Đẩy lùi ô nhiễm môi trường nông thôn
09:40 - 29/09/2015
(MTNT) - Đóng góp khoảng 24% GDP và 30% giá trị xuất khẩu, sản xuất nông nghiệp có vai trò quan trọng trong nền kinh tế nước ta. Song, bên cạnh những thành tựu đạt được, tình trạng ô nhiễm môi trường trong sản xuất nông nghiệp và nông thôn vẫn diễn ra ngày càng nghiêm trọng.
 

Ảnh minh họa


Thực trạng môi trường nông nghiệp, nông thôn nước ta đang chịu ô nhiễm ngày càng lớn từ việc sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật bừa bãi, việc xử lý chất thải ngành chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, chất thải làng nghề bị bỏ trống, cùng với sức ép về nhu cầu của những sản phẩm nông sản sạch, bảo đảm chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm cho tiêu dùng nội địa và xuất khẩu đang đòi hỏi ngành nông nghiệp cũng như các ngành liên quan cần đầu tư thích đáng và những biện pháp quyết liệt cho vấn đề này.


 


Theo thống kê, mỗi năm khu vực nông thôn nước ta phát sinh trên 13 triệu tấn rác thải sinh hoạt, khoảng 1,3 triệu m³ nước thải và 7.500 tấn vỏ bao thuốc bảo vệ thực vật, hầu hết đều xả thải trực tiếp ra môi trường xung quanh; khoảng 16.700 trang trại chăn nuôi thải ra hàng chục triệu tấn chất thải các loại vào môi trường đất, nước và không khí.
 



 Dù đóng góp tới gần 9 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu nhưng ngành trồng trọt cũng là lĩnh vực gây ô nhiễm môi trường hết sức nghiêm trọng. Do thâm canh tăng vụ, tăng sản lượng, tình trạng sâu bệnh gia tăng đi kèm với sự suy giảm độ phì nhiêu của đất khiến nông dân gia tăng việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và phân bón vượt mức cho phép nhiều lần.
 



Theo ông Đinh Vũ Thanh, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường (Bộ NN&PTNT), do nông dân sử dụng phân bón bừa bãi nên mỗi năm có tới 60 - 65% lượng phân đạm bị cây trồng “bỏ qua” (tương đương 1,77 triệu tấn), gần 60% lượng lân (khoảng 2,1 triệu tấn) và kali (344.000 tấn) được bón nhưng cây trồng không hấp thụ, rất lãng phí.



 
 
Việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, không tuân thủ các quy trình kỹ thuật sử dụng đã làm cho đất bị chai cứng, nguồn nước bị ô nhiễm có thể gây đột biến gen trên một số loại cây trồng. Mới đây, cơ quan chức năng kiểm tra phát hiện có từ 30 - 60% mẫu rau còn tồn dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật vượt quá ngưỡng cho phép, đặc biệt có những loại thuốc không nằm trong danh mục được phép sử dụng tại Việt Nam.




 
Không chỉ trong lĩnh vực trồng trọt, vấn đề dịch bệnh trong nuôi trồng thủy sản cũng làm nhiều hộ nông dân điêu đứng, thủ phạm chính do ô nhiễm môi trường. Đồng bằng sông Cửu Long là vùng nuôi chính cá da trơn, chiếm 37% tổng diện tích nuôi và 62% tổng lượng cá nước ngọt của cả nước mang về hàng tỷ đô la.
 



 
Để có 1kg cá da trơn thành phẩm, nông dân phải sử dụng từ 3 - 5kg thức ăn; nhưng chỉ có khoảng 17% thức ăn được cá hấp thụ, phần còn lại hòa lẫn với nước, trở thành các chất hữu cơ phân hủy gây ô nhiễm môi trường. Tương tự, cả nước có khoảng 16.700 trang trại chăn nuôi với gần 37,9 triệu gia súc, gần 215 triệu gia cầm, mỗi năm thải ra môi trường trên 73 triệu tấn chất thải, cũng góp phần gia tăng ô nhiễm trong sản xuất nông nghiệp.



 
Hiện nay, Đảng và Nhà nước ta có chủ trương điều chỉnh cơ cấu sản xuất, phát triển khoa học công nghệ và mở rộng thị trường trong nông nghiệp, góp phần nâng cao đời sống và thay đổi bộ mặt nông thôn. Song, vấn nạn ô nhiễm môi trường do phân bón, thuốc trừ sâu và các nguồn chất thải khác từ trồng trọt và chăn nuôi cũng là mặt trái của sự phát triển này.




 
Nuôi trồng thủy sản cũng gây ô nhiễm môi trường rất đáng lo ngại. Bên cạnh đó còn có 5.000 nhà máy chế biến nông, lâm sản thải ra một khối lượng khí chất lỏng và chất thải rắn khổng lồ.




 
Do thâm canh tăng vụ, tăng sản lượng, tình trạng sâu bệnh gia tăng đi kèm với sự suy giảm độ mầu của đất khiến nông dân gia tăng việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật  và phân bón vượt mức cho phép nhiều lần. Việc mở rộng các vùng cây công nghiệp giá trị cao cũng làm cạn kiệt các nguồn nước, thải ra môi trường nhiều loại phân bón, thuốc  bảo vệ thực vật nồng độ cao.





Với nhu cầu xã hội ngày càng phát triển cao đòi hỏi con người ngày càng sử dụng nhiều biện pháp khác nhau để tăng năng suất sản lượng sản phẩm. Việc sử dụng hóa chất trong nông nghiệp nhiều và không hợp lý đã làm cho môi trường ngày càng xấu đi đặc biệt là đối với môi trường đất.
 




 Có nhiều nguyên nhân dẫn đến ô nhiễm môi trường đất trong sản xuất nông nghiệp đó là ô nhiễm trong nguyên liệu sản xuất phân lân có chứa 3% Flo. Khoảng 50 - 60% lượng Flo này nằm lại trong phân bón. Khi bón nhiều phân lân sẽ làm tăng hàm lượng Flo trong đất và sẽ làm ô nhiễm đất.
 



Bên cạnh đó còn phát sinh các chất thải của nhà máy sản xuất phân lân có chứa 96,9% các chất gây ô nhiễm mà chủ yếu là Flo. Khi bón đạm cho cây trồng, cây chỉ sử dụng được 40 - 60%, phần còn lại nằm trong đất và gây ô nhiễm đất.




Ô nhiễm thuốc bảo vệ thực vật, thuốc bảo vệ thực vật có đặc điểm rất độc đối với mọi sinh vật; tồn dư lâu dài trong môi trường đất; tác dụng gây độc không phân biệt, nghĩa là gây chết tất cả những sinh vật có hại và có lợi trong môi trường đất. Ngoài ra, hiện tượng thừa đạm sẽ làm cho bộ phận của cây, nhất là các cơ quan sinh trưởng sẽ phát triển mạnh, tạo thêm nguồn thức ăn cho nhiều loài vi sinh vật gây hại.




 
 Đạm thừa làm cho vỏ tế bào cây trở nên mỏng, tạo điều kiện dễ dàng cho một số loài vi sinh vật gây bệnh xâm nhập, kích thích một số loài vi sinh vật trong đất xâm nhập vào rễ và gây hại cho cây. Sâu bệnh xuất hiện nhiều làm số lần phun thuốc tăng theo cũng làm ô nhiễm môi trường.




Ô nhiễm do sử dụng phân hóa học, việc sử dụng phân bón không đúng kỹ thuật trong canh tác nông nghiệp nên hiệu lực phân bón thấp, có trên 50% lượng đạm, 50% lượng kali và xấp xỉ 80% lượng lân dư thừa trực tiếp hay gián tiếp gây ô nhiễm môi trường đất.Tập quán sử dụng phân Bắc, phân chuồng tươi trong canh tác nông nghiệp còn phổ biến.
 



Trong phân chuồng, phân bắc chưa hoại mục có chứa nhiều mầm bệnh cho người và gia súc và còn có thể gây hại cho rễ cây vì thế bón phân chuồng khi chưa hoai mục sẽ phản tác dụng.





Để đáp ứng mục tiêu bảo vệ và cải thiện môi trường chống ô nhiễm tài nguyên đất trong sản xuất nông nghiệp, trong thời gian tới cần triển khai thực hiện các giải pháp như tăng năng suất nông nghiệp thông qua việc tăng cường sử dụng các kiểu gen có năng suất cao, chống chịu sâu bệnh và thích ứng các điều kiện khó khăn, duy trì độ phì của đất, tính đa dạng của cây trồng, áp dụng luân canh cây trồng. Cần lai tạo ra những giống cây trồng kháng bệnh, ít sâu bệnh hại, chống chịu tốt đối với môi trường sống và nhanh chóng đưa vào thực tiễn sản xuất nông nghiệp.



 
Ngành chăn nuôi hàng năm đóng góp khoảng 73 triệu tấn chất thải, trong đó chỉ có 30-60% chất thải được xử lý, còn lại xả thẳng ra môi trường. Ông Hoàng Kim Giao, Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết thêm, với 16.700 trang trại chăn nuôi nhưng chỉ có khoảng 1.700 cơ sở có hệ thống xử lý chất thải, còn lại đều không có nhà xử lý chất thải chăn nuôi theo tiêu chuẩn. Tình trạng dịch cúm gia cầm, lợn tai xanh, lở mồm long móng... diễn ra dai dẳng nhiều năm qua có nguyên nhân không nhỏ từ môi trường. Tương tự, ngành nuôi trồng thủy sản cũng  trong tình trạng chất thải nuôi tôm, cá  xả thẳng ra sông, biển không qua xử lý.
 




Chỉ tính riêng với con cá tra, tôm sú ở đồng bằng sông Cửu Long, mỗi năm có đến hàng triệu tấn thức ăn không được tiêu hóa hết, bị hòa tan trong nước gây lãng phí và cũng là nguyên nhân gây ra nhiều loại dịch bệnh khiến các hộ nuôi trồng thủy sản thiệt hại hàng trăm tỷ đồng mỗi năm.  Sản xuất nông nghiệp an toàn là mục tiêu mà chúng ta đang hướng đến, nhằm làm cho nông nghiệp phát triển bền vững.
 





Vì vậy, trong những năm gần đây, ngành nông nghiệp đã và đang thực hiện nhiều chương trình huấn luyện cho nông dân, đặc biệt là chương trình IPM và “3 giảm, 3 tăng”, “5 phải, 1 giảm”; VietGAP, GlobalGAP… nhằm giúp nông dân hạn chế đến mức thấp nhất lượng phân bón được sử dụng trên một diện tích; số lần và lượng thuốc bảo vệ thực vật phun trên đồng ruộng, tiết kiệm nước tưới, giảm khí phát thải; đồng thời rà soát, nâng cao năng lực quản lý nhà nước về môi trường; hướng dẫn các quy định về quan trắc môi trường, đánh giá môi trường chiến lược và đánh giá tác động môi trường nông nghiệp; kiểm soát ô nhiễm và cảnh báo dịch bệnh trong các lĩnh vực sản xuất của ngành nông nghiệp; hoàn thiện hệ thống pháp luật về quản lý tài nguyên rừng, tài nguyên biển; phục hồi, cải thiện môi trường nông nghiệp, nông thôn; đẩy mạnh các hoạt động chuyển giao công nghệ, sử dụng công nghệ để giảm thiểu ô nhiễm môi trường nông nghiệp, nông thôn.
 




Không chỉ quan tâm xử lý rác thải, công tác bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp, công nghiệp ở vùng nông thôn cũng được quan tâm đẩy mạnh. Ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn và các địa phương đã ưu tiên phát triển những mô hình, phương thức sản xuất nông nghiệp theo hướng thân thiện với môi trường. Tranh thủ các chương trình, dự án để khuyến khích, đẩy mạnh xây dựng cánh đồng mẫu lớn, tổ chức các mô hình sản xuất thuận lợi trong việc kiểm soát sử dụng hóa chất trong quá trình sản xuất, giảm thiểu các tác động đến môi trường.




Ngành đã hướng dẫn nông dân thực hiện “4 đúng” trong sử dụng thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng và áp dụng các kỹ thuật canh tác tiên tiến các quy trình tiêu chuẩn “sạch” an toàn trong trồng trọt, chăn nuôi như VietGAP, Global GAP…, hạn chế tối đa các tác động tiêu cực đến môi trường đất, nước, không khí…
.


 
Duy Vũ
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn