Xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề Hà Nội: Cần tùy theo đặc thù của mỗi loại hình sản xuất
(MTNT)- Hà Nội có 1.350 làng nghề và làng có nghề, phân bố không đều, trong đó 309 làng nghề, làng nghề truyền thống đã được công nhận thuộc 23 quận, huyện, thị xã. Theo đánh giá, hầu hết các làng nghề đều chưa có hệ thống hạ tầng đạt yêu cầu, nhất là hệ thống cấp thoát nước thải thiếu đồng bộ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
|
Hầu hết các làng nghề đều chưa có hệ thống hạ tầng đạt yêu cầu, nhất là hệ thống cấp thoát nước thải thiếu đồng bộ gây ô nhiễm môi trường. |
Theo kết quả phân tích nguồn nước tại 292/1.350 làng nghề giai đoạn 2017-2020 của Sở NN&PTNT Hà Nội, có tới 139 làng nghề ô nhiễm nghiêm trọng (chiếm 47,6%), 95 làng nghề ô nhiễm (chiếm 32,5%), 58 làng nghề không ô nhiễm (chiếm 19,9%); tỷ lệ nước thải làng nghề được thu gom xử lý chỉ chiếm khoảng 5,2%...
Trong khi đó, kết quả phân tích mẫu nước, không khí, đất tại 228 làng nghề vừa được Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội công bố cho thấy: Về môi trường nước có 99 làng nghề ô nhiễm nghiêm trọng, 78 làng nghề ô nhiễm; môi trường không khí có 12 làng nghề ô nhiễm nghiêm trọng, 10 làng nghề ô nhiễm; môi trường đất có 6 làng nghề ô nhiễm nghiêm trọng...
Còn theo kết quả khảo sát tại 40 làng nghề của Trung tâm Quan trắc và Phân tích tài nguyên môi trường Hà Nội, hầu hết môi trường nước, không khí, đất đai của các làng nghề đã và đang bị ô nhiễm, thậm chí ô nhiễm ở mức báo động như làng nghề chế biến nông sản thực phẩm ở các xã: Kỳ Thủy, Thanh Lương, Cự Ðà, Bích Hòa (huyện Thanh Oai)… Phần lớn nước thải phát sinh từ quá trình tẩy rửa nguyên liệu, các khâu chế biến trong sản xuất chưa được thu gom, xử lý xả trực tiếp ra môi trường.
Tại các làng nghề chế biến nông sản thực phẩm ở các xã: Minh Khai, Dương Liễu, Cát Quế (huyện Hoài Đức) quá trình sơ chế nguyên liệu (củ dong, sắn…), do chỉ thu được 20% bột, nên cứ 100 tấn củ dong sau sơ chế, có tới 80 tấn đất, bã thải xả thẳng xuống cống rãnh. Mỗi ngày hàng trăm tấn bã thải và lượng nước thải sản xuất ước tính khoảng 7.000m3/ngày chưa qua xử lý được các hộ làm nghề xả thẳng vào hệ thống thoát nước chung trong khu dân cư. Thậm chí do quá tải, chất thải ứ đọng lâu ngày đã phân hủy, bốc mùi hôi thối, gây ô nhiễm nghiêm trọng môi trường, ảnh hưởng xấu đến đời sống người dân trong vùng. Dù đã có Nhà máy xử lý nước thải Cầu Ngà công suất 20.000m3/ngày đêm đi vào hoạt động nhưng cũng mới chỉ xử lý được một phần nước thải của 3 làng nghề này.
Còn tại thôn Nhân Hiền, xã Hiền Giang, huyện Thường Tín, nơi nổi tiếng với nghề chạm khắc tượng phật, phù điêu, đồ trang trí trong chùa thì vấn đề thiếu mặt bằng sản xuất đang khiến các cơ sở vừa không thể phát triển, vừa gây ra ô nhiễm tiếng ồn, bụi bặm ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân.
Ðối với việc xử lý chất thải chăn nuôi, mặc dù các hầm khí sinh học biogas được xây dựng theo quy chuẩn, nhưng hệ thống này chỉ phát huy đối với các cơ sở chăn nuôi dưới 100 con. Với các trang trại chăn nuôi lớn, hệ thống bị quá tải, lượng nước thải ra môi trường không bảo đảm...
