|
Chất thải trong chăn nuôi cũng là một trong những tác nhân gây ô nhiễm môi trường |
Thống kê của Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) cho thấy, mỗi năm Việt Nam nhập khẩu khoảng 70.000 đến hơn 116.000 tấn thành phẩm hóa chất BVTV. Việc sử dụng thuốc BVTV và phân bón hóa học để phòng trừ sâu hại, dịch bệnh, bảo vệ mùa màng là cần thiết. Tuy nhiên, một thực tế cho thấy việc sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu bất hợp lý trong trồng trọt cùng với việc không kiểm soát tình hình xả thải trong chăn nuôi hiện nay đang khiến môi trường ở khu vực nông thôn bị đe dọa nghiêm trọng.
Tình trạng sử dụng phân bón không hợp lý về chủng loại, liều lượng, thời gian và phương thức bón cho cây trồng đang gây ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường. Đặc biệt, việc lạm dụng phân bón vô cơ trong thời gian gần đây khiến đất đai bị chai cứng, giữ nước kém và độ màu mỡ của đất giảm.
Bình quân tổng lượng phân bón vô cơ các loại sử dụng vào khoảng 2,4 triệu tấn/năm, mỗi năm thải ra môi trường khoảng 240 tấn bao bì, vỏ hộp các loại và phần lớn không thu gom mà vứt bừa bãi ra đồng ruộng. Lượng bao bì này không được thu gom đã gây ô nhiễm nguồn nước, không khí, ảnh hưởng tiêu cực đến hệ sinh thái và là nguy cơ đe dọa sức khỏe cộng đồng.
Bên cạnh đó, trong lĩnh vực chăn nuôi, hiện cả nước tồn tại gần 35.000 điểm giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ, phần lớn nằm ngoài tầm kiểm soát của cơ quan quản lý, chỉ có 35,8% trong số đó được kiểm soát. Trong khi đó, khối lượng chất thải rắn của vật nuôi khoảng hơn 82 triệu tấn/năm, nhưng chỉ khoảng 60% số chất thải được xử lý, còn lại thường được xả trực tiếp ra môi trường.
Trong lĩnh vực thủy sản, đa số vùng nuôi không có hệ thống xử lý nước và chất thải, việc kiểm soát môi trường nước và ao nuôi còn nhiều bất cập, dẫn đến lượng chất thải gây ô nhiễm từ ao nuôi rất lớn, hầu hết lượng chất thải này chưa được xử lý triệt để trước khi thải ra ngoài, gây ảnh hưởng lớn đến môi trường khu vực và ảnh hưởng ngược trở lại vùng nuôi trồng thủy sản.
Nhằm vận động người sản xuất và người tiêu dùng nâng cao nhận thức trách nhiệm về bảo vệ môi trường; thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường. Bộ NN&PTNT đã có văn bản yêu cầu các đơn vị trong ngành triển khai các biện pháp cấp bách nhằm giảm thiểu và tiến tới ngăn chặn gia tăng ô nhiễm, suy thoái môi trường trong các lĩnh vực nông nghiệp, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Đồng thời yêu cầu các đơn vị tăng cường áp dụng các biện pháp kỹ thuật canh tác tiên tiến, từng bước giảm thiểu sử dụng thuốc BVTV, tuân thủ các yêu cầu kỹ thuật khi sử dụng thuốc BVTV. Tiến hành thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về sản xuất, kinh doanh, sử dụng thuốc BVTV.
Cùng với đó, việc đẩy mạnh ứng dụng và chuyển giao công nghệ xử lý chất thải trong giết mổ, sơ chế và chế biến động vật, sản phẩm động vật. Hướng dẫn, kiểm tra giám sát việc thực hiện quản lý chất lượng thức ăn, chất xử lý cải tạo môi trường, điều kiện sản xuất kinh doanh giống và chất lượng giống thủy sản. Kiểm soát chất lượng nước cấp, nước thải và chất thải trong nuôi trồng thủy sản nhằm hạn chế ô nhiễm môi trường...
Tổ chức thường xuyên các lớp tập huấn cho cán bộ làm công tác bảo vệ môi trường trong nông nghiệp, nông thôn. Trong khâu xét duyệt, thẩm định đến triển khai thực hiện và vận hành dự án phải tiến hành rà soát, báo cáo đánh giá tác động môi trường, nhất là các dự án lớn có nguy cơ cao tác động xấu đến môi trường để có biện pháp điều chỉnh kịp thời.
Để công tác bảo vệ môi trường nông thôn thực hiện tốt phải có sự liên kết, phối hợp chặt chẽ giữa các sở ngành và chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn, hội thảo, hướng dẫn giúp người dân hiểu rõ tác hại của việc gây ô nhiễm môi trường. Qua đó, từng bước nâng cao nhận thức của người dân trong việc bảo vệ môi trường nông thôn.
Đặc biệt, việc báo chí tuyên truyền bảo vệ môi trường nông thôn không phải là việc chỉ làm một sớm một chiều mà đòi hỏi phải thường xuyên lâu dài. Vì thay đổi thói quen của người dân là không dễ, có thể nên đưa vào giáo dục cho trẻ em ngay từ tuổi mầm non, để các em dần hình thành các thói quen tốt cho môi trường, như không xả rác bừa bãi, phân loại rác tại nguồn, sử dụng tiết kiệm nguồn nước...