Bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp
09:05 - 29/05/2015
(Cổng ĐT HND) - Việt Nam là nước sản xuất nông nghiệp, khí hậu nhiệt đới nóng và ẩm của Việt Nam thuận lợi cho sự phát triển của cây trồng nhưng cũng rất thuận lợi cho sự phát sinh, phát triển của sâu bệnh, cỏ dại gây hại mùa màng. Do vậy việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để phòng trừ sâu hại, dịch bệnh bảo vệ mùa màng, giữ vững an ninh lương thực quốc gia vẫn là một biện pháp quan trọng và chủ yếu. Cùng với phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật là yếu tố rất quan trọng để bảo đảm an ninh lương thực cho loài người. 

Ảnh minh họa



 
Thuốc bảo vệ thực vật là những hợp chất độc có nguồn gốc tự nhiên hoặc được tổng hợp từ các chất hóa học, dùng để phòng, trừ dịch hại trên cây trồng, điều hòa sinh trưởng thực vật, xua đuổi hoặc thu hút các loại sinh vật gây hại trên thực vật đến để tiêu diệt. Có thể nói, thuốc bảo vệ thực vật là một loại vật tư kỹ thuật quan trọng góp phần hạn chế dịch hại, bảo vệ cây trồng, giữ vững và nâng cao sản lượng, chất lượng nông sản.



 
Hiện nay, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật cũng là một biện pháp trong hệ thống các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp.Việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng mục đích và đúng kỹ thuật sẽ mang lại hiệu quả tốt trong quản lý dịch hại cây trồng, bảo vệ nông sản, ngược lại, sẽ gây hậu quả rất khó lường.



 
Vì vậy, khi sử dụng thuốc cần phải có kiến thức nhất định để ngăn ngừa hoặc hạn chế tác hại của thuốc có thể gây nên đối với chính bản thân người sản xuất, người tiêu dùng, cây trồng, vật nuôi và môi trường sống, đồng thời phát huy những mặt tích cực của nó. Gieo trồng các giống cây kháng sâu bệnh, bảo đảm yêu cầu phân bón và nước thích hợp, tận dụng các biện pháp thủ công,Chú ý bảo vệ thiên địch khi dùng thuốc.


 
Trong điều kiện áp lực dịch hại cây trồng ngày càng phức tạp, định hướng phát triển ngành nông nghiệp (năng suất, chất lượng, an toàn, hiệu quả và thân thiện với môi trường) thì việc quản lý dịch hại cây trồng phải tổng hợp bằng nhiều biện pháp, trong đó sử dụng thuốc bảo vệ thực vật chiếm vị trí đặc biệt.



 
Do đó việc sử dụng thuốc an toàn hiệu quả sẽ góp phần nâng cao hiệu quả canh tác, bảo vệ sức khỏe cộng đồng và môi trường sống.Các loại thuốc bảo vệ thực vật thường là các chất hoá học có độc tính cao nên mặt trái của thuốc BVTV là rất độc hại với sức khoẻ cộng đồng và là một đối tượng có nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường sinh thái nếu không được quản lý chặt chẽ và sử dụng đúng cách. Dư lượng thuốc bảo vệ thực vật quá giới hạn cho phép trong nông sản, thực phẩm là mối đe dọa đối với sức khoẻ con người. Vì vậy, giải quyết hài hoà giữa việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để bảo vệ sản xuất nông nghiệp với việc bảo vệ sức khoẻ cộng đồng và môi trường là một đòi hỏi và thách thức lớn đối với cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ thực vật.



 
Trong sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam các loại thuốc bảo vệ thực vật đã được sử dụng từ nhiều năm trước đây. Tuy nhiên thời kỳ đó, do tình hình phát sinh, phát triển của sâu hại, dịch bệnh diễn biến chưa phức tạp nên số lượng và chủng loại thuốc bảo vệ thực vật chưa nhiều. Ngày đó do thiếu thông tin và do chủng loại thuốc bảo vệ thực vật còn nghèo nàn nên người nông dân đã sử dụng nhiều loại thuốc bảo vệ thực vật có độc tính cao, tồn lưu lâu trong môi trường. Ngày nay người ta đã thay dần bằng các loại thuốc bảo vệ thực vật thế hệ mới có độc tính thấp, ít tồn lưu trong môi trường.



 
Những năm gần đây, do thâm canh tăng vụ, tăng diện tích, do thay đổi cơ cấu giống cây trồng nên tình hình sâu bệnh diễn biến phức tạp hơn. Vì vậy số lượng và chủng loại thuốc BVTV sử dụng cũng tăng lên. Nếu như trước năm 1985 khối lượng thuốc BVTV dùng hàng năm khoảng 6.500 đến 9.000 tấn thành phẩm quy đổi và lượng thuốc sử dụng bình quân khoảng 0,3 kg  hoạt chất /ha thì thời gian từ năm 1991 đến nay lượng thuốc sử dụng biến động từ 25- 38 ngàn tấn. Đặc biệt năm 2006 lượng thuốc BVTV nhập khẩu là 71.345 tấn. Cơ cấu thuốc bảo vệ thực vật sử dụng cũng có biến động: thuốc trừ sâu giảm trong khi thuốc trừ cỏ, trừ bệnh gia tăng cả về số lượng lẫn chủng loại.
 


Nguyên nhân của sự biến động này là do từ năm 1992 nền nông nghiệp Việt Nam đã áp dụng rất có kết quả chương trình Quản lý dịch hại tổng hợp (IPM). Nhiều hộ nông dân đã biết áp dụng các biện pháp kỹ thuật phòng trừ tổng hợp trong sản xuất và chỉ phun thuốc khi cần thiết theo sự chỉ đạo của cơ quan BVTV.


 
 Tại các địa phương có áp dụng chương trình Quản lý dịch hại tổng hợp số lần phun thuốc đã giảm đi. Kết quả này chứng minh rằng chương trình Quản lý dịch hại tổng hợp là một trong các biện pháp hữu hiện nhằm tránh  nguy cơ ô  nhiễm môi trường do sử dụng thưốc bảo vệ thực vật. Do tập quán canh tác và diện tích trồng lúa lớn nên các các tỉnh vùng đồng bằng nông dân sử dụng nhiều thuốc bảo vệ thực vật hơn (1,15- 2,66 kg thành phẩm/ha/năm)  so với các tỉnh miền núi (0,23 kg thành phẩm/ha/năm).



 
Tuy Bộ NN & PTNT và Cục BVTV đã có nhiều văn bản quy định và hướng dẫn cách  sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn có hiệu quả đặc biệt là trên rau và chè nhưng việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật còn bộc lộ nhiều bất cập chưa tương xứng với yêu cầu của nền sản xuất nông nghiệp sạch. Kết quả là làm ảnh hưởng đến chất lượng nông sản tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.


 
Việc tăng liều lượng thuốc, tăng số lần phun thuốc, dùng thuốc bảo vệ thực vật không theo hướng dẫn, lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật đã dẫn đến hậu quả đã gây ra hiện tượng kháng thuốc, làm thuốc mất hiệu lực, để lại tồn dư thuốc bảo vệ thực vật quá mức cho phép trong nông sản, thực phẩm. Đó cũng là nguyên nhân của tình trạng ngộ độc thực phẩm, làm giảm sức cạnh tranh của nông sản, hàng hoá trên thị trường thế giới.


 
Trong những năm qua, ngành nông nghiệp các tỉnh, thành phát triển theo hướng sản xuất hàng hoá, góp phần nâng cao đời sống cho nông dân. Tuy nhiên, việc lạm dụng các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) và các chất kích thích sinh trưởng để tăng năng suất, sản lượng cây trồng; việc xử lý các chất thải trong chăn nuôi và nước thải trong nuôi trồng thủy sản chưa triệt để đã và đang làm gia tăng mức độ ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng xấu tới sức khỏe cộng đồng cũng như sự phát triển bền vững của ngành.
 

 
Để hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường từ hoạt động sản xuất nông nghiệp, những năm qua, các cấp, các ngành và các địa phương trên cả nước đã triển khai thực hiện nhiều biện pháp như: Tổ chức tập huấn cho cán bộ kỹ thuật, dự báo viên BVTV ở cấp cơ sở về sử dụng thuốc BVTV, quản lý dịch hại tổng hợp trên lúa và rau màu. Đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn nông dân sử dụng đúng thuốc BVTV trong danh mục cho phép và thu gom, xử lý đúng cách bao bì thuốc BVTV sau khi sử dụng; xây dựng những mô hình trình diễn về sử dụng thuốc BVTV góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của nông dân trong sản xuất theo hướng nông nghiệp sinh thái bền vững, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.


 
Tại nhiều địa phương đã xây dựng mô hình thu gom rác thải sinh hoạt gắn với thu gom bao bì các loại thuốc BVTV đã sử dụng, từng bước khắc phục thói quen xả thải phế phẩm nông nghiệp bừa bãi.


 
 Để ngăn chặn, hạn chế việc đốt rơm, rạ sau thu hoạch, một số mô hình được nghiên cứu và triển khai như: sử dụng chế phẩm sinh học xử lý rơm, rạ, phụ phẩm ngay tại ruộng để trả lại lượng mùn, chất hữu cơ cho đất; mô hình trồng khoai tây trên đất hai lúa bằng phương pháp phủ rơm, rạ…
 


Về công tác bảo vệ môi trường (BVMT) trong chăn nuôi, các ngành chức năng thường xuyên phối hợp với các xã, thị trấn tổ chức đánh giá hiện trạng, tác động của ô nhiễm môi trường đối với phát triển kinh tế - xã hội và có biện pháp xử lý đối với các cơ sở chăn nuôi gây ô nhiễm; đồng thời vận động người dân đầu tư các nguồn lực để xây dựng mô hình chăn nuôi an toàn sinh học như nuôi lợn trên nền đệm lót sinh thái, sử dụng công nghệ khí sinh học biogas để xử lý chất thải, giảm ô nhiễm, nâng cao hiệu quả chăn nuôi; phổ biến rộng rãi việc sử dụng chế phẩm sinh học xử lý chất thải chăn nuôi để giảm mùi hôi thối, diệt khuẩn có hại và tăng khả năng phòng, chống dịch bệnh cho vật nuôi.
 


 
Trong lĩnh vực thủy sản, các Sở NN và PTNT tăng cường quản lý thức ăn, hóa chất, thuốc kháng sinh, chế phẩm sinh học sử dụng trong nuôi trồng thủy sản; hướng dẫn nông dân thực hiện nghiêm túc quy trình nuôi, nhất là quy trình chuẩn bị ao nuôi. Tại các địa phương phát triển nuôi thuỷ sản, nhiều CLB, hội nghề nghiệp được thành lập nhằm nâng cao trách nhiệm và tính cộng đồng trong việc BVMT nguồn nước vùng nuôi. Hiện nay, nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi gia súc, gia cầm và thủy sản theo quy trình VietGAP đã và đang được nhân rộng…
 


Quang Nam
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn