Bắc Ninh: Báo động tình trạng ô nhiễm môi trường làng nghề
10:45 - 26/04/2019
(MTNT)- Toàn tỉnh có 62 làng nghề, tập trung ở các huyện Yên Phong, Gia Bình, thị xã Từ Sơn và thành phố Bắc Ninh. Tuy nhiên hiện các cơ sở làng nghề chủ yếu sản xuất với quy mô nhỏ, không đủ điều kiện để xử lý triệt để nước thải, chất thải, khí thải tại chỗ đã gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống và sức khỏe người dân. 
Các cơ sở làng nghề chủ yếu sản xuất với quy mô nhỏ, không đủ điều kiện để xử lý triệt để nước thải, chất thải, khí thải tại chỗ (Ảnh minh họa).


Tại làng nghề tái chế nhôm Mẫn Xá (huyện Yên Phong), nơi đây có 300 lò đúc nhôm lớn nhỏ. Bầu không khí đặc quánh ô nhiễm bởi những làn khói đen bốc lên từ hàng trăm lò đúc nhôm chưa qua xử lý. Số lượng bụi lơ lửng vượt nhiều lần quy chuẩn, hóa chất khắp mọi nơi, hàm lượng chì trong môi trường cao gấp hàng chục lần mức cho phép.
 
 
Trung bình mỗi năm, thôn Mẫn Xá tái chế khoảng 10 nghìn tấn nhôm phế thải và một hộ làm nghề đun đúc từ 2 - 3 tạ bột nhôm/ngày. Toàn bộ nhôm phải dùng bột chì để kéo ra, với khoảng 1 tấn chì/ngày. Thiếu công nghệ xử lý chất thải tại chỗ, diện tích chứa chất thải không đủ nên mọi phế thải của làng nghề, chủ yếu là xỉ nhôm đều được đưa ra cánh đồng hoặc đổ xung quanh làng. Số lượng xỉ nhôm được đổ trong phần diện tích đất thi công cụm công nghiệp làng nghề ước tính tới 283.000 m3. Trên 90% lao động tại địa phương gắn bó với nghề, nhưng không ai mặc đồ bảo hộ lao động, nếu có thì cũng chỉ đeo khẩu trang.
 
 
Làng nghề tái chế và sản xuất giấy phường Phong Khê (thành phố Bắc Ninh) có 204 cơ sở sản xuất và tái chế giấy đang hoạt động, sản xuất khoảng 200.000 tấn giấy/năm. Hai bên đường dẫn vào làng là những khối bìa, giấy vụn đang chờ được tái chế.
 
 
Hàng trăm ống khói nhả khói đen sì khiến người dân cảm thấy ngột ngạt. Hệ lụy trẻ con, người lớn trong làng thường xuyên bị mắc các bệnh về đường hô hấp như: Ho, viêm phổi,...
 
 
Tất cả các chất thải của các cơ sở sản xuất giấy đều được xả thải thẳng ra cống, chảy trực tiếp ra sông Ngũ Huyện Khê, kèm theo là các loại rác thải chất đống, trải khắp bờ sông. Hàng ngày, phải gánh chịu một lượng lớn nước thải khoảng 5.000m3/ngày với nhiều loại hóa chất độc hại như axit, Javen, dầu nhớt, phẩm màu, xỉ than, giấy vụn… không được xử lý đã khiến sông Ngũ Huyện Khê có màu đen đặc quánh và hôi thối nồng nặc.
 
 
Làng nghề đúc đồng Đại Bái (Gia Bình) có gần 2000 hộ làm nghề. Trung bình mỗi ngày làng nghề có khoảng 7 tấn chất thải rắn phát sinh, trong đó mới đưa được khoảng 3 tấn về khu xử lý chất thải rắn của huyện, 4 tấn vận chuyển về bãi chôn lấp tập trung của xã rộng khoảng 8.000 m2, chưa được xử lý. Chất thải từ xỉ than, bã nhôm cũng phát sinh khoảng gần 1 tấn/ngày. Công nghệ sản xuất lạc hậu, máy móc, thiết bị đa phần mua thanh lý từ Trung Quốc hoặc tự chế tạo, chắp vá nên nguy cơ mất an toàn cao, gây tiếng ồn lớn.
 
 
Đối với nguồn nước thải, nước thải sinh hoạt phát sinh 70m3/ngày, nước thải sản xuất khoảng 10m3/ngày, lượng nước này được đấu nối chung vào hệ thống thoát nước của địa phương, gây ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng nước. Trong khi đó, hệ thống xử lý nước thải tập trung tại Cụm công nghiệp làng nghề không hoạt động, nước thải của các hộ có sử dụng hóa chất như axit, sút… không được thu gom xử lý, đổ trực tiếp ra sông, ao, hồ, mương máng, gây ô nhiễm nguồn nước nghiêm trọng.
 
 
Về khí thải, hơn 200 lò đúc đồng, nhôm hút qua hệ thống ống khói cao từ 7m-12m chưa đạt chuẩn, sau đó xả trực tiếp ra môi trường gây ảnh hưởng lớn đến không khí và sức khỏe của người dân...
 
 
Để khắc phục tình trạng trên, những năm gần đây, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh đã chủ động tham mưu với tỉnh ban hành nhiều văn bản, chính sách quy định hỗ trợ xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề khu vực nông thôn; quy chế bảo vệ môi trường làng nghề, khu dân cư, cụm công nghiệp và khu kinh doanh dịch vụ làng nghề; Đề án tổng thể bảo vệ môi trường làng nghề tỉnh đến năm 2020 và định hướng đến 2030; kế hoạch di dời và xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; quy chế phối hợp thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm... Những văn bản này từng bước được cụ thể hóa, bước đầu cải thiện môi trường các làng nghề trong tỉnh.
 
 
Đến nay, đã có một số Đề án, Dự án về bảo vệ môi trường làng nghề được triển khai, thực hiện hiệu quả như: Đề án về đánh giá hiện trạng môi trường và đề xuất các giải pháp bảo vệ môi trường sông Ngũ Huyện Khê; xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề sản xuất giấy Phong Khê (thành phố Bắc Ninh); xử lý nước thải làng nghề sản xuất rượu Đại Lâm (Yên Phong) bằng công nghệ yếm khí; xây dựng hệ thống xử lý nước thải làng nghề sản xuất bún Khắc Niệm (thành phố Bắc Ninh), công suất 400 m3/ngày, đêm... góp phần khắc phục cơ bản nguồn nước thải, khí thải ở một số làng nghề.


Nguồn:
Báo cáo Hội ND tỉnh.
http://stnmt.bacninh.gov.vn/news/-/details/57412/xu-ly-o-nhiem-moi-truong-lang-nghe-can-giai-phap-ben-vung
https://www.moitruongvadothi.vn/moi-truong/lang-nghe-man-xa-yen-phong-bac-ninh-dan-song-mon-voi-o-nhiem-a43413.html
https://www.moitruongvadothi.vn/moi-truong/khu-cong-nghiep/lang-giay-phong-khe-bac-ninh-lua-chon-kinh-te-hay-moi-truongky-1-a25741.html
http://www.baobacninh.com.vn/news/-/details/20182/khac-phuc-o-nhiem-moi-truong-lang-nghe-ai-bai
 

Anh Tuân
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn