Ô nhiễm môi trường nông thôn
09:51 - 02/11/2020
(MTNT) – Hiện nay, vấn đề ô nhiễm môi trường (ÔNMT) đang là mối quan tâm của toàn xã hội, đặc biệt là tình trạng ÔNMT ở nông thôn do chất thải của các nhà máy, rác thải từ sinh hoạt, chăn nuôi, sự lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp làm cho nguồn nước, không khí nông thôn bị ô nhiễm trầm trọng.
Các địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về môi trường nhằm tạo sự chuyển biến và nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật BVMT của người dân



Đến nay, có khoảng 50% các xã trong toàn quốc thành lập tổ thu gom chất thải sinh hoạt. Tuy nhiên, việc thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt một số ít do công ty dịch vụ môi trường thực hiện.


Ngoài ra, phần lớn  do các hợp tác xã, tổ, đội tự quản thu gom đảm nhiệm với chi phí thu gom thỏa thuận với người dân đồng thời có sự chỉ đạo của chính quyền địa phương, song mức thu rất thấp, khoảng 10.000 – 20.000 đồng/hộ/tháng.


Với số tiền này, kinh phí mới chỉ chi trả được một phần cho hoạt động thu gom chất thải, không đủ để chi trả cũng như duy trì cho hoạt động vận chuyển.


Theo thống kê của Bộ TN&MT, lượng chất thải sinh hoạt nông thôn trong cả nước khoảng 32.000 tấn/ngày. Tỷ lệ thu gom còn thấp. trung tâm đạt khoảng 40 – 50% so với lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh.


Tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt tại các vùng nông thôn ven đô hoặc các thị trấn, thị tứ cao hơn tỷ lệ thug om chất thải rắn sinh hoạt tại các vùng sâu, vùng xa. Không chỉ khó khăn trong công tác thu gom rác, việc xử lý rác ở nông thôn còn bất cập và phức tạp hơn.


75% lượng chất thải rắn sinh hoạt nông thôn được xử lý bằng công nghệ chôn lấp, 16% được xử lý tại các nhà máy chế biến sản xuất phân compost và 13% được xử lý bằng phương pháp đốt. Thế nhưng, các công nghệ xử lý chất thải tại các vùng nông thôn đều đang bộc lộ hạn chế và chưa giải quyết được triệt để vấn đề xử lý chất thải rắn tại địa phương.


Đáng nói, tại một số vùng nông thôn, còn tồn tại những lò đốt cỡ nhỏ cấp xã, không đáp ứng yêu cầu tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN61:2016/BTNMT về lò đốt chất thải rắn sinh hoạt (về công suất còn nhỏ hơn 300kg/h, hệ thống xử lý khí thải không có hoặc có nhưng không đạt yêu cầu…).


Bên cạnh đó, có một số lò đốt mặc dù đáp ứng theo QCVN 61:2016/BTNMT nhưng khi áp dụng thì trình độ vận hành của các công nhân không đảm bảo yêu cầu tuân thủ về kỹ thuật (như nhiệt độ cháy theo yêu cầu hoặc vận hành hệ thống xử lý khí thải) nên không đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường. Đây chính là tác nhân dẫn đến khả năng không kiểm soát được chất thải thứ cấp phát sinh, đặc biệt là dioxin/Furan.


Trong khi đó, thực tế tồn tại là chất thải rắn sinh hoạt vẫn bị đổ bừa bãi, gây ô nhiễm môi trường, cảnh quan. Tại các thôn, xã chưa có quy hoạch xây dựng các bãi chôn lấp chất thải tập trung và chưa có quy định chỗ tập kết rác thải, nhiều bãi chôn lấp chất thải ở nông thôn vẫn hình thành tự phát. Theo cảnh báo của Tổng cục Môi trường, những bãi rác rác này có nguy cơ trở thành những điểm ô nhiễm tồn lưu.


Theo ước tính, tổng số chất thải chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Điện Biên phát thải khoảng 2.620.688 tấn/năm. Phần lớn chất thải chăn nuôi được sử dụng làm phân bón.


Tuy vậy, trước khi đưa vào sử dụng, việc xử lý chất thải chăn nuôi có sự khác nhau theo quy mô. Với quy mô chăn nuôi trang trại, gia trại, việc xử lý chất thải chăn nuôi phần lớn áp dụng theo phương pháp sinh học.


Tại nhiều vùng nông thôn tỉnh Điện Biên, hiện tượng vứt vỏ bao bì, chai lọ thuốc bảo vệ thực vật bừa bãi vẫn còn phổ biến, gây ảnh hưởng xấu đến môi trường cũng như đến sức khỏe cộng đồng do các hóa chất còn sót lại trong các chai lọ và vỏ bao bì. Trung bình mỗi năm, tỉnh Điện Biên ước tính phát sinh khoảng 4,5 tấn vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật.


Hiện, toàn tỉnh có 119 bể thu gom vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật nhưng việc thu gom mới chỉ tập trung ở huyện Điện Biên và TP. Điện Biên Phủ. Sở TN&MT Điện Biên đã chủ trì tiến hành 2 đợt thu gom vận chuyển xử lý hóa chất bảo vệ thực vật và vỏ bao bì hóa chất bảo vệ thực vật sau sử dụng trên địa bàn tỉnh với tống khối lượng 3.450 kg (đợt 1 năm 2010 khối lượng 1.745 kg và đợt 2 năm 2018 khối lượng 1.705 kg), với tổng kinh phí vận chuyển xử lý 270 triệu từ nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường.


Để tăng cường công tác quản lý, đẩy mạnh xử lý chất thải rắn khu vực nông thôn trên địa bàn, Sở TN&MT Điện Biên đã chủ trì, phối hợp tổng hợp khối lượng, xây dựng nhu cầu kinh phí để thực hiện thu gom vận chuyển xử lý chất thải rắn gửi Sở Tài chính thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt. Đồng thời, làm đầu mối hợp đồng với các đơn vị, doanh nghiệp được cấp giấy phép xử lý chất thải nguy hại để tiến hành vận chuyền, xử lý đúng theo quy định.


Thời gian tới, tỉnh Điện Biên sẽ tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường, rà soát các mô hình bảo vệ môi trường hiện có, nhân rộng các mô hình hiệu quả, triển khai xây dựng các mô hình mới, chú trọng lồng ghép mô hình phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường.


Phát triển các dịch vụ thu gom, vận chuyển, tái chế, xử lý chất thải và các dịch vụ khác bảo vệ môi trường với sự tham gia của mọi thành phần kinh tế. Cùng với đó, đẩy mạnh tuyên truyền để người dân thay đổi nhận thức và hành vi thu gom, xử lý rác thải.


Để giảm thiểu những tác động xấu từ ô nhiễm môi trường tại các vùng nông thôn hiện nay cần phải có các kế hoạch và biện pháp đánh giá toàn diện về thực trạng ô nhiễm môi trường tại các khu vực nông thôn nước ta hiện nay.


Tuy nhiên, do đặc điểm phát triển kinh tế - xã hội tại mỗi địa phương khác nhau nên mức độ ô nhiễm môi trường khác nhau nên việc cần kíp hiện nay là phải lập được bản đồ về ô nhiễm môi trường tại các khu vực nông thôn, qua đó xác định các vùng ô nhiễm trọng tâm, trọng điểm để từng bước đề ra các biện pháp khắc phục phù hợp.


Chú trọng công tác quy hoạch phát triển các khu, cụm, điểm công nghiệp, các làng nghề tại các khu vực nông thôn, đảm bảo tính khoa học cao, trên cơ sở tính toán kỹ lưỡng, toàn diện các xu thế phát triển, từ đó có chính sách phù hợp; tránh tình trạng quy hoạch tràn lan, thiếu đồng bộ, chồng chéo.


Đối với các khu công nghiệp đang đóng trên các địa bàn nông thôn hiện nay cần có quy định bắt buộc các công ty đầu tư hạ tầng phải xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung hoàn chỉnh mới được phép hoạt động, đồng thời thường xuyên có báo cáo định kỳ về hoạt động xử lý nước thải, rác thải tại đó.


Cần ban hành và thể chế hóa các luật lệ có liên quan đến công tác BVMT tại các khu vực nông thôn, tiến tới xây dựng bộ luật riêng về lĩnh vực này; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về môi trường trong toàn xã hội nhằm tạo sự chuyển biến và nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật BVMT, trách nhiệm xã hội của người dân, doanh nghiệp trong việc gìn giữ và BVMT; xây dựng ý thức sinh thái, làm cho mọi người nhận thức một cách tự giác về vị trí, vai trò, mối quan hệ mật thiết giữa tự nhiên - con người - xã hội.


Đi đôi với công tác tuyên truyền, giáo dục cần tăng cường hơn nữa vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước về vấn đề này trên các địa bàn nông thôn, như các cấp chính quyền địa phương, các cơ quan quản lý và BVMT, các cơ sở y tế, các tổ chức đoàn thể liên quan để đảm bảo cho công tác tuyên truyền, giáo dục và thực thi các biện pháp BVMT hiệu quả.



Phương Lan

 
Nguồn:
https://baotainguyenmoitruong.vn/dien-bien-quyet-liet-xu-ly-rac-thai-nong-thon-295915.html
https://baotainguyenmoitruong.vn/nan-giai-voi-rac-thai-nong-thon-303889.html
http://tapchimoitruong.vn/pages/article.aspx?item=%C3%94-nhi%E1%BB%85m-m%C3%B4i-tr%C6%B0%E1%BB%9Dng-n%C3%B4ng-th%C3%B4n-v%C3%A0-gi%E1%BA%A3i-ph%C3%A1p-kh%E1%BA%AFc-ph%E1%BB%A5c-38403

Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn