(MTNT) - Hiện nay, quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn ở nước ta đã và đang trở thành một xu thế phát triển tất yếu. Tuy nhiên, tình trạng ô nhiễm môi trường cũng diễn ra khá phổ biến gây ảnh hưởng đến đời sống của người dân tại khu vực nông thôn.
|
Tình trạng ô nhiễm rác thải ven sông, quanh các khu dân cư diễn ra phổ biến |
Với tổng diện tích tương đương khoảng 80% diện tích toàn quốc, nông thôn giữ vai trò là vành đai xanh, góp phần giữ cân bằng sinh thái giữa vùng nông thôn và thành thị.
Khu vực nông thôn chiếm khoảng 67% dân số toàn quốc với nguồn nhân lực, lao động quy mô lớn. Trong đó, kết cấu hạ tầng khu vực nông thôn, nhất là về giao thông, các công trình bảo vệ môi trường như hệ thống cấp, thoát nước, hệ thống quản lý chất thải rắn chưa được đầu tư tương ứng với mức độ phát triển kinh tế - xã hội; trình độ ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất, bảo vệ môi trường nông thôn còn hạn chế.
Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, có nhiều nguyên nhân dẫn đến ô nhiễm môi trường nông thôn hiện nay. Trong đó, ô nhiễm môi trường tại các làng nghề nông thôn, các cơ sở chế biến nông sản, lâm sản, thủy sản, tại các vùng ngoại ô thành phố, thị xã, thị trấn trên cả nước diễn ra khá nghiêm trọng. Đó là tình trạng ô nhiễm môi trường tại các làng nghề sản xuất vật liệu xây dựng, xi măng, gạch ngói, sắt thép, mía đường, giấy, thủy sản, đá.
Hiện cả nước có hàng nghìn làng nghề tại các khu vực nông thôn sản xuất đủ các loại sản phẩm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp chế biến lương thực, thực phẩm. Bên cạnh các yếu tố tích cực, làng nghề nông thôn còn tạo ra vô vàn chất thải rắn, rác thải, nước thải, tăng tiếng ồn, bụi công nghiệptại các khu công nghiệp tập trung. Trong đó, rất ít làng nghề có hệ thống thu gom, vận chuyển chất thải, nước thải nên mức độ ô nhiễm môi trường khá cao.
Các nhà máy chế biến nông sản, thủy sản như: Mía đường, xay xát gạo, chế biến thức ăn chăn nuôi, chế biến thủy sản chủ yếu đều gắn với các vùng sản xuất nguyên liệu tại các vùng nông thôn ven đô cũng là nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường nông thôn. Ước tính 400 nhà máy chế biến thủy sản, phần lớn đặt tại các vùng nông thôn mỗi năm đã thải ra môi trường khoảng từ 160 – 180 nghìn tấn chất thải rắn, 8 – 12 triệu m3 nước thải.
Bên cạnh đó, tình trạng ô nhiễm môi trường còn diễn ra ở các khu chăn nuôi tập trung. Những năm gần đây, để hạn chế tình trạng lây lan dịch bệnh gia súc gia cầm do chăn nuôi phân tán, thả rong gây ra, nhiều địa phương đã xây dựng phát triển các khu chăn nuôi tập trung, chăn nuôi trang trại. Bên cạnh các yếu tố tích cực như: Tăng khả năng phòng trừ dịch bệnh, vệ sinh thôn xóm, tăng trưởng chăn nuôi, các khu chăn nuôi tập trung lại phát sinh vấn đề ô nhiễm môi trường rất nghiêm trọng.
Đồng thời, trong nông nghiệp, nhiều địa phương vẫn có xu hướng chạy theo lợi ích trước mắt, chưa quan tâm đến năng suất và sản lượng cây trồng vật nuôi, tăng trưởng cao bằng mọi giá. Tình trạng sử dụng phân hóa học, thuốc trừ sâu, diệt cỏ, thuốc kích thích tăng trưởng quá mức dẫn đến mất cân đối môi trường sinh thái đất, nước, không khí và vệ sinh an toàn thực phẩm. Thêm vào đó, tình hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi một cách tự phát manh mún, nhất là chuyển đất trồng lúa, rừng phòng hộ sang nuôi trồng thủy sản quảng canh vùng ven biển đã gây hậu quả nặng nề đối với môi trường, sinh thái.
Đặc biệt, nhận thức của đa số người dân sống và làm việc tại các khu vực nông thôn về vấn đề môi trường còn chưa cao. Người dân nông thôn chưa có ý thức bảo vệ môi trường. Việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất; việc xả nước, rác thải; sử dụng nước không đảm bảo vệ sinh, việc đầu tư các công trình phục vụ đời sống và sức khỏe (bể nước, cống rãnh thoát nước, hố xí), việc tham gia công tác vệ sinh môi trường cộng đồng còn hạn chế. Đặc biệt, trong hoạt động quản lý, bảo vệ môi trường còn nhiều bất cập.
Nhận thức của nhiều cấp chính quyền, cơ quan quản lý, tổ chức cá nhân có trách nhiệm về nhiệm vụ bảo vệ môi trường chưa đầy đủ, chưa thấy rõ được nguy cơ ô nhiễm môi trường khu vực nông thôn sẽ có tác động tiêu cực đến đời sống kinh tế - xã hội nông thôn, trong đó có sức khỏe người dân. Đội ngũ cán bộ quản lý môi trường còn ít về số lượng, bất cập về chất lượng. Hiện nay Việt Nam mới chỉ có gần 30 cán bộ quản lý môi trường/1 triệu dân so sánh với một số nước trong khối ASEAN là 70 người/1 triệu dân.
Cơ sở pháp lý, ngân sách đầu tư cho bảo vệ môi trường còn tồn tại nhiều bất cập. Vấn đề đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường chưa đáp ứng được yêu cầu, còn dàn trải và thiếu hiệu quả.
Cơ chế phân công và phối hợp giữa các cơ quan, các ngành và địa phương chưa đồng bộ, còn chồng chéo, chưa quy định trách nhiệm rõ ràng.
Ngoài ra, ô nhiễm môi trường nông thôn còn ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe cộng đồng tại các khu vực nông thôn.
Theo kết quả “Nghiên cứu ảnh hưởng của ô nhiễm asen trong nguồn nước ăn uống, sinh hoạt tới sức khỏe, bệnh tật của cộng đồng dân cư vùng đồng bằng sông Hồng và biện pháp khắc phục” do Viện Y học lao động và Vệ sinh môi trường thực hiện cho thấy trong 4.700 đối tượng (nam và nữ) đã sử dụng nước giếng khoan trên 3 năm (có nhiễm asen) để ăn, uống và tắm giặt đã phát hiện được 60 trường hợp nhiễm độc asen mãn tính, chiếm tỷ lệ 1,62% trong tổng số người sử dụng nước ô nhiễm asen, phân bố nhiều nhất ở Hà Nội (7,25%), Vĩnh Phúc (4,98%), Nam Định (4,57%).
Để khắc phục tình trạng này, trước hết, mỗi người dân cần có kiến thức và ý thức bảo vệ môi trường. Đồng thời, các cấp các ngành cần có các kế hoạch và biện pháp đánh giá toàn diện về thực trạng ô nhiễm môi trường tại các khu vực nông thôn nước ta hiện nay.
Tuy nhiên, do đặc điểm phát triển kinh tế - xã hội tại mỗi địa phương khác nhau nên mức độ ô nhiễm môi trường khác nhau nên việc cần thiết hiện nay là phải lập được bản đồ về ô nhiễm môi trường tại các khu vực nông thôn, qua đó xác định các vùng ô nhiễm trọng tâm, trọng điểm để từng bước đề ra các biện pháp khắc phục phù hợp; chú trọng công tác quy hoạch phát triển các khu, cụm, điểm công nghiệp, các làng nghề tại các khu vực nông thôn, đảm bảo tính khoa học cao, trên cơ sở tính toán kỹ lưỡng, toàn diện các xu thế phát triển, từ đó có chính sách phù hợp; tránh tình trạng quy hoạch tràn lan, thiếu đồng bộ, chồng chéo.
Cần ban hành và thể chế hóa các luật lệ có liên quan đến công tác bảo vệ môi trường tại khu vực nông thôn; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về môi trường trong toàn xã hội nhằm tạo sự chuyển biến và nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường, trách nhiệm xã hội của người dân, doanh nghiệp trong việc gìn giữ và bảo vệ môi trường; xây dựng ý thức sinh thái, làm cho mọi người nhận thức một cách tự giác về vị trí, vai trò, mối quan hệ mật thiết giữa tự nhiên, con người, xã hội; tăng cường vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước về vấn đề bảo vệ môi trườngtại địa bàn nông thôn, như các cấp chính quyền địa phương, các cơ quan quản lý và bảo vệ môi trường, các cơ sở y tế, các tổ chức đoàn thể có liên quan để đảm bảo cho công tác tuyên truyền, giáo dục và thực thi các biện pháp bảo vệ môi trường, bảo vệ và nâng cao sức khỏe, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nông thôn có hiệu quả hơn.
Đối với các khu công nghiệp đang đóng trên các địa bàn nông thôn cần có quy định bắt buộc các Công ty đầu tư hạ tầng phải xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung hoàn chỉnh mới được phép hoạt động, đồng thời thường xuyên có báo cáo định kỳ về hoạt động xử lý nước thải, rác thải tại đó; tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường, trong đó những chế tài xử phạt (cưỡng chế hành chính và xử lý hình sự) phải thực sự đủ mạnh để đủ sức răn đe các đối tượng vi phạm.
Có thể nói, để có môi trường sống xanh- sạch -đẹp, mỗi chúng ta cần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, đặc biệt việc đảm bảo vệ sinh cũng như kiểm soát ô nhiễm môi trường nông thôn cần được các cấp, các ngành chức năng quan tâm đúng mức góp phần đẩy lùi ô nhiễm.
Hạ Chí
Nguồn:
http://tapchimoitruong.vn/pages/article.aspx?item=%C3%94-nhi%E1%BB%85m-m%C3%B4i-tr%C6%B0%E1%BB%9Dng-n%C3%B4ng-th%C3%B4n-v%C3%A0-gi%E1%BA%A3i-ph%C3%A1p-kh%E1%BA%AFc-ph%E1%BB%A5c-38403
http://www.vusta.vn/vi/news/Thong-tin-Su-kien-Thanh-tuu-KH-CN/O-nhiem-moi-truong-nong-thon-thuc-trang-va-giai-phap-36551.html
http://www.canhsatnhandan.vn/Home/Print/4273/Thuc-trang-o-nhiem-moi-truong-o-nong-thon-nuoc-ta-hien-nay