|
Sự phát triển của các làng nghề mộc nằm xen giữa các khu dân cư đang gây ra những hệ lụy không nhỏ về môi trường (Ảnh minh họa) |
Trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, ngoài những cơ sở làm mộc nhỏ lẻ, hiện có 3 làng nghề mộc truyền thống sản xuất tập trung với quy mô lớn là thị trấn Thanh Lãng, huyện Bình Xuyên; thị trấn Yên Lạc, huyện Yên Lạc và xã An Tường, huyện Vĩnh Tường.
Làng nghề mộc thị trấn Thanh Lãng (Bình Xuyên, Vĩnh Phúc) hiện có trên 2.000 hộ làm nghề mộc, thu hút trên 6.000 lao động địa phương; có gần 500 hộ đầu tư mở xưởng sản xuất kinh doanh nghề mộc. Từ xưa, những sản phẩm đặc trưng của làng nghề chủ yếu là: An gian, câu đối, sập, tủ chè, bàn ghế mỹ nghệ, gia công nội thất... Hiện đa phần các hộ làm nghề mộc của thị trấn có không gian chật hẹp, nhiều hộ làm nghề trong phạm vi 30 - 40 m2 xen lẫn trong các khu dân cư. Các hộ thường tận dụng không gian của ngôi nhà ở để làm nơi sản xuất, chế biến gỗ và là điểm giao dịch với khách hàng. Quá trình sản xuất và chế biến gỗ, các hộ đã xả thải ra môi trường lượng bụi gỗ, bụi sơn rất lớn. Bên cạnh đó là tình trạng vật liệu sản xuất và các phế phụ phẩm nghề mộc như gỗ, đầu mẩu, mùn cưa, vỏ bào… xếp lấn chiếm lòng đường, lề đường gây ô nhiễm môi trường rất nghiêm trọng, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống sinh hoạt và sức khỏe của người dân.
Thị trấn Yên Lạc với 50% dân số làm nghề mộc. Các xưởng sản xuất nằm chen giữa các khu dân cư, nhiều gia đình tận dụng khuôn viên sân nhà làm xưởng sản xuất, xưởng lớn hơn chục công nhân, xưởng nhỏ cũng 3 - 5 người. Mặc dù chủ các xưởng mộc đã có ý thức xây tường ngăn hoặc sử dụng bạt che, vách ngăn, quạt thông gió, máy hút bụi để giảm bớt ô nhiễm, nhưng thực tế bụi gỗ và mùi sơn vẫn lan tỏa trong không khí đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường sinh thái. Nhiều hộ còn sử dụng hóa chất ngâm, tẩm gỗ, sau khi ngâm xong, nước thải chưa qua xử lý được thải trực tiếp ra môi trường. Tỷ lệ những người dân mắc các bệnh liên quan đến đường hô hấp ở thị trấn Yên Lạc những năm gần đây khá phổ biến.
Tại TP. Hà Nội, tình trạng ô nhiễm tại làng mộc Canh Nậu (huyện Thạch Thất) vẫn diễn ra hàng ngày đang là vấn nạn của người dân nơi đây. Tiếng gõ, đục lạch cạch, tiếng các loại máy móc ầm ầm suốt ngày, khiến cả làng Canh Nậu chẳng khác gì một đại công trường. Cùng với đó, bụi, mùn cưa từ các xưởng gỗ bay thẳng ra đường. Trời nắng, mùn cưa bay khắp mọi nơi, ảnh hưởng đến việc di chuyển của người đi đường. Khi trời mưa, mùn cưa dính nước, vón thành từng cục. Nhất là khi mưa dầm, mùn cưa thấm nước lâu ngày tạo thành mùi hôi thối khó chịu.
Suốt thời gian dài, các loại máy móc hoạt động liên tục đã ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống sinh hoạt của người dân, cả với những hộ gia đình không làm nghề. Thường xuyên phải tiếp xúc với tiếng ồn, bụi bặm, các loại sơn gỗ độc hại khiến người dân phải đối mặt với nguy cơ mắc các bệnh về đường hô hấp, như viêm xoang, viêm phế quản, viêm da dị ứng… Cùng với đó, là mùi từ công đoạn phun sơn cũng khiến nhiều người dân “ngạt thở”, đau đầu.
Hiện nay, nguồn nước sạch được coi là “của hiếm” ở làng Canh Nậu. Do ảnh hưởng bởi mùn cưa lâu năm và tình trạng rác sinh hoạt mà các ao, hồ ở đây đều có màu đen kịt, mùi hôi, chua của mùn cưa thối bốc lên, khiến người dân không thể sử dụng những nguồn nước này.
Đa số người dân đã tiến hành khoan giếng để lấy nước sinh hoạt. Nhiều gia đình phải mua các máy lọc nước sạch mini, hoặc xây các bể lớn để tích nước mưa dùng dần.Để đối phó với bụi, người dân đã phải căng bạt, nilông quanh nhà, thậm chí nhiều hộ gia đình tự trang bị các loại máy thổi bụi nhưng hiệu quả dường như không đáng kể. Những năm gần đây, số người mắc và chết vì bệnh ung thư ở Canh Nậu ngày càng gia tăng.
Tại Nghệ An, mấy năm gần đây, làng nghề mộc truyền thống ở phường Quang Phong, Thị xã Thái Hòa còn được gọi là làng ung thư. Có nghề từ lâu và được công nhận làng nghề từ năm 2002, làng nghề mộc Quang Phong từ đó đến nay đã phát triển nhanh chóng cả về quy mô sản xuất cũng như số lượng hộ làm nghề. Công nghệ sản xuất đồng thời cũng phong phú hơn trước: Máy móc nhiều, hóa chất sử dụng cũng nhiều hơn. Người làm nghề buộc phải đánh đổi sức khỏe đã đành, nhưng thiệt thòi cho những gia đình không làm nghề vẫn phải sống trong môi trường độc hại.
Giải pháp xây dựng phòng phun sơn khép kín đã đươc 4 hộ sản xuất tại đây đầu tư nhưng quả thực con số này không thấm vào đâu so với 168 hộ đang hàng ngày sản xuất. Chính vì thế, vào dịp nhu cầu thị trường lớn, các xưởng mộc lại tràn ra cả mặt đường để đánh bóng gỗ và phun sơn. Những lúc như thế các hộ dân sống ở đây chỉ biết đóng cửa và hạn chế ra đường.
Để giải quyết và hạn chế vẫn đề ô nhiễm môi trường, thời gian tới, các địa phương cần xem xét các giải pháp như di dời các hộ sản xuất vào khu làng nghề tập trung, tách khỏi khu dân cư; chỉ cho phép các cơ sở tiến hành sản xuất khi đáp ứng các tiêu chuẩn về xử lý rác thải, chất thải, không gây ô nhiễm môi trường. Đồng thời, nâng cao ý thức người dân trong việc bảo vệ môi trường. Khi kinh tế phát triển, môi trường được cải thiện thì sức khỏe của người dân cũng được bảo đảm.