|
Thuốc và hóa chất phân hủy không hết, tồn tại trong môi trường nước cũng làm ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển của cá nuôi. |
Tại tỉnh Quảng Ninh, đối với các lồng nuôi thủy sản công nghiệp, chất thải trong quá trình nuôi có thể chứa đến trên 45% nitrogen và 22% các chất hữu cơ khác. Đây là điều kiện thuận lợi để tảo độc phát triển. Bên cạnh đó, vật liệu phao xốp ở các khu nuôi thủy sản tập trung trên biển cũng là một trong những yếu tố gây ô nhiễm môi trường bởi đặc tính không phân hủy, dễ phân tán, vỡ hỏng. Hiện toàn tỉnh có khoảng 14.506 ô lồng bè nuôi thủy sản tại các vùng nuôi tập trung. Trong đó, phao xốp là vật liệu phổ biến (chiếm khoảng 50% số lượng lồng nuôi), còn lại sử dụng các vật liệu thay thế. Thực tế, theo số liệu của Ban quản lý Vịnh Hạ Long, 6 tháng đầu năm 2020, riêng trong vùng vịnh, số lượng rác thu gom được là hơn 350 tấn, đa số là phao xốp.
Ở ĐBSCL, môi trường đất, nước và các hệ sinh thái trong phát triển nghề nuôi thủy sản đang bị biến đổi gây suy thoái, ô nhiễm môi trường. ĐBSCL là vùng tập trung nhiều loại đất phèn tiềm tàng (pyrite FeS2) và phèn hoạt động (jarosite (K/Na.Fe3/Al3(SO4)2(OH)6). Khi bị đào đắp ao nuôi thủy sản, đào kênh rạch cấp và thoát nước, vệ sinh ao nuôi sau mùa thu hoạch đã làm cho tầng phèn tiềm ẩn bị tác động bởi quá trình ôxy hóa, diễn ra quá trình lan truyền phèn rất mãnh liệt làm giảm độ pH môi trường nước, gây ô nhiễm môi trường và dịch bệnh trên tôm, cá.
Các nguồn thải ra sông rạch đã tác động làm cho môi trường nước bị biến đổi. Chất lượng nước trong các ao nuôi thủy sản gồm cá nước ngọt, nuôi tôm ven biển, đặc biệt là trong các mô hình nuôi công nghiệp đã cho thấy dấu hiệu ô nhiễm hữu cơ (BOD, COD, nitơ, phốt pho cao hơn tiêu chuẩn cho phép), có sự xuất hiện các thành phần độc hại như H2S, NH3+, chỉ số vi sinh Coliforms, đã cho thấy nguồn nước thải này cần phải được xử lý triệt để trước lúc thải ra sông rạch. Số liệu quan trắc môi trường nước trên sông rạch khu vực ĐBSCL cũng đã cảnh báo nguy cơ ô nhiễm môi trường nước sông rạch ở vùng này là rất lớn.
Tại các vùng nuôi cá tra, cá basa, thức ăn thừa được coi là nguyên nhân chính gây ô nhiễm môi trường và gây bệnh cho cá. Bên cạnh đó, thuốc và hóa chất phân hủy không hết, tồn tại trong môi trường nước cũng làm ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển của cá nuôi. Việc cấp nước vào ao thay nước cho cá trong suốt quá trình nuôi cũng mang vào ao một lượng phù sa lớn, nhất là thời điểm mùa lũ, nước xấu.
Theo các nhà khoa học, trung bình 1 ha nuôi cá đạt 300 tấn cá tra và phải dùng 450 – 480 tấn thức ăn. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 75% lượng thức ăn được cá sử dụng, phần còn lại là thức ăn thừa, thối rữa lắng đọng xuống đáy ao (nuôi ao đất) hoặc các con sông. Lượng thức ăn thừa kết hợp với chất thải của cá nếu không được xử lý tốt sẽ gây ảnh hưởng không chỉ với cá nuôi mà còn tác động rất lớn đến môi trường sinh thái.
Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) cho biết, 9 tháng đầu năm 2020 đã giao cho Viện Nghiên cứu Nuôi thủy sản II phối hợp với các tỉnh ĐBSCL triển khai quan trắc môi trường tại 37 điểm vùng nuôi tôm nước lợ thuộc 5 tỉnh: Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau. Kết quả quan trắc cho thấy, tần suất các thông số nhiệt độ, pH, DO, độ mặn, độ kiềm, nitrite, ammonia, phosphate, TSS, COD, Vibrio sp., Vibrio parahaemolyticus vượt giá trị cho phép trên vùng quan trắc phục vụ nuôi tôm nước lợ tập trung lần lượt là 8%, 2,5%, 38,5%, 2,5%, 2,0%, 36%, 24,5%, 2,5%, 54%, 14%, 45%, 73,5% và trên vùng nuôi tôm phục vụ xuất khẩu là 5,9%, 7,0%, 48,5%, 1,8%, 0,4%, 35,7%, 35,4%, 15,8%, 59,6%, 13,2%, 37,5%.
Tổng cục Thủy sản lưu ý, lưu vực được quan trắc thuộc tỉnh Cà Mau có thông số ammonia, phosphate và nitrite cao hơn giới hạn cho phép, có hiện tượng ô nhiễm hữu cơ. Các điểm quan trắc thuộc Bạc Liêu có hàm lượng TSS tăng rất cao đồng thời hàm lượng oxy hoà tan thấp. Các thông số chỉ thị ô nhiễm dinh dưỡng và hữu cơ như: Ammonia, nitrite, phosphate, COD và các thông số vi sinh như Vibrio tổng số, Vibrio parahaemolyticus thường xuyên cao hơn giới hạn cho phép tại Cà Mau và Bạc Liêu. Hầu hết các chất chỉ thị ô nhiễm cao tập trung trong khoảng thời gian từ tháng 6-9. Các thuỷ vực thuộc Bạc Liêu trong mùa gió chướng có xói lở bờ bao gây ô nhiễm cục bộ, các thuỷ vực thường xuyên có làm lượng TSS và các chất chỉ thị ô nhiễm cao.
Trong năm 2020, Chi cục Thủy sản tỉnh Bạc Liêu triển khai quan trắc cảnh báo môi trường tại các vùng nuôi tôm trọng điểm của tỉnh và vùng đệm Công ty Việt Úc Bạc Liêu với tổng số tuyến kênh được chọn thu mẫu là 14 và 8 ao đại diện cho vùng nuôi. Thời gian quan trắc từ tháng 3, đến nay đã thu 113 mẫu nước kênh cấp và 64 mẫu nước ao nuôi đại diện của các vùng. Kết quả quan trắc cho thấy: Đối với kênh cấp, các chỉ tiêu NH4+, COD, độ mặn, DO, TSS, Vibrio parahaemolyticus của 5/8 tuyến kênh thường xuyên vượt giới hạn cho phép. Đối với ao đại diện các chỉ tiêu COD, Vibrio tổng số, Vibrio parahaemolyticus thường xuyên vượt ngưỡng cho phép.
Tại Phú Yên, thời gian gần đây, việc bảo vệ môi trường nước trong hoạt động nuôi thuỷ sản đang bị “bức tử” bởi rác thải từ hoạt động sản xuất, nuôi thủy sản của các hộ dân; ngoài ra, một lượng lớn rác thải nhựa trôi dạt vào bãi biển, khiến cho môi trường vùng nuôi ngày càng thêm ô nhiễm. Không những thế, mỗi ngày có hàng ngàn tấn thức ăn cho tôm thả xuống các vùng nuôi khiến môi trường nước không chỉ tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm mà còn sản sinh vi khuẩn đe dọa môi trường sống của nhiều loại thủy sản tự nhiên khác.
Để khắc phục tình trạng trên, các địa phương cần đẩy mạnh và nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về hoạt động nuôi thủy sản. Bên cạnh đó, tăng cường công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên, môi trường, đặc biệt là tại các vùng nuôi thủy sản tập trung; có biện pháp quản lý các nguồn xả thải như rác sinh hoạt, chất thải từ vùng nuôi, các ao hồ nuôi thủy sản; xử lý nghiêm các hành vi đổ chất thải không đúng nơi quy định… Cùng với đó, tiến hành khảo sát, điều tra, đánh giá hiện trạng sử dụng đất khu vực nuôi thủy sản và khu vực sinh sống của một bộ phận dân cư, khu vực gắn liền với sinh kế của người dân…
Ngoài ra, cũng cần nâng cao năng lực quản lý, thu gom, xử lý chất thải rắn. Nhất là tổ chức các hoạt động thu gom chất thải phát sinh từ hoạt động nuôi thủy sản. Công tác quan trắc môi trường ở các vùng nuôi thủy sản cũng phải đẩy mạnh nhằm tăng tần suất và mật độ lấy mẫu nước, tăng cường trao đổi thông tin về kết quả quan trắc chất lượng môi trường phục vụ công tác cảnh báo kịp thời cho người nuôi thủy sản.
Đồng thời, phát triển các nguồn sinh kế thay thế cho cộng đồng vốn sống dựa vào nguồn lợi tự nhiên; khuyến khích cộng đồng địa phương chuyển sang các nghề ít gây hại để bảo vệ các loài thủy, hải sản quan trọng như: Cá, tôm, nghêu, sò huyết… để bảo tồn đa dạng sinh học và nguồn lợi thủy hải sản phát triển bền vững. Cùng với đó, đẩy mạnh công tác quản lý, tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ môi trường vùng nuôi trồng thuỷ sản; không khai thác thủy sản thuộc danh mục cấm khai thác…