|
Các địa phương đã có nhiều giải pháp thiết thực vận động người dân thay đổi nhận thức, nâng cao ý thức, trách nhiệm với công tác bảo vệ môi trường |
Xây dựng nông thôn thân thiện với môi trường là 1 trong 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng sống của người nông dân. Trong 19 tiêu chí qui định theo Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM, vấn đề môi trường thuộc tiêu chí 17.
Trong đó, có nói đến 5 nội dung, đó là: Tỷ lệ được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh theo quy chuẩn quốc gia; các cơ sở sản xuất kinh doanh đạt tiêu chuẩn về môi trường; không có các hoạt động gây suy giảm môi trường và có các hoạt động phát triển môi trường xanh, sạch, đẹp; nghĩa trang được xây dựng theo quy hoạch; chất thải, nước thải được thu gom và xử lý theo quy định.
Tuy nhiên, với thực trạng ô nhiễm môi trường ở nông thôn như hiện nay, đây là tiêu chí khó thực hiện trong bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Bởi lẽ, đây là vấn đề lớn của cả nước nhất là đối với một nước nông nghiệp, đòi hỏi ý thức cao của người dân, sự quan tâm vào quộc quyết liệt của chính quyền, kinh phí đầu tư lớn, chế tài xử lý đủ sức răn đe...
Tại nhiều nơi, người dân nông thôn vẫn không có thói quen gom rác lại để xử lý. Chất thải chăn nuôi bị đẩy ra cống rãnh. Cùng với hệ thống nhà vệ sinh tự hoại, nước thải sinh hoạt cũng chảy theo ra cống rãnh gây ô nhiễm nguồn nước mặt, ao hồ, lâu dần ngấm xuống làm ô nhiễm nguồn nước ngầm.
Rác thải sau khi thu gom chưa được xử lý đúng cách, mới chỉ dừng lại ở việc đốt rác, gây ô nhiễm không khí. Vẫn còn một lượng không nhỏ các loại vỏ lọ hóa chất thuốc bảo vệ thực vật bị vứt ngoài bãi rác, mà chưa có cách gì để xử lý triệt để.
Tại các làng nghề ở nông thôn, nguồn nước thải chưa được xử lý vẫn xả ra môi trường, gây ô nhiễm không chỉ khu vực làng nghề mà còn ảnh hưởng nhiều đến các làng xung quanh.
Rồi theo dòng chảy tự nhiên đem ô nhiễm đi rất xa, ảnh hưởng cả một vùng. Đó là chưa kể đến thói quen thả rông trâu bò, chó… và chất thải của các động vật này vẫn còn nhiều ở ngoài đường, trong các khu vực công cộng…
Tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh theo quy chuẩn quốc gia trên địa bàn nông thôn chưa bảo đảm yêu cầu, tỷ lệ đạt thấp. Ranh giới giữa nước sạch và nước hợp vệ sinh còn chưa rõ ràng, nhiều xã mới chỉ đạt tiêu chuẩn nước hợp vệ sinh chứ chưa đạt tiêu chuẩn nước sạch.
Các hộ chăn nuôi gia đình dù đã xử lý môi trường nhưng vẫn không triệt để gây thất thoát xả thải ra môi trường; đó còn chưa kể đến những doanh nghiệp vì lợi nhuận mà “bán rẻ lương tâm”, bất chấp tính mạng và sức khỏe của người dân, còn có hành vi che giấu sai phạm gây hậu quả nghiêm trọng.
Mặt khác, các cơ sở sản xuất kinh doanh đa phần nhỏ lẻ, vốn ít, công nghệ lạc hậu, việc xử lý môi trường là tự phát, chưa có báo cáo đánh giá tác động môi trường; các làng nghề chưa được quy hoạch, gây ô nhiễm môi trường; ý thức của chủ doanh nghiệp chưa cao, còn tư tưởng chạy theo lợi nhuận... là những nguy cơ gây ảnh hưởng đến môi trường.
Thêm vào đó, việc quan tâm quy hoạch nghĩa trang đạt chuẩn, tăng cường trồng cây xanh để giảm thiểu ảnh hưởng đến môi trường; mỗi xã cần phải có nơi thu gom, xử lý nước thải, chất thải, biết rằng, đây là vấn đề khó thực hiện triệt để do quỹ đất cũng như kinh phí hạn hẹp.
Ngoài ra, do thiết bị, công nghệ trong sản xuất công nghiệp, làng nghề, tiểu thủ công nghiệp... còn lạc hậu và thủ công, khu vực sản xuất, kinh doanh hầu như chưa có các công trình xử lý nước thải nên hậu quả về ô nhiễm môi trường mỗi ngày thêm gia tăng.
Hiệu quả của công tác kiểm tra, giám sát các hoạt động của doanh nghiệp về bảo vệ môi trường chưa cao, chưa xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật trong công tác quản lý, bảo vệ môi trường...
Mặt trái và hệ lụy của quá trình đô thị hoá tăng nhanh đã tác động rất lớn đến môi trường và biến đổi khí hậu, trong đó không thể tránh khỏi việc môi trường sống của con người đang bị đe dọa, suy thoái nghiêm trọng bởi ô nhiễm từ các chất thải, nước thải của các khu công nghiệp, làng nghề, khu dân cư...
Vì vậy, việc xây dựng nông thôn mới đặt ra mục tiêu, tiêu chí cho các vùng nông thôn cũng vừa là thách thức vừa là động lực, là cơ hội để bộ mặt nông thôn khởi sắc trên đà phát triển. Song, vấn đề cốt lõi là suy nghĩ và hành xử đúng mực của con người đối với thiên nhiên, môi trường.
Trước kia, công tác bảo vệ môi trường nông thôn trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng còn nhiều bất cập do chưa kiểm soát được việc xử lý bao bì, thuốc bảo vệ thực vật; tỷ lệ thu gom rác thải ở nông thôn còn thấp…
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, các địa phương đã có nhiều giải pháp thiết thực vận động người dân thay đổi nhận thức, nâng cao ý thức, trách nhiệm với công tác bảo vệ môi trường, chung sức cùng cộng đồng góp phần cải tạo cảnh quan, nâng cao chất lượng môi trường sống.
Xác định môi trường là một trong những tiêu chí quan trọng, có ý nghĩa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao chất lượng đời sống của người dân, thời gian qua, huyện Mỹ Xuyên đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp để tăng cường chỉ đạo có hiệu quả công tác bảo vệ môi trường.
Theo đó, Huyện ủy, UBND huyện đã ban hành các nghị quyết chuyên đề, đề án bảo vệ môi trường, các chương trình hành động, xây dựng kế hoạch bảo vệ môi trường hàng năm để triển khai đến các đơn vị.
Cùng với đó, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể huyện tăng cường các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới bằng nhiều hình thức khác nhau, như: Phổ biến trên hệ thống loa truyền thanh, lắp đặt panô, khẩu hiệu, tổ chức thực hiện các mô hình như: “Trồng hoa thay thế cỏ dại ven đường”, “Thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật trên các cánh đồng”, “Tuyến đường nông thôn mới kiểu mẫu”... Đến nay, 10/10 xã của huyện Mỹ Xuyên đã đạt tiêu chí môi trường.
Tại thị xã Ngã Năm, công tác thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt tập trung được thực hiện thường xuyên. Cơ sở sản xuất, kinh doanh có hồ sơ cam kết bảo vệ môi trường trên địa bàn thị xã đạt 100%.
Bên cạnh đó, cảnh quan môi trường được quan tâm chỉnh trang, phát động các phong trào vận động người dân chỉnh trang nhà ở, làm hàng rào, trồng cây xanh, hoa kiểng dọc các tuyến đường.
Việc thực hiện tiêu chí số 17 về môi trường và an toàn thực phẩm đòi hỏi sự tham gia tích cực của người dân để đạt hiệu quả cao. Do đó, công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia xây dựng nông thôn mới được các địa phương chú trọng thực hiện. Khi nhận thấy phong trào bảo vệ môi trường mang lại lợi ích thiết thực, người dân đã tự giác, tích cực chung sức tham gia thực hiện các biện pháp nâng cao hiệu quả bảo vệ môi trường.
Tại nhiều nơi, ý thức về môi trường của người dân đã có những bước chuyển biến đáng kể, nhiều hộ dân đã xem việc vệ sinh đường sá, trồng cây, trồng hoa, cải tạo cảnh quan môi trường... là việc cần làm với sự tự nguyện và tinh thần trách nhiệm cao.
Có thể thấy, việc xây dựng cảnh quan môi trường ngày càng xanh - sạch - đẹp đã mang đến luồng sinh khí mới cho nhiều địa phương. Khi người dân đồng lòng cùng thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường, thay đổi thói quen không vứt rác bừa bãi thì môi trường nông thôn sẽ trong lành hơn, góp phần xây dựng nông thôn mới tại các địa phương.
Mai Thao
Nguồn:
http://danvan.vn/Home/Ve-sinh-ca-nhan-va-ve-sinh-moi-truong/5690/Xay-dung-Nong-thon-moi-gan-voi-bao-ve-moi-truong
http://baosoctrang.org.vn/xay-dung-nong-thon-moi/bao-ve-moi-truong-trong-xay-dung-nong-thon-moi-40438.html