Bắc Kạn: Tồn tại nhiều cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng
10:11 - 29/03/2019
(MTNT)- Trên địa bàn tỉnh hiện còn các điểm “đen”, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Việc xử lý rác thải trên địa bàn tỉnh được giao cho Hợp tác xã hoặc Ban Quản lý chợ. Tuy nhiên, nhân lực và năng lực tài chính của một số đơn vị còn yếu nên gặp khó khăn khi xử lý rác trên quy mô lớn.
Tỉnh phấn đấu đến năm 2020 có 70% rác thải nông thôn được thu gom, xử lý đạt tiêu chuẩn



Việc thu gom rác thải ở huyện Ngân Sơn do Hợp tác xã nước sạch và vệ sinh môi trường huyện thực hiện, nhưng khoảng 5 ngày công nhân đi thu gom rác 1 lần. Một số hộ không đốt hay chôn lấp mà đem ra suối hoặc bìa rừng vứt, gây ô nhiễm môi trường, nguồn nước, đất.
 
 
Tại bãi rác Lũng Váng, thị trấn Bằng Lũng, huyện Chợ Đồn, tình trạng rác bị ứ đọng nhiều, ruồi nhặng và bốc mùi hôi thối làm ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của nhiều hộ dân sống ở khu vực xung quanh.
 
 
Trung bình bãi rác Khuổi Mật, phường Huyền Tụng (thành phố Bắc Kạn) hằng ngày thu gom khoảng 45 tấn rác thải sinh hoạt, vận chuyển đến bãi để đốt, chôn lấp. Mặc dù đã có Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt Bắc Kạn với công suất xử lý 80 tấn rác thải sinh hoạt/ngày, sử dụng công nghệ lò đốt thế hệ mới. Năm 2018, một phần rác thải phải chôn lấp vào bãi rác Khuổi Mật khiến môi trường ô nhiễm.
Bên cạnh đó, 4/8 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh chưa có công trình xử lý nước thải, chưa tách được nước mưa chảy tràn, nước sinh hoạt, nước thải sản xuất kinh doanh.
 
 
Nhiều năm nay nước thải y tế tại Trung tâm Y tế huyện Ngân Sơn chỉ được xử lý thủ công rồi xả trực tiếp ra môi trường, ảnh hưởng không nhỏ tới cuộc sống của người dân. Kết quả phân tích mẫu nước thải của Trung tâm cho thấy một số chỉ số như: TSS, BOD, COD cao hơn mức cho phép. Ngoài ra, lượng chất thải rắn phát sinh tại Trung tâm cũng chỉ được xử lý tạm thời qua hệ thống hấp sấy, khử khuẩn và lưu trữ tại 3 bể chứa bê tông.
 
 
Để giải quyết tình trạng trên, tỉnh phấn đấu đến năm 2020 có 100% rác thải tại đô thị và 70% rác thải nông thôn được thu gom, xử lý đạt tiêu chuẩn; giảm 65% khối lượng túi ni lon sử dụng tại các siêu thị và trung tâm thương mại; 80% các đô thị có công trình tái chế chất thải rắn thực hiện phân loại tại hộ gia đình; 30% bùn bể phốt cho các đô thị được thu gom và xử lý đảm bảo môi trường; xử lý 100% lượng nước thải sinh hoạt nội thành thành phố; xử lý 100% cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên địa bàn tỉnh...
 
 
Để đạt mục tiêu trên, UBND tỉnh tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức về ô nhiễm môi trường của các tầng lớp nhân dân, các cơ quan đảng và nhà nước, lực lượng vũ trang, các tổ chức chính trị xã hội, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh; kiểm soát ô nhiễm các cơ sở sản xuất kinh doanh, bệnh viện, khu dân cư, khu công nghiệp; gắn kết việc quy hoạch phát triển kinh tế xã hội toàn tỉnh và từng ngành, lĩnh vực với kiểm soát ô nhiễm, bảo vệ môi trường tại địa phương.

Thanh Tùng
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn