đầu tư, chi phí thấp, phù hợp với điều kiện sản xuất của làng nghề; ưu tiên công nghệ có khả năng tận thu, tái sử dụng chất thải.
 

Đồng thời, khuyến khích các cơ sở sản xuất làng nghề áp dụng các giải pháp sản xuất sạch hơn để vừa giảm lượng phát thải, vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao; cho vay ưu đãi với lãi suất thấp đối với các chủ cơ sở áp dụng công nghệ và thiết bị tiên tiến tạo ít chất thải; tiếp tục xây dựng các dự án nghiên cứu về áp dụng sản xuất sạch hơn cụ thể đối với từng loại hình làng nghề.
 

Bên cạnh đó, đa dạng hóa các nguồn đầu tư và khuyến khích sự tham gia của cộng đồng trong BVMT làng nghề. Sự phát triển của làng nghề phải bảo đảm tính bền vững, hài hòa các mặt kinh tế- xã hội và BVMT. Do đó, một số loại hình làng nghề sẽ phát triển mạnh cả về số lượng và quy mô sản xuất, một số khác cần được hạn chế.

Hải Anh
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn