|
Việc xử lý bao gói thuốc BVTV sau sử dụng lưu chứa ở bể chứa và khu vực lưu chứa góp phần bảo vệ môi trường |
Đã trở thành thông lệ, cứ vào cuối buổi chiều thứ 7 hàng tuần hội viên, nông dân bản Nà Phát, xã Bình Lư, huyện Tam Đường lại cùng nhau dọn vệ sinh đường làng, ngõ xóm cho sạch đẹp để vừa đảm bảo vệ sinh môi trường vừa tránh được dịch bệnh.
Không chỉ sạch làng, sạch ngõ mà ngay cả đồ đạc trong nhà cũng được các chị sắp xếp ngăn nắp, gọn gàng, khu bếp và khu vệ sinh của gia đình cũng luôn được các chị quét dọn. Chị Lò Thị Phới ở bản Nà Phát cho biết: Gia đình bà đã đầu tư 5 triệu đồng để làm lại chuồng trâu xa nhà ở và hợp vệ sinh. Cùng với đó, cải tạo lại vườn rau, phát quang bờ rào, khơi thông mương nước sinh hoạt để không gian gia đình thêm sạch đẹp.
Là một trong những hộ phát triển kinh tế từ chăn nuôi với 14 con lợn, 8 con trâu và trên 50 con gà vịt, thì việc giữ gìn vệ sinh môi trường chung là việc rất cần thiết, chị Lò Thị Ánh cho biết: Trước đây gia đình tôi không có khu vực thu gom chất thải trong chăn nuôi nên việc vệ sinh môi trường không mấy được quan tâm.
Nay được các cấp Hội triển khai mô hình và tuyên truyền về những tác hại của việc ô nhiễm môi trường đối với sức khỏe của gia đình và của cộng đồng, gia đình tôi đã chuyển chuồng nuôi về phía cuối vườn và làm hố ủ phân để bón cho ruộng.
Cũng như ở các bản vùng cao, trước đây, các gia đình ở xóm Hạ Đông, xã Châu Cường, huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An đều thả rông trâu bò trong rừng suốt ngày. Đến tối về lại nằm dưới sàn nhà, gốc cây phóng uế bừa bãi, vì vậy cả trong nhà và ngoài đường ở đâu cũng bẩn. Thế nhưng, sau hơn 2 năm thực hiện phong trào “Sạch làng tốt ruộng”, công tác vệ sinh môi trường ở xóm Hạ Đông đã có những chuyển biến tích cực.
Ông Ngân Thành Quang, Chủ tịch Hội ND xã Châu Cường, Quỳ Hợp cho biết:Thực hiện phong trào “Sạch làng tốt ruộng” ở xã Châu Cường đã phát động trong toàn xã 11/11 chi Hội. Mỗi hộ gia đình có 1 hố ủ phân chuồng, phân xanh, dời chuồng gia súc, gia cầm ra gầm sàn nhà để tận dụng nguồn phân bón để bón ruộng. Phát động phong trào phát triển chăn nuôi lợn có một số hộ gia đình nuôi tương đối nhiều có hộ lên đến 35 con và đang duy trì xây hầm Bioga.
Ông Ngô Văn Quyền, Phó Chủ tịch Hội ND huyện Qùy Hợp cho biết: Hàng năm, trên 90% hội viên, nông dân đăng ký tham gia thực hiện đến nay trong địa bàn huyện đã có một số cơ sở có một số mô hình có cách làm hay và làm mới đặc biệt như xóm Hạ Đông, xã Châu Cường với phong trào ND vệ sinh môi trường nông thôn.
Đối với Đồng Hợp, Tam Hợp, Nghĩa Xuân và Minh Hợp có mô hình mỗi hộ ND có một hố rác gia đình và hàng tháng vào một ngày cuối tháng cán bộ hội viên ND tham gia làm vệ sinh đường làng, ngõ xóm.
Phong trào “Sạch làng tốt ruộng” do Hội ND huyện Quỳ Hợp phát động đã được triển khai sâu rộng và đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Phong trào này đã góp phần tích cực trong việc hạn chế, xóa bỏ tình trạng ô nhiễm môi trường, làm cho các thôn xóm, bản làng ngày càng sạch đẹp, văn minh và thực hiện tốt một trong những tiêu chí của chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM từ năm 2011 đến nay.
Bà Vi Thị Xuân, xóm Hạ Đông, xã Châu Cường, Quỳ Hợp chia sẻ: “Được xóm, xã tuyên tuyền vệ sinh môi trường nông thôn để sạch làng tốt ruộng, gia đình tôi đã chấp hành nghiêm túc. Trâu bò, lợn thì làm chuồng nuôi nhốt để tận dụng nguồn phân bón cho ruộng. Xung quanh nhà thì dọn dẹp sạch sẽ để đảm bảo sức khỏe cho gia đình mình góp phần vào phong trào vệ sinh môi trường nông thôn ở xóm bản mình”.
Nhiều năm trước đây, tình trạng rác thải sản xuất do nông dân vứt bừa bãi, rác không được xử lý, tiêu hủy ảnh hưởng tới cảnh quan và môi trường diễn ra khá phổ biến ở hầu hết các đồng ruộng trên địa bàn xã Dũng Phong, Cao Phong, tỉnh Hòa Bình.
Rất nhiều hộ dân trên địa bàn xã phát triển kinh tế gia đình mà quên đi việc bảo vệ môi trường, giữ gìn vệ sinh nơi ở cũng như trên đồng ruộng. Một số hộ sau khi sử dụng thuốc bảo vệ môi trường, thuốc diệt cỏ thường có thói quen xả rác, chai lọ ra ngay đầu nguồn nước tưới, đầu kênh mương, điều này không những gây ô nhiễm nguồn nước mà còn ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe con người.
Sau khi triển khai mô hình này tại 4 xóm, tình trạng vứt rác bừa bãi trên đồng ruộng đã được hạn chế tối đa. Những chai, lọ chứa thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng trước đây nằm ngổn ngang ở các kênh, mương gây ô nhiễm môi trường nay đã được thu gom, đem tới điểm tập kết để phân loại và tiêu hủy.
Nhằm góp phần cải thiện môi trường sống, tạo cảnh quan xanh - sạch - đẹp trên địa bàn, đồng thời nâng cao ý thức người dân, Hội ND xã Dũng Phong triển khai mô hình thu gom rác thải đồng ruộng. Ban đầu, mô hình được áp dụng với quy mô nhỏ trên 5 tuyến đường nội đồng chính của 4 xóm: Xương Đầu, Đồng Ngoài, Dũng Tiến và Nà Bái.
Dọc bên trong các tuyến đường, rác thải được nông dân tập hợp cho vào những bao tải lớn được cố định bằng cọc gỗ đóng sâu xuống đất với thông điệp văn minh gắn phía trên “Hãy bỏ rác vào đây”.
Sau khi triển khai mô hình, ý thức của người dân cơ bản được nâng cao, môi trường được cải thiện đáng kể. Nhận thấy mô hình phát huy hiệu quả rõ rệt. Đến nay, Hội ND xã đã mở rộng mô hình thu gom rác thải đồng ruộng trên toàn địa bàn xã, nhằm hạn chế những hành vi gây ảnh hưởng xấu tới môi trường.
Đó là mô hình thiết thực với cuộc sống của người dân, việc triển khai thực hiện mô hình không chỉ nâng cao ý thức của người dân trong việc bảo vệ môi trường mà còn thắt chặt tình làng nghĩa xóm thêm đoàn kết.
Vệ sinh môi trường nông thôn là một trong những vấn đề được các cấp, các ngành và người dân ở Bắc Kạn quan tâm. Mô hình “Sạch nhà, tốt ruộng” được các cấp Hội triển khai bước đầu đã mang lại những kết quả đáng khích lệ.