Bảo vệ môi trường biển bền vững
09:40 - 09/11/2020
(MTNT) -Biển đóng vai trò hết sức quan trọng đối với sự tồn tại và phát triển của đất nước. Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của các hoạt động kinh tế liên quan đến biển thì môi trường sinh thái biển cũng đang đứng trước nguy cơ ô nhiễm trầm trọng.
Nhằm giải quyết vấn đề ô nhiễm biển có nguồn gốc từ biển và từ đất liền, phải ngăn chặn  tình trạng ô nhiễm và suy thoái môi trường nghiêm trọng tại các điểm, khu vực, vùng bị ô nhiễm



Chúng ta đã và đang chứng kiến những thay đổi quan trọng của môi trường biển dưới sự tác động của cả tự nhiên và con người. Đó là các tác động của biến đổi khí hậu và biến đổi đại dương với các biểu hiện cực đoan như gia tăng bão biển, lũ lụt ven biển, nước biển dâng, axit hóa nước biển, ô nhiễm và các sự cố môi trường… xảy ra dầy hơn, khốc liệt hơn và bất quy luật.


Môi trường sinh thái biển Việt Nam tiếp tục suy giảm, tính đa dạng sinh học nhất là vùng ven bờ ngày càng bị đe dọa. Rừng ngập mặn bị tàn phá nghiêm trọng. 90% rạn san hô bị đe dọa hủy hoại. Khoảng 85 loài hải sản trong tình trạng nguy cấp ở nhiều mức độ khác nhau, trong đó 70 loài đã được đưa vào Sách Đỏ Việt Nam.


Những năm gần đây tại các tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận, Khánh Hòa đã xảy ra hiện tượng thủy triều đỏ gây thiệt hại lớn cho ngành nuôi trồng thủy sản. Chưa kể ô nhiễm không khí cũng có tác động mạnh mẽ tới môi trường sinh thái biển, bởi nồng độ khí cacbonnic trong không khí gia tăng sẽ làm lượng cácbonnic trong nước biển tăng, dẫn đến thay đổi môi trường sống của các loài thực vật biển…


Những năm qua, các cơ quan quản lý nhà nước đã có nhiều nỗ lực trong xây dựng cơ sở pháp lý cho việc thúc đẩy quá trình bảo vệ môi trường, tài nguyên biển.


Tinh thần đó thể hiện rõ trong Luật Bảo vệ môi trường; Luật Thủy sản, Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo cũng như nhiều văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành luật.


Ðặc biệt, Nghị định số 38/2015/NÐ-CP của Chính phủ về quản lý chất thải và phế liệu, là cơ sở pháp lý quan trọng nhất liên quan đến hoạt động quản lý, xử lý rác thải nhựa nói chung và trên biển nói riêng.


Tuy nhiên, tình trạng ô nhiễm môi trường biển vẫn diễn ra phổ biến như ở xã Ngư Lộc (huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa). Chính quyền địa phương đã vận động người dân chung tay bảo vệ môi trường, khuyến khích ngư dân sử dụng thùng đựng rác trên các hành trình khai thác, rồi mang về tập kết để xử lý, nhưng không phải ai cũng chấp hành.


Tại tỉnh Ninh Thuận, ở các khu vực ven biển như xã Phước Diêm, Cà Ná (huyện Thuận Nam), Mỹ Tân (huyện Ninh Hải), Mỹ Ðông (thành phố Phan Rang - Tháp Chàm), trên nhiều tuyến đường, bờ biển, cảng cá luôn ngập rác thải. Mặc dù các đơn vị chức năng đã tổ chức thu gom song do một bộ phận người dân thiếu ý thức nên tình trạng xả rác bừa bãi vẫn diễn ra.


Điển hình là Vườn quốc gia Cát Bà với 5.400ha mặt nước, được coi là khu bảo tồn biển đầu tiên của Việt Nam với nhiều khu dự trữ tài nguyên sinh thái biển lớn. Nhưng từ một hòn đảo khá đẹp và trong lành, Cát Bà đã dần dần bị biến thành một hòn đảo “tạp” kể từ khi được đưa vào khai thác du lịch và nuôi trồng thủy sản.


Những khu du lịch, những khu nuôi cá lồng bè, khu đánh bắt cá... tất cả đều được quy hoạch không thể khác hơn là nằm chình ình trên mặt biển. Theo thống kê, mỗi ngày có hàng nghìn tấn rác được đổ trực tiếp xuống biển và thực tế đã tạo ra những vùng “biển chết” cục bộ.


Ô nhiễm chẳng những làm mất vẻ đẹp của cảnh quan biển và trên bờ mà còn làm suy giảm các chất khoáng của đất, tàn phá hệ sinh thái tự nhiên ven biển, hải đảo, đồng thời làm nghèo kiệt các loài sinh vật. Hơn thế các chất ô nhiễm đó lại được các loài cá tôm ăn vào, mang trong mình mầm bệnh, rồi con người ăn phải, dẫn đến nguy cơ mắc phải nhiều bệnh, thậm chí bệnh ung thư.


Hiện một số địa phương đã tổ chức tốt các chương trình huy động sự vào cuộc của cả cộng đồng như chiến dịch “Hãy làm sạch biển” của tỉnh Quảng Ninh hay, chiến dịch “Hành động địa phương, tác động toàn cầu” ở Nghệ An. Mỗi năm, Thanh Hóa cũng đều phát động Lễ ra quân “Hãy làm sạch biển”...


Ngoài ra, cũng có nhiều tổ chức đứng ra thực hiện các dự án với cùng mục tiêu nói trên. Tuy nhiên, để bảo vệ môi trường biển, những chương trình hoạt động nói trên cần phải được tiến hành thường xuyên, bền bỉ để tạo hiệu ứng lan tỏa lâu dài, giúp người dân có sự thay đổi nhận thức sâu sắc và lựa chọn hành động đúng.


Thời gian tới từ các cơ quan chức năng, tổ chức xã hội tới mỗi cá nhân sinh sống ở biển và du lịch biển cần nâng cao ý thức trong việc bảo vệ môi trường. Hãy ngừng ngay việc xả rác bừa bãi, khai thác tràn lan, nhặt rác và dọn rác để giữ gìn biển cho hôm nay và mai sau.


Đồng thời, cần tuyên truyền để người dân hiểu được rằng bảo vệ môi trường biển chính là bảo vệ đời sống của họ, nguồn lợi kinh tế của cộng đồng. Mỗi người đều phải có trách nhiệm trong việc giữ gìn môi trường từ những sinh hoạt, lao động hằng ngày, chứ không phải chỉ thực hiện trong các đợt phát động.


Để giải quyết vấn đề ô nhiễm biển có nguồn gốc từ biển và từ đất liền, phải ngăn chặn được tình trạng ô nhiễm và suy thoái môi trường nghiêm trọng tại các điểm, khu vực, vùng bị ô nhiễm; đồng thời chú trọng công tác phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm đối với các hoạt động du lịch, hàng hải, khai thác dầu khí, khoáng sản, thủy sản… tại các tỉnh, thành phố có biển.


Quang Sơn


Nguồn:
https://baohaiquanvietnam.vn/tin-tuc/bao-ve-moi-truong-bien-huong-toi-su-phat-trien-ben-vung
https://baodantoc.vn/bao-ve-moi-truong-bien-38302.htm
https://nhandan.com.vn/chuyen-de-cuoi-tuan/vai-tro-cua-cong-dong-trong-bao-ve-moi-truong-bien-580728/

Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn