(MTNT)- Thời gian qua, việc xử lý rác thải sinh hoạt trong tỉnh bằng công nghệ tiên tiến chưa được thực hiện, chủ yếu vẫn là chôn lấp (chiếm gần 90%, 10% còn lại là đốt).
|
Hoạt động thu gom rác thải tại tỉnh vẫn chưa thực sự đạt được hiệu quả như mong muốn. |
Nguyên nhân là do công tác phân loại rác thải tại nguồn chưa được các địa phương quan tâm, thực hiện. Đa phần người dân không tự phân loại được rác nên việc chôn lấp, thu gom, xử lý gặp nhiều khó khăn. Hoạt động thu gom rác thải vẫn chưa thực sự đạt được hiệu quả như mong muốn, chỉ có các đô thị lớn và thị trấn tại các huyện: Nông Cống, Tĩnh Gia, Thọ Xuân, Vĩnh Lộc, Hoằng Hóa... tỷ lệ thu gom đạt 100%; còn tại các xã (đặc biệt là xã vùng sâu, vùng xa) mới chỉ tiến hành thu, gom rác thải ở một số khu vực tập trung đông dân cư, tần suất thu gom rác thải cũng chỉ đạt khoảng 6-8 lần/tháng. Bên cạnh đó, nguồn kinh phí chi cho hoạt động thu, gom rác thải chủ yếu được lấy từ nguồn thu phí vệ sinh từ các hộ gia đình và nguồn kinh phí sự nghiệp bảo vệ môi trường không đủ để thu gom toàn bộ rác.
Bên cạnh đó, các chợ nông thôn cũng là nơi sinh ra đủ các loại rác mà chưa có biện pháp xử lý, gây nên những gánh nặng cho công tác bảo vệ môi trường. Mặt khác, do nhu cầu phát triển kinh tế, người dân đang mở rộng quy mô chuồng trại chăn nuôi nhưng lại không thay đổi phương thức, đa phần vẫn làm theo kiểu truyền thống nên phân và nước thải gia súc chưa qua xử lý vẫn thải ra rãnh nước, đường làng. Nếu gặp trời mưa, nước thải lênh láng, còn trời nắng thì bốc mùi hôi thối nồng nặc và là môi trường thuận lợi để ruồi, muỗi, các ký sinh trùng gây bệnh phát sinh làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ con người.
Để khắc phục những tồn tại, yếu kém, ngăn chặn tình trạng mất vệ sinh trong thu gom, xử lý rác thải nông thôn; cải thiện nâng cao chất lượng môi trường, góp phần xây dựng nông thôn mới, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết 05-NQ/TU về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ môi trường đến năm 2020, định hướng đến năm 2025; Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch hành động số 135/KH-UBND về việc thực hiện Nghị quyết 05. Bên cạnh đó, ngành tài nguyên và môi trường cũng đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức và trách nhiệm của người dân, cộng đồng trong giữ gìn vệ sinh môi trường nông thôn.