Song song với đó, hiện 70 cụm công nghiệp đang hoạt động trong đó mới chỉ có 26 đã có hệ thống xử lý nước thải, 11 đang tiến hành triển khai xây dựng, dự kiến hoàn thành và đi vào hoạt động vào năm 2021, còn lại 33 chưa xây dựng. Đối với các đơn vị vào sản xuất trong cụm công nghiệp này tuy đã có hệ thống xử lý nước thải của hộ gia đình nhưng hệ thống xử lý đơn giản, phần lớn mang tính chất đối phó với cơ quan quản lý, dẫn đến nước thải chưa được xử lý cơ bản đã xả thải trực tiếp ra môi trường. Báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy, hàm lượng các chất ô nhiễm với các chỉ số COD, BOD5 hay tổng số vi khuẩn Coliform trong nước thải làng nghề đều vượt tiêu chuẩn cho phép hàng chục lần, cá biệt, có nơi lên tới hàng trăm, ngàn lần khiến hệ thống nước mặt cũng như nước ngầm tại các làng nghề Hà Nội rơi vào tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng trong nhiều năm qua.
Bên cạnh đó, chất thải rắn làng nghề phát sinh trong quá trình sản xuất như: Sản xuất đồ thủ công mĩ nghệ, tái chế phế liệu (tái chế kim loại, tái chế giấy, tái chế nhựa…), dệt may, đồ da, sản xuất gốm sứ và vật liệu xây dựng… Việc phân loại rác thải rắn ở các làng nghề để tái sử dụng không được thực hiện triệt để, mà được vận chuyển về khu xử lý chất thải Nam Sơn (huyện Sóc Sơn) hoặc Xuân Sơn (thị xã Sơn Tây) để xử lý. Do giá thu gom rác thải công nghiệp nguy hại khá cao từ 2.000 - 4.000 đồng/kg, nên vẫn còn hiện tượng người dân đổ trộm hoặc tự ý đốt bỏ rác thải ở một số nơi, gây ô nhiễm môi trường và mất cảnh quan khu vực nông thôn.
Tại xã Hòa Bình, huyện Thường Tín - nơi mà nghề chế tác các sản phẩm từ xương và sừng động vật đã tồn tại gần 650 năm, bầu không khí lúc nào cũng đặc quánh bụi và hôi nồng nặc do việc chế tác của các xưởng sản xuất gây ra. Không gian sản xuất chật hẹp giữa khu dân cư đông đúc, trong khi đó, chất thải không được thu gom, xử lý theo hệ thống riêng biệt mà chủ yếu đốt thủ công để tiêu hủy.
Tại làng nghề xã Vân Từ (huyện Phú Xuyên) có tới gần 1.000 hộ sản xuất quần áo, hằng ngày thải ra môi trường 700-800kg rác thải công nghiệp (vải vụn). Theo quy định, chất thải này phải được thu gom riêng, nhưng do phí thu gom cao nên nhiều hộ dân tự xử lý bằng cách đốt hoặc chôn lấp.
Nguyên nhân chính của tình trạng trên, theo các chuyên gia là do các làng nghề nhìn chung có quy mô nhỏ, trình độ sản xuất thấp, thiết bị cũ và công nghệ lạc hậu. Trên 70% số làng nghề nằm xen kẽ tại các khu dân cư, khiến tình trạng ô nhiễm nước thải tại các làng nghề tiếp tục gia tăng. Kết cấu hạ tầng nông thôn như đường, cống, rãnh thoát nước thải không đáp ứng được nhu cầu phát triển sản xuất… dẫn đến nhiều làng nghề bị ô nhiễm nghiêm trọng, tác động trực tiếp đến đời sống thủy sinh vật cũng như môi trường sống của cộng đồng, mà trước tiên người dân làng nghề phải gánh chịu hậu quả. Ngoài ra, cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư cho hoạt động môi trường còn thiếu nên chưa hấp dẫn doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này; công tác quản lý nhà nước về môi trường tại địa phương cũng còn nhiều hạn chế...
Nhằm giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường do hoạt động sản xuất làng nghề, theo kế hoạch của Sở Công Thương Hà Nội, từ nay đến năm 2030, Hà Nội sẽ dành khoản kinh phí trị giá 1.350 tỉ đồng để xử lý ô nhiễm môi trường các làng nghề. Đồng thời, thành phố Hà Nội đã ban hành nhiều chính sách như: Hỗ trợ 100% kinh phí để xây dựng công trình trạm xử lý chất thải đầu mối của khu thu gom xử lý chất thải tập trung, khu tập kết chất thải rắn; đề án “Bảo vệ môi trường làng nghề trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030”, trong đó xác định bố trí kinh phí từ ngân sách xử lý ô nhiễm môi trường tại các làng nghề truyền thống. Ðồng thời, xây dựng nhà máy xử lý nước thải làng nghề tại các huyện: Hoài Ðức, Thanh Oai, Mỹ Ðức, Phú Xuyên... với công nghệ xử lý sinh học khép kín và dây chuyền thiết bị tự động hóa được nhập khẩu từ các nước châu Âu... Ngoài ra, thành phố cũng đặt hàng các nhà khoa học triển khai các công trình nghiên cứu xử lý chất thải tại các làng nghề.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc xử lý ô nhiễm chưa hiệu quả dù có đầu tư lớn. Cụ thể, như huyện Hoài Đức, Hà Nội, năm 2002, xã Minh Khai đã đưa vào sử dụng công trình xử lý nước thải, công suất 120 m3/ngày, đêm nhưng lại đặt sai vị trí nên đành phải “đắp chiếu” ngay sau đó; Dự án xây dựng Nhà máy xử lý nước thải xã Sơn Đồng có tổng mức đầu tư 231,5 tỉ đồng, thực hiện đầu tư trong thời gian 2014 - 2016, song đến nay vẫn ở giai đoạn thi công; Nhà máy xử lý nước thải tập trung Cầu Ngà, xã Dương Liễu, công suất thiết kế 20.000 m3/ngày, đêm được đưa vào vận hành vào tháng 10/2016 để xử lý nước thải làng nghề của các xã Dương Liễu, Minh Khai và Cát Quế nhưng mới chỉ xử lý được một phần nước thải của 3 làng nghề này.
Bên cạnh đó, mỗi làng nghề cũng có cách “giải bài toán” ô nhiễm môi trường riêng, phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội địa phương. Tiêu biểu như huyện Phúc Thọ đã “khâu nối” các doanh nghiệp và hộ sản xuất tại các làng nghề để thu gom rác thải theo hướng “hai bên cùng có lợi”. Cụ thể, doanh nghiệp đã thu mua mùn cưa tại xã có nghề mộc như: Hát Môn, Long Xuyên; thu mua vải vụn tại làng nghề may xã Tam Hiệp… nên hạn chế được tình trạng người dân đốt, đổ trộm phế thải nơi công cộng. Với làng nghề thu mua đồng nát xã Võng Xuyên, chính quyền địa phương đã tuyên truyền vận động người dân không mua, bán, vứt phế liệu ra môi trường.
Việc ứng dụng công nghệ sạch cũng đang là hướng đi để bảo vệ môi trường và phát triển làng nghề bền vững. Điển hình như làng gốm Bát Tràng đã thay lò nung gốm bằng than chuyển sang nung gốm bằng lò gas. Việc sử dụng lò gas để nung sản phẩm gốm vừa chủ động điều chỉnh được nhiệt độ trong quá trình nung gốm nâng cao chất lượng sản phẩm, đặc biệt việc thay thế than bằng gas đã giảm ô nhiễm, độc hại đáng kể cho cả vùng. Giới chuyên gia nhận định, việc sử dụng công nghệ đốt gas để nung sản phẩm gốm sứ tại Bát Tràng đã giúp các hộ sản xuất giảm tỷ lệ tiêu hao năng lượng trên một đơn vị sản phẩm tới 30%. Lợi nhuận cũng tăng gấp 2-3 lần so với công nghệ cũ, các hộ không chỉ tiết kiệm được chi phí năng lượng, mà công nghệ mới còn giúp tăng tỷ lệ sản phẩm ra lò đạt tiêu chuẩn chất lượng tới 95% so với mức 60-70% trước kia và giảm phát thải các chất ô nhiễm không khí ra môi trường. Từ đó, không chỉ đời sống kinh tế của các hộ dân ngày càng nâng cao mà môi trường làng nghề cũng được cải thiện đáng kể. Hay như làng nghề truyền thống bún Phú Đô cũng đang dần áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, loại bỏ lò than, thay thế bằng các thiết bị dây chuyền sản xuất hiện đại nhằm tăng năng suất đã cho thấy hiệu quả rõ rệt, giảm thiểu ô nhiễm môi trường làng nghề, sức khỏe người dân được đảm bảo.
Có thể thấy, hoạt động của các làng nghề giữ vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế của mỗi địa phương, tạo công ăn việc làm cho người lao động. Tuy nhiên vấn đề bảo vệ môi trường làng nghề cần tùy theo đặc thù của mỗi loại hình sản xuất để tìm những giải pháp phù hợp giúp các làng nghề phát triển theo hướng bền vững.