Giải pháp giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường đất nông nghiệp
16:19 - 30/06/2017
(MTNT) - Đất đai vừa là thành tố quan trọng của môi trường vừa là yếu tố đầu vào của quá trình sản xuất nông nghiệp. Để đảm bảo phát triển bền vững, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã ban hành các quy định về bảo vệ môi trường (BVMT) trong quá trình sử dụng đất nông nghiệp.
Chai lọ thuốc BVTV sau khi sử dụng vứt bừa bãi xuống các kênh, mương, đồng ruộng gây ra tình trạng ô nhiễm đât sản xuất

Các quy định này được quy định trong nhiều văn bản pháp luật khác nhau như: Luật Đất đai, Luật BVMT, Pháp lệnh về bảo vệ và kiểm dịch thực vật, các văn bản về việc đăng ký chính thức, đăng ký bổ sung và đăng ký đặc cách một số loại thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng, hạn chế sử dụng tại Việt Nam...


Theo từ Bộ NN&PTNT, hàng năm, nước ta sử dụng trung bình 15.000 – 25.000 tấn thuốc bảo vệ thực vật. Bình quân 1 ha gieo trồng sử dụng đến 0,4 – 0,5 kg thuốc bảo vệ thực vật. Sử dụng không hợp lý, không tuân thủ theo đúng những quy định nghiêm ngặt về quy trình sử dụng nên thuốc bảo vệ thực vật gây nhiều tác hại cho chính người sử dụng và người tiêu dùng nông sản, thực phẩm có chứa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, đồng thời ảnh hưởng đến môi trường sống.


Theo số liệu thống kê từ năm 1985 đến nay, diện tích gieo trồng ở nước ta chỉ tăng 57,7% nhưng lượng phân bón hóa học sử dụng tăng tới 51,7%, có khoảng 2/3 lượng phân bón hàng năm cây trồng chưa được sử dụng, gây lãng phí tiền bạc của nhân dân.


Cũng theo Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT), mỗi năm hoạt động nông nghiệp phát sinh khoảng 9.000 tấn chất thải nông nghiệp nguy hại, chủ yếu là thuốc bảo vệ thực vật, trong đó không ít loại thuốc có độ độc cao đã bị cấm sử dụng. Ngoài ra, cả nước còn khoảng 50 tấn thuốc bảo vệ thực vật tồn lưu tại hàng chục kho bãi; 37.000 tấn hóa chất dùng trong nông nghiệp bị tịch thu đang được lưu giữ chờ xử lý.


Đặc biệt, theo nhiều chuyên gia, sử dụng phân bón không đúng kỹ thuật trong canh tác nông nghiệp không những không mang lại hiệu quả mà ngược lại còn ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường đất. Theo lý giải, trong phân bón có trên 50% lượng đạm, 50% lượng kali và xấp xỉ 80% lượng lân dư thừa trực tiếp hay gián tiếp gây ô nhiễm môi trường đất. Các loại phân vô cơ thuộc nhóm chua sinh lý như K2SO4, KCl, super photphat còn tồn dư axit, đã làm chua đất, nghèo kệt các cation kiềm và xuất hiện nhiều độc tố trong môi trường đất như ion Al 3 +, Fe 3 +, Mn 2 + giảm hoạt tính sinh học của đất và năng suất cây trồng.


Điển hình là vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nơi có diện tích nuôi trồng thủy sản rất lớn khiến cho lượng bùn thải chứa phân của các loài thủy sản, nguồn thức ăn dư thừa thối rữa bị phân hủy khá lớn; các chất tồn dư của vật tư sử dụng như hóa chất, vôi, khoáng chất, lưu huỳnh lắng đọng đã xâm hại gây ảnh hưởng trầm trọng khiến đất ngày càng bạc màu và trở nên cằn cỗi… Ngoài ra, hiện tượng chặt phá rừng khiến đất bị rửa trôi, thói quen canh tác lạc hậu của người nông dân cũng cũng làm đất đai kiệt quệ.


Từ việc nghiên cứu thực trạng sử dụng đất nông nghiệp cho thấy chính sách pháp luật về BVMT đối với đất nông nghiệp chưa thực sự phát huy được hiệu quả. Mặc dù Nhà nước đã xây dựng khung pháp lý khá toàn diện về việc bảo vệ đất nông nghiệp, song giữa pháp luật và thực tiễn lại chưa có sự phù hợp. Bất cập được thể hiện trên các phương diện như:


Tuy pháp luật quy định khá nghiêm ngặt về vấn đề sử dụng thuốc bảo vệ thực vật cũng như các hành vi dẫn đến hủy hoại đất, song bản thân người dân lại chưa được trang bị kiến thức pháp luật, kiến thức khoa học đầy đủ về vấn đề này, hầu hết chỉ thực hiện theo thói quen.


Hoặc trong nhiều trường hợp người nông dân đã được tuyên truyền đầy đủ thông tin về phương diện pháp luật cũng như kỹ thuật, song ý thức BVMT chưa cao, chỉ tính đến lợi ích trước mắt mà không tính đến lợi ích lâu dài. Điều này đã dẫn đến thực trạng các biện pháp bảo vệ đất chỉ tồn tại trên giấy tờ mà không được hiện thực hóa.


Chế tài xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực BVMT trong quá trình sử dụng đất nông nghiệp chưa nghiêm, công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm còn nhiều yếu kém. Đặc biệt, tính thực tiễn của các quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực BVMT khu vực nông thôn còn chưa cao. Ví dụ, nếu đối chiếu theo đúng quy định của Nghị định số 179/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BVMT thì hầu hết các hành vi của người nông dân thực hiện trên mảnh đất của mình như hiện nay đều bị xử phạt.


Quy định pháp luật còn mang tính mệnh lệnh hành chính, chưa có chính sách khuyến khích đầy đủ để thúc đẩy ý thức BVMT trong nhân dân. Chính sách chi trả trực tiếp cho người nông dân để BVMT đã được rất nhiều quốc gia phát triển và đang phát triển thực hiện, song tại Việt Nam chính sách này chưa được chú trọng.


Quy định về quản lý chất thải còn lỏng lẻo, thiếu các quy phạm cụ thể, việc quy định trách nhiệm quản lý của các cơ quan còn chồng chéo, mâu thuẫn, đặc biệt là chưa có quy chế quản lý chất thải khu vực nông thôn, dẫn đến hành vi xả thải gây tác động xấu đến đất nông nghiệp.


Việc giảm thiểu, tái chế, tái sử dụng chất thải để BVMT nói chung và môi trường đất nói riêng mới chỉ được quy định dưới hình thức “khuyến khích” mà chưa thể hiện dưới dạng quy phạm bắt buộc, phí BVMT đối với chất thải vẫn chưa đủ cao để tác động đến hành vi xả thải, nên việc gây ô nhiễm vẫn là hiện tượng phổ biến.


Trên cơ sở phân tích các nguyên nhân gây ô nhiễm, suy thoái môi trường trong quá trình sử dụng đất nông nghiệp, một số giải pháp đã được đề xuất nhằm giảm thiểu tình trạng suy thoái, ô nhiễm đất nông nghiệp như:


Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục pháp luật BVMT trong quá trình sử dụng đất nông nghiệp cho bà con nông dân, tổ chức các lớp tập huấn hướng dẫn bà con cách sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đem lại giá trị kinh tế và BVMT, trao đổi với bà con nông dân về tác hại của việc sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật không đúng cách… qua đó, từng bước nâng cao nhận thức của người dân trong việc BVMT đất nông nghiệp. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức của người tiêu dùng, hướng họ đến thói quen sử dụng “nông sản sạch” cũng là yếu tố quan trọng để hỗ trợ, thúc đẩy người nông dân phát triển một nền nông nghiệp bền vững gắn liền với việc bảo vệ đất nông nghiệp.


Đẩy mạnh hoạt động thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm pháp luật BVMT trong quá trình sử dụng đất nông nghiệp. Hoạt động thanh tra, kiểm tra cần phải được quy định rõ về chức năng, thẩm quyền, đồng thời, các quy định về vi phạm hành chính về lĩnh vực BVMT trong nông nghiệp cũng cần phải bám sát với thực tiễn, phù hợp với trình độ phát triển về kinh tế, kỹ thuật khu vực nông thôn để việc xử lý có thể dễ dàng triển khai và đảm bảo tính giáo dục, răn đe đối với người vi phạm.


Hoàn thiện quy định về quản lý chất thải. Cần phải xây dựng khung pháp lý đầy đủ cho vấn đề quản lý chất thải, trong đó có quản lý chất thải nông nghiệp. Quản lý chất thải cần đề cao các biện pháp giảm thiểu, tái chế, tái sử dụng chất thải và gắn chúng với các biện pháp hỗ trợ cần thiết về tài chính, kỹ thuật cũng như chế tài nghiêm minh xử lý vi phạm.
 
Thanh Hà
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn