Nhân rộng các mô hình tham gia bảo vệ môi trường
11:12 - 18/06/2017
(MTNN) – Qua trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn đang tác động trực tiếp tới đời sống và sản xuất của người nông dân. Điều kiện sản xuất từng bước được cải thiện, quy mô sản xuất được mở rộng, nhưng vấn đề vệ sinh môi trường ở nông thôn hay ở các khu dân cư cũng liên tục gia tăng cấp độ ô nhiễm. 
Hội viên, nông dân huyện Ba Bể (Bắc Kạn) tích cực tham gia bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp

Trước thực tế đó, thời gian qua, Hội ND các cấp đã xây dựng và nhân rộng hiệu quả các mô hình nông dân tham gia bảo vệ môi trường .

 
Những năm qua, Hội ND huyện Ba Bể (Bắc Kạn) luôn chủ động phối hợp với Phòng Tài nguyên và Môi trường tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên nông dân tích cực thực hiện công tác bảo vệ môi trường, coi đó là nhiệm vụ của tổ chức Hội trong phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới.


Hằng năm, Hội ND huyện chủ động xây dựng kế hoạch tuyên truyền về bảo vệ môi trường phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ của Hội ND các cấp trong huyện, đồng thời phân công cán bộ trực tiếp theo dõi và tổ chức các hoạt động bảo vệ tài nguyên và môi trường. 

 
Hội ND huyện phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức nhiều hoạt động như: Hưởng ứng Tuần lễ quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường, Ngày nước thế giới, Ngày Môi trường thế giới, Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn theo chủ đề của từng năm.


Các cấp Hội phối hợp các ban, ngành tại địa phương tổ chức các hoạt động đồng loạt ra quân tạo khí thế sôi nổi trong hội viên, nông dân và cộng đồng dân cư nông thôn tham gia bảo vệ môi trường, bảo vệ đa dạng sinh học, làm cho cảnh quan môi trường nông thôn xanh, sạch, đẹp.
 

Đặc biệt, Hội ND huyện xây dựng thành công mô hình điểm “Sạch nhà, tốt ruộng” tại chi Hội Nông dân thôn Tiền Phong, xã Địa Linh. Các hộ hội viên nông dân tham gia mô hình “Sạch nhà tốt ruộng” xã Địa Linh đã tự giác phân loại rác thải tại hộ gia đình, sắp xếp lại nhà cửa, cải tạo vườn tạp, khu chăn nuôi và làm các công trình vệ sinh.


Trong sản xuất nông nghiệp, áp dụng các biện pháp thân thiện với môi trường như: Ủ phân vi sinh từ phế thải nông nghiệp, cây phân xanh; sản xuất rau an toàn và chăn nuôi an toàn dịch bệnh; thu gom bao, bì, chai, lọ thuốc bảo vệ thực vật… dọc theo tuyến kênh mương nội đồng.

 
Sau hai năm thực hiện, mô hình đã góp phần thay đổi, nhận thức, thói quen sinh hoạt hàng ngày, thói quen trong sản xuất nông nghiệp và trong thực hiện bảo vệ môi trường của hội viên, nông dân được cấp ủy, chính quyền cơ sở đánh giá cao và coi đây là điểm nhấn trong thực hiện phong trào “Nông dân chung sức xây dựng nông thôn mới”.

 
Hội ND huyện đã tổ chức tổng kết và chỉ đạo nhân rộng mô hình “Sạch nhà tốt ruộng” tại các xã, thị trấn trên địa bàn toàn huyện. Thông qua hoạt động của Hội và các lớp tuyên truyền, các hộ hội viên nông dân được trang bị những chủ trương, chính sách về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, từng bước nâng cao nhận thức về khoa học công nghệ mới, đặc biệt là công nghệ sinh học. 


Tích cực vận động hội viên, nông dân tham gia đầu tư xây dựng, quản lý, bảo vệ và sử dụng có hiệu quả các công trình nước sạch; tổ chức dọn dẹp vệ sinh tại các điểm công cộng, khơi thông cống rãnh, thu gom, xử lý rác thải khu dân cư và nơi công cộng; sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp đúng quy định
 

Đến cuối tháng 4/2017, Hội ND huyện Cai Lậy (Tiền Giang) đã phối hợp với Hội ND xã Tam Bình triển khai mô hình về bảo vệ môi trường trên địa bàn xã. Theo đó, xã sẽ thực hiện thí điểm xây dựng 190 lò đốt rác hộ gia đình ở 11 ấp.


Mỗi hộ đăng ký xây dựng sẽ được hỗ trợ 350.000 đồng/ lò đốt rác. Đồng thời, Hội ND huyện phối hợp với các ngành có liên quan tổ chức 11 buổi tập huấn xử lý rác thải nông thôn trên địa bàn xã. Dự kiến mô hình được triển khai thực hiện sâu rộng trong hội viên, nông dân đến tháng 10/2017.
 
 
Ngoài ra, Hội ND xã còn tuyên truyền, vận động và tập huấn nâng cao nhận thức cho người dân về công tác bảo vệ môi trường, hướng dẫn nông dân cách phân loại, thu gom và xử lý rác tại hộ gia đình. Hội Nông dân xã còn phát động đợt cao điểm ra quân khơi thông, nạo vét trên 4.000m kênh mương nội đồng ở các ấp Bình Thạnh, Bình Đức, Bình Hòa B...


Triển khai mô hình sản xuất nông nghiệp, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường và mang lại hiệu quả kinh tế cao như mô hình trồng sầu riêng theo tiêu chuẩn VietGAP ở ấp Bình Hòa A và tiêu chuẩn GlobalGAP ở ấp Bình Hòa B.


Trong thời gian tới nhằm phát huy hiệu quả các với mô hình bảo vệ môi trường, xã tiếp tục phối hợp các đoàn thể ấp tuyên truyền, vận động mỗi hộ gia đình xây dựng 1 lò đốt rác, góp phần bảo vệ sức khỏe cho người dân, cộng đồng và giữ vững tiêu chí số 17 trong xây dựng nông thôn mới.
 

Ô nhiễm môi trường xuất phát từ ý thức, thói quen sinh hoạt của mỗi cá nhân, hộ gia đình.  Vì vậy việc tuyên truyền, vận động và tập huấn nâng cao nhận thức cho bà con nông dân được các cấp Hội quan tâm triển khai đến tận hội viên. Bên cạnh đó là xây dựng các mô hình về phương pháp thu gom, phân loại và xử lý chất thải sinh hoạt trong gia đình và cộng đồng dân cư.

 
Tại huyện Hải Hậu (Nam Định), qua hơn 5 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, các xã, thị trấn trong huyện đạt được 19/19 tiêu chí nông thôn mới, trong đó có tiêu chí số 17 về môi trường.


Để giữ vững tiêu chí này, Hội ND huyện cùng các hội, đoàn thể đã trực tiếp tham gia vận động cán bộ, hội viên xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh; vận động các hộ dân tham gia mô hình thu gom rác thải và vận chuyển xử lý rác thải; đồng thời bố trí thùng đựng rác công cộng trên mọi tuyến đường để người dân không đổ rác bừa bãi.

 
Ở xã Hải Đường, các hộ dân đặt bể thu gom rác thải ở khu vực đầu dong ngõ, tiện cho đội vệ sinh môi trường của xã trong việc thu gom. Ngoài ra, định kỳ Hội ND xã phát động toàn thể cán bộ, hội viên thực hiện quét dọn, vệ sinh đường làng, ngõ xóm vào ngày thứ 7, chủ nhật, góp phần giữ gìn vệ sinh môi trường với phương châm “sạch từ nhà ra ngõ” nhằm tạo được ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường trong các hộ dân.


Bên cạnh việc vận động hội viên tham gia bảo vệ môi trường, Hội ND các cấp còn triển khai mô hình “Khu dân cư xanh - sạch - đẹp, an toàn, văn minh” đã nhận được sự đồng tình ủng hộ, tạo điều kiện của cấp ủy Đảng, chính quyền và sự hưởng ứng tích cực của cán bộ, hội viên nông dân. Do đó, tại các xã triển khai thí điểm mô hình này đều mang lại hiệu quả tích cực trong công tác bảo vệ môi trường nông thôn.

 
Thời gian tới, Hội ND tỉnh chỉ đạo Hội ND các huyện, thành phố tiếp tục nhân rộng các mô hình thu gom rác thải vệ sinh môi trường ở các cánh đồng màu, nhân rộng mô hình trồng cây xanh ở Thị trấn Lâm huyện Ý Yên; xây dựng mô hình giữ gìn vệ sinh môi trường ở các làng nghề, đặc biệt là ở làng nghề Bình Yên, xã Nam Thanh huyện Nam Trực, tuyến phố không rác thải; thu gom rác thải, vệ sinh môi trường ở xã Trực Tuấn huyện Trực Ninh góp phần xây dựng môi trường xanh, sạch, đẹp
 
 
Nhìn chung, công tác tuyên truyền, vận động cùng với việc triển khai xây dựng mô hình điểm và nhân rộng để hội viên, nông dân nâng cao ý thức trách nhiệm đối với công tác bảo vệ môi trường  là việc làm thường xuyên của các cấp Hội. Cuộc sống bền vững khi phát triển sản xuất phải đi đôi với công tác bảo vệ môi trường, có như vậy mới tạo ra mối quan hệ hài hòa giữa môi trường và con người .


Bằng nhiều hình thức truyền thông đa dạng, phong phú, công tác tuyên truyền của Hội ND các cấp đã góp phần tạo nên sự chuyển biến về nhận thức và hành động của cán bộ, hội viên, nông dân trong việc tham gia bảo vệ môi trường, sống thân thiện với môi trường.
 

Kim Liên
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn