|
Tình trạng người dân vứt CTRSH bừa bãi ra nơi công cộng hoặc tự xử lý tại vườn nhà bằng hình thức chôn lấp, đốt khá phổ biến (Ảnh minh họa). |
Hiện trên địa bàn tỉnh mỗi ngày phát sinh khoảng 900 tấn chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH); trong đó, khu vực nông thôn khoảng 520 tấn/ngày; tỉ lệ thu gom trên địa bàn toàn tỉnh trung bình chỉ đạt khoảng 60%; riêng khu vực nông thôn, các xã vùng sâu, vùng xa, tỉ lệ thu gom chỉ đạt từ 10% - 20%. Những địa phương có tỉ lệ thu gom CTRSH thấp là huyện Tuy Phước (25%), Hoài Ân (25,2%), Phù Mỹ (20,5%), Vân Canh (30%)...
Tại khu vực nông thôn, tình trạng người dân vứt CTRSH bừa bãi ra nơi công cộng hoặc tự xử lý tại vườn nhà bằng hình thức chôn lấp, đốt khá phổ biến. Những bãi rác lộ thiên ngay các khu đất trống, ven kênh mương, đầu cầu, ven đường giao thông... ngày một nhiều với vô số các loại rác, như: Bao bì ni-lông; chai nhựa; chai thủy tinh; bao bì và vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật; các loại vật dụng...gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và sức khỏe người dân.
Đáng báo động, bao bì ni-lông lại chiếm tỉ lệ rất lớn trong các loại CTRSH phát sinh hàng ngày ở khu vực nông thôn. Đó là tác nhân chứa vi khuẩn gây bệnh, làm tắc nghẽn cống rãnh, gây ứ đọng nước thải, hôi thối, ô nhiễm môi trường. Đặc biệt, khi bao bì ni-lông bị đốt, khí đi-ô-xin thải ra có thể gây ngộ độc, khó thở, ảnh hưởng đến các tuyến nội tiết; giảm khả năng miễn dịch, gây rối loạn chức năng, gây ung thư và các dị tật bẩm sinh cho trẻ sơ sinh.
Việc thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt phần lớn do các Hợp tác xã, Tổ đội thu gom đảm nhiệm với chi phí thu gom thỏa thuận cùng người dân, đồng thời có sự chỉ đạo của chính quyền địa phương. Tuy nhiên, việc thu gom rác ở khu vực nông thôn này thường chỉ dừng lại tại điểm trung chuyển, chưa giải quyết được toàn bộ vấn đề thu gom rác ở khu vực này.
Đến nay, huyện Hoài Ân là một trong những địa phương “nóng” nhất về nạn rác thải tràn lan, bao quanh khu dân cư. Bởi huyện chưa xây dựng bãi tập kết, xử lý rác thải đúng chuẩn, nên chỉ tập trung thu gom rác ở thị trấn Tăng Bạt Hổ; những xã còn lại, dù chính quyền địa phương đã tuyên truyền, vận động nhân dân chôn lấp rác trong vườn nhà, song người dân thường gom tất cả các loại rác, đổ trực tiếp ra môi trường.
Tại huyện miền núi An Lão, tình trạng người dân vứt rác thải bừa bãi tại các tuyến đường, các khu vực sông, suối gây mất mỹ quan và ô nhiễm môi trường diễn ra khá phổ biến. Đơn vị thu gom rác trên đường vận chuyển làm rơi vãi nhiều nơi gây bức xúc trong cộng đồng. Việc xử lý ô nhiễm môi trường tại 2 bãi xử lý rác thải tạm ở xã An Hòa và thị trấn An Lão còn gặp nhiều khó khăn. Hiện nay, tại 2 bãi rác tạm này đã quá tải, rác tràn ra đường bê tông lấp lối đi. Mỗi khi trời mưa những dòng nước đen ngòm từ bãi rác chảy ra ruộng, đất sản xuất của người dân, bốc mùi hôi thối nồng nặc.
Toàn tỉnh đã xây dựng và vận hành 5 bãi chôn lấp CTRSH hợp vệ sinh gồm: Bãi chôn lấp Long Mỹ tại Khu xử lý CTR tập trung Long Mỹ (TP Quy Nhơn); bãi chôn lấp Tôm Zang tại xã Cát Hiệp (huyện Phù Cát); bãi chôn lấp huyện Hoài Nhơn tại khối Thiết Đính Bắc, thị trấn Bồng Sơn; bãi chôn lấp huyện Phù Mỹ tại thôn Gia Hội, xã Mỹ Phong và bãi chôn lấp huyện Tây Sơn tại thôn Phú An, xã Tây Xuân. Các bãi chôn lấp CTR này tuy đã đi vào vận hành, nhưng chưa đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh môi trường do công nghệ xử lý chủ yếu vẫn là chôn lấp.
Điển hình là nhà máy xử lý rác thải của Công ty TNHH Chế biến rác thải Duy Anh, xã Hoài Hương (huyện Hoài Nhơn), do thu gom lượng rác thải lớn trong khi công suất xử lý rác còn hạn chế, khiến lượng tác tồn dư ngày càng lớn, phát sinh mùi hôi, thối nặng nề. Ngoài ra, bãi rác lộ thiên nên khi mưa xuống nước thải từ bãi rác chảy xuống nhà dân, gây nguy cơ ô nhiễm nguồn nước ngầm.
Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh có 5 bãi chôn lấp CTR không nằm trong quy hoạch, gồm: Bãi chôn lấp Trường Xuân (huyện Hoài Nhơn), bãi chôn lấp Gò Trại (huyện Phù Cát), bãi chôn lấp núi Bà Hỏa (TP Quy Nhơn), bãi chôn lấp tạm thị xã An Nhơn, bãi chôn lấp thị trấn Tăng Bạt Hổ (huyện Hoài Ân). Các bãi chôn lấp CTR trên đã gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường nên hiện nay đã ngừng hoạt động. Tuy nhiên, việc đóng cửa các bãi chôn lấp này chưa được thực hiện đúng theo quy trình và yêu cầu kỹ thuật; chưa thực hiện thường xuyên công tác quan trắc, đánh giá chất lượng môi trường sau khi đóng cửa bãi chôn lấp.
Ngoài ra, còn có 3 đơn vị thu gom, phân loại và tái chế rác thải sinh hoạt làm phân compost là Nhà máy phân compost Long Mỹ tại bãi chôn lấp Long Mỹ hoạt động với công suất 5 tấn/ngày; Nhà máy chế biến rác thải Duy Anh nằm ở xã Hoài Thanh (Hoài Nhơn) và HTX Nông nghiệp Nhơn Phú hoạt động với công suất 1 tấn/ngày. Tuy nhiên, các nhà máy này đều có điểm chung là hoạt động kém hiệu quả, cầm chừng và buộc phải dừng hoạt động do gây ô nhiễm môi trường.
Trước những tác động tiêu cực mà CTRSH gây ra cho môi trường và con người, UBND tỉnh đã xây dựng Đề án “Tăng cường công tác quản lý CTRSH trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025” nhằm đánh giá toàn diện về thực trạng công tác quản lý CTRSH trên địa bàn trong thời gian qua; từ đó chuyển đổi công nghệ chôn lấp sang các công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường; tăng tỷ lệ CTRSH được phân loại và tái chế, tái sử dụng; lồng ghép quy hoạch quản lý CTRSH với các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, các ngành; gắn kết với thực hiện Chương trình quốc gia về nông thôn mới; từng bước nâng cao tỉ lệ thu gom CTRSH trên địa bàn; xử lý triệt để ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh nói chung, khu vực nông thôn nói riêng.