Hiệu quả mô hình xử lý rác thải
14:50 - 18/07/2017
(MTNT) - Những năm gần đây, tình trạng ô nhiễm môi trường ở vùng nông thôn từ chất thải, rác thải trong sinh hoạt, chăn nuôi ngày càng đáng lo ngại. Chính phủ rất quan tâm, đưa vấn đề xử lý rác thải là một tiêu chí bắt buộc trong chương trình xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, đến nay bài toán xử lý rác thải nông thôn vẫn còn nan giải. 
Hiện nay, tình trạng vứt rác bừa bãi đã giảm nhiều so với trước tại những con đường liên thôn, liên xóm


Nếu khu vực đô thị việc thu gom rác được cơ giới hóa thì khu vực ngoại thành, nông thôn vẫn thủ công, năng suất lao động, hiệu quả thấp. Mô hình thực hiện chủ yếu là giao các tổ tự quản của thôn, xã thu gom rác trong khu dân cư, vận chuyển đến điểm tập kết và doanh nghiệp thu gom vận chuyển từ các điểm tập kết về khu xử lý tập trung của huyện, thành phố.
 

Ông Lê Văn Vững, Phó Trưởng thôn Phượng Đồng, xã Phụng Châu, huyện Chương Mỹ (Tp Hà Nội) cho biết: Việc vận động người dân chỉ bỏ rác vào giờ thôn đi thu gom rất khó khăn, một phần do nếp sống, thói quen đã lâu, phần khác do thôn không đủ nhân lực, phương tiện để thu gom hằng ngày.


Các vệ sinh viên không được đào tạo bài bản, chế độ đãi ngộ thấp nên ít người gắn bó với công việc. Hơn nữa, khi thu phí vệ sinh môi trường, không phải hộ dân nào cũng hiểu và chấp hành.

 
Từ việc thu gom thiếu thống nhất, triệt để nên ý thức bỏ rác đúng nơi quy định, đúng giờ của người dân cũng hạn chế. Tình trạng vứt rác bừa bãi xuống hồ, ao, kênh, mương khá phổ biến. Hầu hết dọc tuyến đường liên thôn, liên xã đều có rác thải sinh hoạt, từ những loại rác không tự hủy như túi ni lông đến xác súc vật, vỏ thuốc bảo vệ thực vật. Do phương tiện xe gom không đủ, không đúng quy cách, thời gian thu gom không thống nhất dẫn tới rác tồn đọng trong khu dân cư. Hầu hết các xã 2-3 ngày, thậm chí có nơi 10 ngày mới thu gom rác một lần.


Điểm tập kết rác thường bố trí ở đầu thôn, xóm, mặt đường giao thông chính của xã, không được che đậy kín dẫn đến ô nhiễm môi trường. Hiện nay, 99% thôn, xóm, khu dân cư tại các huyện Chương Mỹ đã thành lập tổ thu gom rác thải. Tỷ lệ thu phí vệ sinh môi trường trên địa bàn các huyện đạt 76%. Tiến độ đầu tư các dự án xử lý rác thải quy mô huyện và liên huyện được đẩy mạnh. Tỷ lệ thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn các huyện hằng năm đạt 87%.


Hiện nay, ngoài việc xử lý rác thải trên địa bàn tỉnh Bình Thuận thì các huyện trên địa bàn cũng đã tuỳ theo điều kiện và kinh phí của mình để hợp đồng với nhà máy tổ chức thu gom rác. Theo đó hiện các xã, thị trấn thuộc 4 huyện đã được xe chở rác của nhà máy đến thu gom.


Cụ thể là: xã Lợi Hải, Bắc Phong, huyện Thuận Bắc, các xã có QL 27 đi qua thuộc huyện Ninh Sơn như Lâm Sơn, Lương Sơn, Tân Sơn, Quảng Sơn, Mỹ Sơn và Nhơn Sơn; thị trấn Phước Dân, xã An Hải, huyện Ninh Phước; thị trấn Khánh Hải, các xã Xuân Hải, Tân Hải, Hộ Hải, huyện Ninh Hải. Còn lại vẫn nhiều xã vùng nông thôn chưa có phương án liên kết để thu gom xử lý rác thải. Do đó tình trạng vứt rác thải bừa bãi vẫn thường xuyên xẩy ra chưa được giải quyết.


Ông Trần Đình Minh, Giám đốc công ty TNHH Xây dựng Thương mại và Sản xuất Nam Thành cho biết: Để thực hiện việc thu gom xử lý rác thải nông thôn thì cần phải có sự phối hợp thống nhất giữa chính quyền địa phương và nhà máy. Về phía nhà máy thì hiện nay đảm bảo đủ công suất và phương tiện để xử lý hết nhu cầu rác thải trong toàn tỉnh.


Tuy nhiên vấn đề quan trọng là các địa phương phải có phương án phối hợp và có kinh phí để chi trả tiền thu gom và xử lý rác. Nhà máy chỉ hỗ trợ khoảng 30% chi phí xử lý vận chuyển còn lại tùy theo địa hình, quãng đường các địa phương phải chi trả cho công ty từ 50 – 70% chi phí còn lại.


Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Bắc Giang, hiện nay, tổng khối lượng rác thải khu vực nông thôn phát sinh trên địa bàn tỉnh khoảng 425 tấn/ngày, trong đó tỷ lệ rác thải được thu gom, xử lý còn rất thấp, mới chỉ đạt 54,6%, đặc biệt rác thải là vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật hầu như chưa được thu gom, xử lý.


Có khoảng hơn 50 xã chưa có tổ, đội vệ sinh môi trường. Nhiều xã miền núi tại các huyện Sơn Động, Lục Ngạn, rác thải được xử lý ngay tại các hộ gia đình hoặc đổ ra nơi công cộng. Việc thu gom, vận chuyển chất thải sinh hoạt nông thôn còn rất thô sơ, chủ yếu bằng xe cải tiến, xe tự chế.


Xác định quản lý rác thải là một trong những ưu tiên hàng đầu đối với công tác bảo vệ môi trường của tỉnh, thời gian qua, tỉnh Bắc Giang đã nghiên cứu và quan tâm đầu tư đến việc xử lý rác thải môi trường nông thôn.


Các bãi xử lý này được đầu tư hạ tầng kỹ thuật, phân ô chôn lấp, xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước rỉ rác, có hệ thống chống thấm tại đáy ô chôn lấp, sử dụng chế phẩm sinh học trong quá trình chôn lấp để khử mùi và chôn lấp theo quy trình kỹ thuật. Một số huyện cũng đang đầu tư xây dựng như: Hiệp Hòa, Việt Yên, Yên Dũng. Hình thức này có thể xử lý một lượng lớn rác thải và nhiều loại rác khác nhau, tuy nhiên hiệu quả xử lý rác thải còn thấp, có nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm khí thải.
 

Một hình thức xử lý rác thải tương đối hiệu quả khác hiện đang được triển khai là phương pháp đốt bằng lò đốt. Tại các huyện: Tân Yên, Yên Dũng, Hiệp Hòa, Lục Nam đang áp dụng lò đốt theo công nghệ Nfi Nhật Bản với chi phí đầu tư mỗi lò khoảng 2,4 tỷ đồng, công suất khoảng 400-500 kg/giờ.


Bên cạnh đó, lò đốt theo mô hình ứng dụng của Sở Khoa học và Công nghệ với chi phí từ 150 - 350 triệu đồng đang được triển khai tại các huyện Hiệp Hòa, Tân Yên. Hình thức đốt bằng lò đốt cơ bản đã giải quyết được tình trạng ô nhiễm do rác thải sinh hoạt phát sinh, tiết kiệm được quỹ đất chôn lấp và giảm thiểu ô nhiễm môi trường đất, nước.

 
Những năm qua, Hội ND huyện Hoà Vang (Tp Đà Nẵng) đã kịp thời vận động mô hình nông dân tham gia bảo vệ môi trường thông qua công tác thu gom và xử lý rác thải được xây dựng theo phương châm “Sạch nhà, sạch ngõ, sạch đồng nhằm tình trạng đổ rác bừa bãi của một bộ phận dân cư đã dẫn đến ô nhiễm môi trường.  


Hội ND 11 xã ở địa bàn huyện đã phát động đợt cao điểm ra quân khơi thông, nạo vét gần 4.000 m cống rãnh, kênh mương, thu gom xử lý gần 250 m3 rác thải, trồng mới gần 1.500 cây xanh…xây dựng mô hình thí điểm “Thôn không rác” ở các thôn Cẩm Nê, Yến Nê 2 xã Hoà Tiến và thôn Phong Nam xã Hoà Châu, huyện Hoà Vang.Hội ND quận Liên Chiểu tranh thủ nguồn viện trợ của thành phố lắp đặt 10 thùng rác tại bờ biển Làng văn hoá biển Kim Liên, phường Hoà Hiệp Bắc để thu gom và xử lý chất thải theo phương pháp dùng men vi sinh xử lý chất thải hữu cơ. Những điều kiện này đã giúp cho bà con nông dân thu gom rác thải, hạn chế tối đa tình trạng ứ đọng rác thải, góp phần cải thiện đáng kể môi trường sống trên địa bàn.
 

Giờ đây, trên những con đường liên thôn, liên xóm ở nhiều tỉnh, thành tình trạng vứt rác bừa bãi đã giảm nhiều so với trước, môi trường sống của người dân được cải thiện đáng kể.


Từ việc xây dựng các lò đốt rác thải ở hộ gia đình, lượng rác thải sinh hoạt trong xã cơ bản được giải quyết, người dân đã bắt đầu quen với việc phân loại rác hàng ngày và xử lý đúng nơi quy định. Các mô hình lò xử lý rác thải đã mang lại những hiệu quả thiết thực đối với việc bảo vệ môi trường, góp phần không nhỏ vào thực hiện xây dựng nông thôn mới.

 

Hòa Chí
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn