|
Các địa phương nỗ lực triển khai nhiều biện pháp bảo vệ rừng |
Theo Tổng cục Lâm nghiệp, năm 2018, cùng với việc tăng độ che phủ rừng của cả nước, công tác bảo vệ và phát triển rừng tại nhiều địa phương đã có sự chuyển biến tích cực, góp phần giảm 15% số vụ vi phạm và 33% diện tích thiệt hại so với năm 2017.
Tại Long An, tổng diện tích rừng là hơn 25.000ha. Để bảo tồn và khai thác rừng hiệu quả, UBND tỉnh xây dựng kế hoạch hành động thực hiện chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2018-2020.
Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh, thời gian qua, các địa phương có diện tích rừng đã tập trung củng cố, kiện toàn ban chỉ đạo bảo vệ và phát triển rừng các cấp; tổ, đội phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR); tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ rừng và PCCCR; trang bị dụng cụ, phương tiện chữa cháy, đáp ứng kịp thời khi có sự cố xảy ra; phối hợp tổ chức tập huấn kỹ thuật PCCCR cho người dân sống ven Khu Bảo tồn đất ngập nước Láng Sen.
Đặc biệt, năm 2018, nhờ làm tốt công tác PCCCR nên toàn tỉnh không để xảy ra cháy rừng, những đám cháy ven rừng nhanh chóng được dập tắt.
Dự kiến đến năm 2020, Long An giữ vững 25.000ha rừng, trồng thêm 3,5 triệu cây phân tán các loại, nâng tổng số cây phân tán trên địa bàn tỉnh lên hơn 246,6 triệu cây (quy đổi 24.660ha, đạt độ che phủ 5,5%); trồng 266ha rừng phòng hộ biên giới. Giai đoạn 2018-2020, trồng lại 1.700ha rừng sau khai thác, trong đó, chú trọng bảo tồn nguyên trạng rừng đặc dụng Khu Bảo tồn đất ngập nước Láng Sen và Khu Bảo tồn đa dạng sinh học - cây dược liệu Đồng Tháp Mười theo chỉ đạo của UBND tỉnh. Đồng thời tạo môi trường tốt nhất để bảo tồn và phát triển các hệ sinh thái đặc thù nhằm nâng cao chất lượng rừng và giá trị đa dạng sinh học, kết hợp với nông - ngư nghiệp, kinh doanh cảnh quan, nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái - môi trường.
Huyện Tân Sơn (Phú Thọ) có diện tích gần 69 nghìn ha, trong đó diện tích rừng và đất lâm nghiệp chiếm gần 58 nghìn ha. Với địa bàn đồi núi rộng, giáp ranh với nhiều huyện trong và ngoài tỉnh, tài nguyên rừng phong phú, đa dạng, có nhiều loại động thực vật quý hiếm, đồng thời có nhiều đồng bào dân tộc sinh sống; là những điều kiện dễ nảy sinh các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng.
Với những nỗ lực của lực lượng kiểm lâm huyện, công tác quản lý, bảo vệ rừng ở huyện Tân Sơn đã đạt được kết quả tích cực, tình hình vi phạm Luật bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn giảm rõ rệt, nhận thức của người dân trong công tác quản lý, bảo vệ rừng được nâng cao, góp phần thực hiện tốt công tác xã hội hóa quản lý bảo vệ và phát triển rừng, kinh tế đồi rừng ngày càng được nhân rộng, đời sống nhân dân nâng cao, an ninh trật tự trên địa bàn huyện được giữ vững.
Để đạt được những kết quả đó, Hạt kiểm lâm Tân Sơn đã chủ động tham mưu cho UBND huyện ban hành các văn bản chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể cùng phối hợp chặt chẽ trong công tác quản lý, bảo vệ rừng; thường xuyên rà soát, đánh giá, quy hoạch lại rừng, đất rừng, duy trì hợp lý diện tích rừng phòng hộ, vùng trồng rừng tập trung, thực hiện tốt việc giao đất, giao rừng.
Hạt xác định công tác tuyên truyền là nhiệm vụ trọng tâm, do đó thường xuyên phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể huyện, cơ quan, đơn vị liên quan và cấp ủy, chính quyền các xã tổ chức tuyên truyền, giáo dục pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng; mở các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, nghiệp vụ về bảo vệ, phòng cháy chữa cháy rừng tới các chủ rừng và người dân; thực hiện tốt quy chế phối hợp với Vườn Quốc gia Xuân Sơn, Hạt kiểm lâm Thanh Sơn, Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Bứa cùng một số Hạt kiểm lâm các huyện lân cận thuộc tỉnh Hòa Bình, Sơn La trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ và phòng cháy chữa cháy rừng.
Ngoài ra, Hạt phối hợp chặt chẽ với đoàn kiểm tra liên ngành tăng cường kiểm tra, quản lý các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh lâm sản trên địa bàn. Qua triển khai thực hiện quy chế phối hợp, tình trạng cháy rừng, chặt phá rừng, khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản, săn bắt động vật hoang dã trái phép từng bước được ngăn chặn, thiệt hại về rừng giảm so với những năm trước. Hạt đã ngăn chặn và xử lý kịp thời 4 vụ vi phạm các quy định của Nhà nước về bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng, xử lý 8 vụ vận chuyển, mua bán, cất giấu gỗ trái phép.
Với diện tích rừng và đất rừng lớn, Hạt chủ động xây dựng kế hoạch bảo vệ rừng, chuẩn bị phương án phòng cháy chữa cháy với nhiều nội dung sát với thực tế địa bàn, nhất là trong mùa hanh khô, nắng nóng; tăng cường các hoạt động kiểm tra, giám sát các hành vi khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép; phân công cán bộ kiểm lâm bám nắm địa bàn 174 khu hành chính, chủ động nắm bắt thông tin, kịp thời triển khai các biện pháp ngăn ngừa và xử lý vi phạm.
Bên cạnh đó, Hạt tổ chức ký cam kết với các chủ rừng, các hộ dân sống gần rừng nêu cao ý thức bảo vệ rừng, có phương án ứng trực và sẵn sàng chữa cháy rừng; không vận chuyển, chế biến, kinh doanh thực vật rừng, động vật rừng trái quy định của pháp luật.
Ở những địa bàn trọng điểm, nhất là những xã có diện tích rừng phòng hộ và rừng sản xuất lớn, nguy cơ cháy rừng cao, Hạt tham mưu với cấp ủy, chính quyền các xã kiện toàn, củng cố các tổ, đội bảo vệ rừng; đẩy mạnh công tác phối hợp, hiệp đồng giữa các lực lượng thực hiện hiệu quả phương châm “4 tại chỗ” trong phòng cháy, chữa cháy rừng; thường xuyên theo dõi diễn biến phức tạp của thời tiết, trong những giờ cao điểm bố trí lực lượng trực 24/24h; đồng thời hướng dẫn người dân thực hiện phát quang, thu gom và xử lý thực bì đúng quy định.
Tại huyện Kon Plông (Kon Tum) mùa khô diễn ra không dài, nhưng đây là khoảng thời gian người dân thường phát rừng làm nương rẫy trái phép và lâm tặc tăng cường hoạt động. Vì vậy, các lực lượng quản lý bảo vệ rừng ở huyện luôn nỗ lực triển khai nhiều biện pháp bảo vệ rừng.
Để góp phần bảo vệ có hiệu quả tài nguyên rừng, lực lượng kiểm lâm tham mưu UBND xã trên địa bàn huyện tổ chức các cuộc tuần tra, kiểm tra rừng và phối hợp với chủ rừng tổ chức 19 cuộc tuyên truyền ở các thôn, làng nhằm nâng cao nhận thức người dân bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng và không phát rừng làm rẫy trái phép. Ở chốt bảo vệ rừng nằm gần tuyến đường ra vào rừng, dân quân, công an xã, chủ rừng luôn duy trì lực lượng trực chốt, theo dõi các phương tiện lưu thông qua lại và tuyên truyền người dân nâng cao ý thức bảo vệ rừng của người dân.
Trước yêu cầu và nhiệm vụ đặt ra trong công tác quản lý bảo vệ rừng, Hạt Kiểm lâm huyện đã tham mưu UBND huyện ban hành nhiều văn bản tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng, quản lý nương rẫy, bảo vệ rừng giáp ranh và mở đợt cao điểm phòng ngừa, đấu tranh các hành vi vi phạm trong công tác quản lý bảo vệ rừng và quản lý lâm sản.
Trong việc tăng cường triển khai các biện pháp bảo vệ rừng, Hạt Kiểm lâm tham mưu UBND huyện tổ chức lực lượng kiểm tra, truy quét, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm lâm luật; trực bảo vệ rừng 24/24 giờ (kể cả trong các ngày nghỉ); đôn đốc, kiểm tra, giám sát các hoạt động của các chủ rừng trong việc triển khai nhiệm vụ bảo vệ rừng tại các “điểm nóng” về khai thác, phá rừng, mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép.
Bên cạnh việc tham mưu UBND huyện và phối hợp với các lực lượng tăng cường tuần tra, truy quét bảo vệ rừng, Hạt Kiểm lâm huyện còn tích cực chỉ đạo kiểm lâm địa bàn bám dân, bám rừng, nắm bắt thông tin, xác định “điểm nóng” và tham mưu UBND các xã triển khai các giải pháp bảo vệ rừng, dập tắt các “điểm nóng”.
Với những nỗ lực cao nhất, các lực lượng bảo vệ rừng và các chủ rừng ở huyện đang phấn đấu hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng xâm hại rừng xảy ra trên địa bàn.
Việc tăng cường công tác bảo vệ rừng có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu bảo vệ, phát triển rừng bền vững; nhằm giảm thiểu thiệt hại do biến đổi khí hậu, bão, lụt, hạn hán, chống xói mòn đất gây ra; đồng thời giúp tạo cảnh quan, bảo vệ môi trường và góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội của mỗi địa phương.
Ngọc Mỹ