Phát triển bền vững môi trường các tỉnh miền núi phía Bắc
17:55 - 04/04/2017
(MTNT) - Hiện nay, môi trường miền núi phía Bắc và môi trường tự nhiên Việt Nam đang đứng trước những thách thức cơ bản như: Cơ sở hạ tầng kỹ thuật, trang thiết bị bảo vệ môi trường thấp kém, lạc hậu, ô nhiễm môi trường ngày càng gia tăng, nhưng kinh phí đầu tư cho môi trường còn thấp, năng lực cán bộ quản lý môi trường hạn chế; sự gia tăng dân số, di cư tự do và đói nghèo gây ra áp lực lớn đối với tài nguyên và môi trường; các giải pháp bảo vệ môi trường chưa đồng bộ.
Ảnh minh họa

Chính vì thế, để đảm bảo sự hài hòa giữa phát triển kinh tế- xã hội, xóa đói giảm nghèo với bảo vệ môi trường tiến tới phát triển bền vững vùng miền núi phía bắc, cần các nhóm giải pháp sau: Trước tiên, chúng ta cần nhận thức rõ vấn đề an ninh môi trường trước những đe dọa nghiêm trọng bởi các yếu tố như: Biến đổi khí hậu; sự chênh lệch trong phát triển giữa các vùng; những mâu thuẫn phát sinh trong khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên.


 Ngoài ra, nguồn nước của các dòng sông lớn khi chảy vào Việt Nam lại bắt nguồn từ nước ngoài và bị khống chế từ nước ngoài, mức độ ô nhiễm các dòng sông tăng nhanh... đều tác động đến an ninh nguồn nước và hậu quả chưa thể lường hết được. An ninh môi trường nếu không được xử lý thỏa đáng sẽ gây tác động xấu đến mọi mặt kinh tế - xã hội của đất nước, do vậy khi tiến hành hoạch định, tổ chức thực hiện các chính sách phát triển kinh tế - xã hội ở từng vùng, từng ngành, địa phương, phải gắn với vấn đề môi trường, biến đổi khí hậu và có tầm nhìn dài hạn.


Thêm vào đó, cần có bản đồ phân vùng môi trường làm căn cứ để xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo vệ môi trường vùng dân tộc, miền núi. Sự tăng trưởng kinh tế nhanh ở các tỉnh miền núi phía Bắc lại tỷ lệ nghịch với vấn đề môi trường, nên cần tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ sản xuất sạch; trong đó ưu tiên các dự án đầu tư về xử lý chất thải, khôi phục môi trường. Trong các hợp phần của các chính sách phát triển kinh tế- xã hội, ngoài việc hỗ trợ giống, cây, con, cần quan tâm nhiều hơn nữa đến hướng dẫn bà con kết hợp áp dụng khoa học kỹ thuật mới với tri thức địa phương để vừa nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi vừa bảo vệ độ phì cho đất, chống xói mòn, rửa trôi.


Cần tiếp tục kiện toàn hệ thống cơ quan quản lý nhà nước về môi trường theo hướng hiện đại, đủ năng lực đáp ứng yêu cầu đề ra. Đổi mới và kiện toàn, tăng cường năng lực tổ chức bộ máy cơ quan quản lý nhà nước về môi trường, nhất là ở cấp cơ sở (theo Nghị định số 81/2007/NĐ-CP quy định tổ chức bộ phận chuyên môn về bảo vệ môi trường tại cơ quan Nhà nước và doanh nghiệp Nhà nước). Bố trí nguồn kinh phí chi sự nghiệp môi trường đảm bảo đúng Nghị quyết số 41/NQ-TW là không dưới 1% tổng chi ngân sách cho công tác bảo vệ môi trường. Đầu tư có trọng điểm để giải quyết các vấn đề về môi trường, các điểm nóng về môi trường thuộc khu vực công ích như: Bãi xử lý rác thải sinh hoạt đô thị, hệ thống xử lý chất thải y tế, hệ thống cấp thoát nước, xử lý nước thải công nghiệp ở các khu công nghiệp.


Thực hiện nghiêm túc luật Bảo vệ môi trường, luật Đất đai, luật Bảo vệ và phát triển rừng, Chiến lược quốc gia về tài nguyên nước đến năm 2020. Trước mắt, cần bổ sung, hoàn thiện các quy định và cơ chế quản lý về bảo vệ môi trường khu công nghiệp, khu kinh tế, bệnh viện, làng nghề, các lưu vực sông, vùng nông thôn và miền núi. Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường. Cần điều chỉnh lại mức thuế tài nguyên, thuế khai thác, sử dụng nước cho phù hợp với thực tế và phải có qui định rõ ràng mức đóng thuế thỏa đáng của doanh nghiệp cho địa phương và nhà nước, tránh tình trạng đóng thuế hình thức như hiện nay.


Mặt khác, nhàn nước cần huy động sự tham gia của các thành phần kinh tế vào công tác bảo vệ môi trường. Tạo cơ chế phối hợp, hợp tác và huy động mọi thành phần kinh tế, toàn xã hội tham gia bảo vệ môi trường. Để huy động được toàn xã hội tham gia bảo vệ môi trường, nhà nước cần thực hiện tốt hơn nữa chính sách chia sẻ lợi ích trong khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên khoáng sản, đất đai, rừng, phân phối công bằng lợi nhuận giữa nhà nước, các đơn vị kinh tế và người dân. Doanh nghiệp phải thường xuyên sử dụng một phần lợi nhuận từ công trình để chăm lo đời sống của đồng bào. Người dân trồng rừng cần được hưởng phần kinh phí thỏa đáng cho việc đã tạo ra môi trường không khí trong lành, đã tạo ra trữ lượng nước lớn cho các công trình thủy điện. Nên dành một phần chi phí thuế tài nguyên, lợi nhuận của các dự án sản xuất từ tài nguyên miền núi đầu tư trở lại cho đồng bào dân tộc thiểu số, để đồng bào ổn định cuộc sống, hạn chế du canh, du cư, hạn chế chặt phá rừng bừa bãi làm nương rẫy.


Việc khuyến khích cộng đồng dân cư tham gia vào hoạt động bảo vệ tài nguyên đất, nước, rừng, khoáng sản, nhất là các mỏ nhỏ, phân tán cũng cần được chú trọng. Theo đó, cần sử dụng các chế tài pháp luật, các chính sách, công cụ kinh tế và biện pháp hành chính nhằm thực hiện tốt các qui định pháp luật về tài nguyên, khoáng sản. Đồng thời tăng đầu tư cho khâu phục hồi, tái tạo và cải thiện môi trường sinh thái ở địa bàn khai thác mỏ.


Mặt khác, phải tăng cường công tác thẩm định kế hoạch phát triển thủy điện trước khi cấp giấy phép xây dựng nhà máy thủy điện vừa và nhỏ, tránh ô nhiễm và cạn kiệt nguồn nước trong vùng.  Có kế hoạch và kinh phí thỏa đáng thu gom rác thải: rác thải rắn, rác thải bệnh viện cần có hố chôn lấp, sử lý đúng tiêu chuẩn, nhằm tránh nhiễm bẩn, nhiễm độc nguồn nước. Đồng thời có chính sách đầu tư bảo tồn và phát huy tri thức địa phương, trong đó, quan tâm đặc biệt tới các luật tục tiến bộ, kết hợp luật tục với chế tài pháp luật trong bảo vệ môi trường.


Chính quyền địa phương cần cụ thể hóa và đưa chính sách bảo vệ môi trường vào chương trình hành động, phát triển kinh tế- xã hội của địa phương, phát huy vai trò của cộng đồng dân cư, tăng cường sự tham gia của cả cộng đồng vào quản lý tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường. Trong hợp phần của các chương trình phát triển kinh tế- xã hội trên địa bàn cần tăng cường hỗ trợ kinh phí và hướng dẫn đồng bào xây hố xí hợp vệ sinh.


Nên tránh tình trạng đổ đầu đối với các vùng mà cần căn cứ vào đặc điểm từng vùng có chính sách hỗ trợ cụ thể để tăng nhanh số hố xí hợp vệ sinh, giúp đồng bào từ bỏ thói quen đi vệ sinh tùy tiện trong rừng. Tăng cường kinh phí hỗ trợ để bà con có điều kiện thay tấm lợp Phờrôximăng bằng nguyên liệu tôn hoặc mái tranh, mái ngói, nhằm giúp đồng bào tránh các bệnh ung thư khi sử dụng nước sinh hoạt hứng qua tấm lợp về sau.


Cuối cùng, tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức về môi trường và phát triển bền vững nhằm xây dựng phong trào quần chúng nhân dân bảo vệ môi trường. Môi trường ô nhiễm, các sự cố môi trường gia tăng ở vùng miền núi phía bắc ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống của đồng bào, không chỉ đơn thuần do phát triển kinh tế, thương mại hay do áp lực dân số mà còn là vấn đề phức tạp liên quan đến lối sống, văn hóa truyền thống của cộng đồng dân tộc thiểu số. Để thay đổi thói quen, tập tục là cả vấn đề lớn, đòi hỏi công tác tuyên truyền, vận động phải kiên trì, và chắc chắn. Cần tăng cường kinh phí truyên truyền để tuyên truyền bà con từ bỏ thói quen cũ canh tác cũ, phá rừng làm nương rẫy, sống rải rác ở trên núi cao hạ sơn, qui tụ thành làng bản, tránh nguy hiểm và đảm bảo vệ sinh môi trường.
Thu Hải
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn