Thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm giảm thiểu ô nhiễm ở cơ sở chế biến thủy sản
23:46 - 28/05/2015
(MTNT) - Ngành thủy sản Việt Nam có một vai trò rất lớn trong nền kinh tế quốc dân, đóng góp cho GDP cả nước khoảng 4%. Trong cơ cấu nông - lâm - ngư nghiệp, thủy sản chiếm khoảng 20 - 22% tỷ trọng. Việt Nam đã đứng vào Top 10 nước xuất khẩu thuỷ sản lớn nhất thế giới.
Ảnh minh họa



Năm 2014, giá trị xuất khẩu thủy sản ước đạt 7,92 tỷ USD. Để đạt được kết quả trên, ngoài việc phát triển nuôi trồng và khai thác tự nhiên thuỷ sản, trong lĩnh vực chế biến cũng đã phát triển về cả số lượng và quy mô sản xuất. Hiện trên cả nước có hơn 600 cơ sở chế biến thuỷ sản với quy mô công nghiệp và hàng nghìn cơ sở chế biến gia công nhỏ lẻ, thủ công hộ gia đình với công suất chế biến khoảng gần 3 triệu tấn sản phẩm /năm.


Tuy nhiên, thực tế thời gian qua cho thấy, các hoạt động nuôi trồng thủy sản và chế biến thủy sản đã phát sinh các nguồn chất thải rắn, chất thải lỏng, khí thải gây ô nhiễm môi trường, với các nguồn thải chính như: Bùn thải trong quá trình nuôi trồng thủy sản (nuôi tôm công nghiệp, nuôi tôm thâm canh, nuôi cá tra công nghiệp…) chứa các nguồn thức ăn dư thừa thối rữa bị phân hủy, các loại hóa chất và thuốc kháng sinh, các loại khoáng chất Diatomit, Dolomit, lưu huỳnh đọng, các chất độc hại có trong đất phèn… Nguồn nước thải trong ngành chế biến thủy sản, chủ yếu được thải ra từ nước rửa nguyên liệu, sơ chế nguyên liệu, chế biến sản phẩm, các nguồn nước vệ sinh nhà xưởng sản xuất, nước rửa máy móc, dụng cụ trong các phân xưởng chế biến…
 

Sự phát triển mạnh mẽ về số lượng và quy mô sản xuất đã ảnh hưởng, tác động xấu đến môi trường và đời sống người dân xung quanh các cơ sở chế biến thuỷ sản (CBTS) là điều không thể tránh khỏi. Sản xuất càng phát triển tự phát, thiếu chiều sâu thì áp lực về vấn đề ô nhiễm môi trường  ngày càng cao, đòi hỏi trách nhiệm đối với vấn đề bảo vệ môi trường của nhà sản xuất, nhà quản lý ngày càng lớn.

 
Trong quá trình sản xuất, hàng năm, CBTS sử dụng khoảng 4 triệu tấn nguyên liệu, hàng chục triệu m3 nước và hàng nghìn tấn hoá chất tẩy rửa, khử trùng, môi chất lạnh,... với khối lượng chất thải rất lớn, đặc biệt là nước thải hữu cơ. Chất thải sinh hoạt trong nuôi trồng và chế biến thủy sản ước tính trung bình từ 0,5 đến một kg/ngày (đối với các trang trại doanh nghiệp).
 

Thành phần chủ yếu của chất thải này là thực phẩm chiếm khoảng 79,17%; giấy khoảng 5,18%; ni-lông, nhựa khoảng 6,84%…, chủ yếu là các thành phần hữu cơ dễ phân hủy. Do đó, có thể gây ra các tác động đến môi trường và nhiễm vi sinh trong quá trình phân hủy tạo ra. Bên cạnh đó, chất thải trong ngành chế biến thủy sản; nguồn khí thải từ các hệ thống lò hơi, máy phát điện, lò sấy có chứa nhiều thành phần độc hại khác nhau, là nguồn gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, cho nên cần phải được xử lý theo quy chuẩn môi trường quy định…
 

Để giải quyết triệt để vấn đề ô nhiễm môi trường trong CBTS tránh ảnh hưởng đến môi trường sống cũng như sức khỏe con người, cần thực hiện đồng bộ các giái pháp sau:
Cần tăng cường vai trò quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường (BVMT) của chính quyền các cấp; các cơ quan có liên quan trong việc thực thi Luật BVMT, đối với các cơ sở nuôi trồng và chế biến thủy hải sản. Đặc biệt, nâng cao năng lực thẩm định, báo cáo đánh giá tác động môi trường của các dự án đầu tư, cũng như tuân thủ nghiêm ngặt quy trình lập và thẩm định đánh giá tác động môi trường theo quy định của pháp luật.
 

Hoàn thiện cơ chế, chính sách ưu đãi về tài chính và đất đai, tập trung vào việc: Có cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư về công tác bảo vệ môi trường cho các cơ sở CBTS, nhất là đầu tư công nghệ xử lý chất thải theo hướng hiện đại. Dành riêng nguồn vốn cho các doanh nghiệp xây dựng hệ thống xử lý chất thải (nước thải, khí thải) với thời gian cho vay dài hạn, mức lãi thấp (hoặc không tính lãi).  Đối với các cơ sở CBTS (độc lập) nằm ngoài Khu công nghiệp, Khu CBTS tập trung được thành lập trước khi có luật bảo vệ môi trường ra đời (2005), Nhà nước cần ưu tiên cấp thêm đất để cơ sở xây dựng hệ thống xử lý nước thải; đồng thời giải quyết hợp lý một số tranh chấp đất đai giữa cơ sở với tổ chức/cá nhân khác hoặc cấp kinh phí di dời vào khu tập trung.

 
Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát các hoạt động BVMT của các doanh nghiệp, nhất là cần kiên quyết xử lý triệt để những hành vi vi phạm các quy định của Luật BVMT. Đồng thời, nâng cao nhận thức về BVMT cho các chủ đầu tư và các chủ doanh nghiệp…, nhằm tăng cường hiệu lực quản lý về BVMT đối với các cơ sở nuôi trồng và chế biến thủy sản. Bên cạnh đó, cần sớm ban hành Quy chuẩn về nước thải nuôi trồng thủy sản, vì hiện nay nuôi trồng thủy sản thuộc ngành Nông -Lâm – Ngư, nhưng lại áp dụng Quy chuẩn kỹ thuật về nước thải công nghiệp (QCVN 40:2011/BTNMT về nước thải công nghiệp). Đáng chú ý, việc nộp lệ phí BVMT đối với nước thải nuôi trồng thủy sản ở khu vực ĐBSCL hiện nay chưa được thực hiện một cách nghiêm túc…

 
Nghiên cứu sản xuất các chế phẩm sinh học để phân hủy nhanh hơn nước thải chế biến thủy sản phù hợp từng loại hình (nhất là nước thải cơ sở chế biến cá tra, surimi..) với giá thành hợp lý, thuận lợi trong sử dụng; đây là một trong những cơ sở để rút ngắn thời gian xử lý nước thải; nghiên cứu công nghệ xử lý nước thải phù hợp hơn cho từng loại hình chế biến nhằm giảm chi phí đầu tư xây dựng, vận hành hệ thống xử lý nước thải; nghiên cứu thiết kế, chế tạo thiết bị lọc khí thải cho cơ sở chế biến bột cá, cơ sở hàng thủy sản khô (nguyên tắc tháo rời để thuận lợi trong việc bảo dưỡng thay thế). Bên cạnh đó cần nâng cao trình độ KHKT cho các cán bộ làm công tác quản lý môi trường cơ sở.

 
Bên cạnh đó, công tác quy hoạch phát triển nuôi trồng thủy sản cần dựa trên cơ sở phân vùng sinh thái, phát triển hạ tầng kỹ thuật cấp thoát nước và xử lý chất thải đối với ngành nuôi trồng thủy sản công nghiệp, thâm, canh… để đáp ứng yêu cầu về vệ sinh môi trường, ngăn ngừa bệnh dịch và các quy chuẩn môi trường đã quy định. Đồng thời, các chủ đầu tư canh tác nuôi trồng và chế biến thủy sản phải tập trung đầu tư và vận hành các hệ thống thu gom tập trung, phân loại hợp lý chất thải rắn công nghiệp và sinh hoạt; quản lý lưu giữ và chuyển giao chất thải rắn nguy hại theo đúng quy định, cũng như phải có hệ thống xử lý nước thải tập trung, hệ thống xử lý khí thải đạt tiêu chuẩn về môi trường… Qua đó, góp phần bảo vệ sức khỏe cho người lao động tại các doanh nghiệp nuôi trồng và chế biến thủy sản và người dân trong khu vực ĐBSCL…

 
Cuối cùng, cần tăng cường nhận thức về trách nhiệm và nghĩa vụ tổ chức/cá nhân đối với công tác bảo vệ môi trường, nhất là các cơ sở CBTS để từng cơ sở tự giác chấp hành và thực hiện nghiêm các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường để phát triển sản xuất trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế một cách bền vững. Chính quyền địa phương cũng vào cuộc để tich cực tuyên truyền cho nhân dân địa phương theo dõi giám sát việc xả thải của các cơ sở sản xuất, nếu phát hiện cơ sở nào xả nước thải chưa xử lý ra môi trường kịp thời thông báo đến cơ quan quản lý môi trường. Các biện pháp tuyên truyền bảo vệ môi trường (tờ rơi, báo chí, truyền thông...) cũng cần được đa dạng hóa cho phù hợp, dễ hiểu, dễ nhớ.Tất cả vì một môi trường thật sự trong lành và vì sức khỏe của nhân dân./.
 
Thùy Dương
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn