Tăng cường phòng, chống cháy rừng trong các tháng cao điểm
15:11 - 23/05/2017
(MTNT) – Những năm gần đây, tình trạng cháy rừng trên địa bàn cả nước đang có chiều hướng gia tăng. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến cháy rừng, nhưng chủ yếu vẫn là do con người gây ra. 

 

 

Tình trạng nắng nóng, khô hạn kéo dài dẫn đến nguy cơ cháy rừng cao


Theo thống kê, hằng năm có khoảng 70% số vụ cháy rừng là do đốt nương làm rẫy. Mức độ cháy rừng những tháng đầu năm  nay  xảy  ra  nghiêm  trọng với diễn biến ngày càng phức tạp.


Hiện nay, ở Ninh Thuận, tình trạng nắng nóng và khô hanh kéo dài khiến nguy cơ xảy ra cháy rừng cao. UBND tỉnh chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm, các đơn vị chủ rừng theo dõi chặt chẽ diễn biến của thời tiết; tăng cường các biện pháp phòng, chống cháy rừng; theo dõi tin báo cháy từ vệ tinh, xác định vị trí đám cháy để kịp thời kiểm tra, dập lửa khi xảy ra sự cố.  Đến nay, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã triển khai thực hiện nhiều biện pháp tích cực nhằm tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng trong mùa khô.


Theo đó, các đơn vị Kiểm lâm, chủ rừng bố trí người trực 24/24 giờ trên các chốt canh lửa, trạm quan sát cháy ngoài thực địa để kịp thời phát hiện đám cháy, thông báo và huy động lực lượng chữa cháy kịp thời.  Lực lượng Kiểm lâm ở địa bàn tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc canh tác nương rẫy của đồng bào trong mùa khô hanh; xử lý thực bì, thu gom cành khô, lá rụng làm giảm vật liệu cháy trong rừng.


Các đơn vị quản lý rừng thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống, cháy rừng; kiểm tra chặt chẽ không để người và phương tiện ra vào rừng tại những khu vực trong thời kỳ cao điểm về cháy rừng; nghiêm cấm tuyệt đối không được đốt lửa trong và ven rừng.  Ông Dương Đình Sơn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Ninh Thuận cho biết: Tỉnh đã đầu tư hơn 4,1 tỷ đồng để sửa chữa, mua sắm máy bơm nước, vòi tưới chữa cháy, các trang thiết bị, dụng cụ phòng cháy, chữa cháy rừng trong mùa khô 2017.
 

Bên cạnh đó, các lực lượng chức năng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng…Tỉnh Ninh Thuận hiện có trên 202.000 ha rừng, trong đó có khoảng 2/3 diện tích là rừng khộp rụng lá về mùa khô, nguy cơ xảy ra cháy rừng cao. Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra hai vụ cháy rừng nhưng nhờ phát hiện, ngăn chặn kịp thời nên chỉ thiệt hại gần 2.000 m2 rừng tại địa bàn huyện Ninh Sơn và Bác Ái. 
 

Để chủ động phòng chống cháy rừng trong mùa khô năm 2017, các Ban quản lý rừng trên địa bàn tỉnh Tây Ninh đã xây dựng trên 100km đường băng cản lửa, 12 biển cấp dự báo cháy rừng, 100 biển báo cấm lửa, 12 máy cày chuyên dụng chữa cháy, 36 bồn nước và trên 200 máy cắt cỏ, bình xịt phun nước các loại.


Theo Chi cục Kiểm lâm Tây Ninh, từ đầu mùa khô đến nay, toàn tỉnh chưa có vụ cháy rừng nào xảy ra. Tây Ninh hiện có trên 63.500 ha rừng các loại gồm trên 45.700ha rừng tự nhiên và gần 17.800ha rừng trồng. Hiện nay bắt đầu mùa khô, ít mưa, nắng nóng kéo dài, nguy cơ cháy rừng được xác định đang ở cấp VI.
 

Với đặc điểm là một huyện miền núi có địa hình rừng núi phức tạp, sông suối ngắn và dốc, mùa mưa thường gây nên lũ lớn còn mùa khô thì hạn hán kéo dài khiến cho các diện tích rừng trên địa bàn huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn rất dễ xảy ra cháy.


Mặt khác, đời sống của nhân dân còn nhiều khó khăn, trình độ nhận thức còn hạn chế, tập tục canh tác nương rẫy vẫn là truyền thống gây thách thức lớn đối với công tác phòng, chống cháy rừng ở địa phương. Do đó, ngành chức năng của huyện Pác Nặm đã có rất nhiều nỗ lực và giải pháp nhằm giảm thiểu tối đa các vụ cháy rừng có thể xảy ra.
 

Trong nhiều tháng qua trên địa bàn huyện Pác Nặm hầu như không có mưa. Tình trạng hạn hán kéo dài khiến cho các thảm thực vật ở dưới các tán rừng trở nên hanh khô và chỉ cần một chút sơ xuất là có thể gây ra cháy rừng bất cứ lúc nào.


Đặc biệt, hiện nay đang là giai đoạn cao điểm mà bà con đang tập trung xử lý thực bì trồng rừng cũng như làm cỏ cho các diện tích trồng ngô đồi nên nguy cơ xảy ra cháy rừng là càng cao.


Trước thực tế đó, thời gian qua Hạt Kiểm lâm huyện Pác Nặm đã chỉ đạo các cán bộ phụ trách địa bàn phải thường xuyên bán sát cơ sở, phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường tuyên truyền vận động người dân nâng cao ý thức phòng chống cháy rừng. Thường xuyên tuần tra, kiểm tra tại các khu vực trọng điểm dễ xảy ra cháy để kịp thời nhắc nhở người dân và có các biện pháp phòng chống phù hợp.
          

Trong các phương án mà huyện Pác Nặm đề ra, công tác tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân về bảo vệ rừng được chú trọng thực hiện khá hiệu quả. Bằng các hình thức tuyên truyền khác nhau như tuyên truyền loa đài lưu động, họp dân hoặc lồng ghép vào các cuộc họp khác của xã, thôn để đưa các nội dung, các văn bản pháp luật liên quan công tác quản lý, bảo vệ rừng, phát triển rừng và quản lý lâm sản đến từng người dân.


Trong công tác phòng chống cháy rừng, huyện luôn xác định phương châm 4 tại chỗ là một trong những giải pháp tối ưu nhất. Nếu có cháy rừng xảy ra thì có thể huy động ngay được lực lượng, phương tiện để chữa cháy, do đó Hạt kiểm lâm huyện đã tham mưu cho UBND huyện chỉ đạo các xã thành lập các tổ phòng chống cháy rừng ở tất cả các thôn, bản.


Hàng năm xem xét cân đối nguồn ngân sách hợp lý để mua sắm các trang thiết bị thiết yếu phục vụ cho công tác phòng chống cháy rừng. Thường xuyên tập huấn, hướng dẫn kỹ năng phòng chống cháy rừng cho cán bộ và người dân trên địa bàn.
                     

Để chủ động phòng, chống cháy rừng trong thời gian tới, bên cạnh việc tăng cường tuyên truyền, giáo dục pháp luật trong cộng đồng dân cư về công tác bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng, các tỉnh, thành cần tiếp tục tổ chức lực lượng kiểm lâm gắn với chính quyền, với dân, với rừng để kịp thời tham mưu cho cấp ủy, chính quyền cơ sở thực hiện công tác phòng cháy chữa cháy rừng. Nắm bắt thông tin và xử lý kịp thời các đám cháy phát sinh ngay từ ban đầu, không để bùng phát thành các đám cháy lớn.


Triển khai thực hiện quyết liệt phương án phòng cháy, chữa cháy rừng tại các địa phương, sẵn sàng chuẩn bị lực lượng, phương tiện theo phương châm “bốn tại chỗ”, phù hợp với từng khu vực có nguy cơ xảy ra cháy rừng để chủ động kiểm soát tình hình, kịp thời khống chế nhanh nhất các trường hợp cháy rừng, kiên quyết không để xảy ra cháy lớn.


Tăng cường lực lượng kiểm lâm địa bàn hướng dẫn nhân dân canh tác nương rẫy theo đúng quy hoạch; quy định cụ thể khu vực cấm đốt nương làm rẫy và những hanh vi dùng lửa khác; có phương án kiểm soát chặt chẽ người ra vào rừng tại những khu vực rừng trong thời kỳ cao điểm về cháy rừng.


Chỉ đạo các lực lượng liên ngành thực hiện quy chế phối hợp trong công tác bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng, có các phương án bảo đảm lực lượng, vật tư, trang thiết bị và hậu cần, thường trực tại địa phương để sẵn sàng phối hợp các lực lượng ứng phó trong trường hợp xảy ra cháy rừng.


Về giải pháp kỹ thuật, nên trồng rừng hỗn giao giữa cây dễ bị cháy với cây ít rụng lá như trồng thông xen với trồng cây bản địa. Các chủ rừng cần tiến hành tỉa thưa những nơi mật độ cây rừng quá dày để hạn chế khả năng cháy rừng lan tỏa nhanh.


Các Công ty lâm nông nghiệp, các lâm trường cần tiến hành xây dựng nhiều chòi gác, trạm gác bảo vệ rừng suốt ngày đêm, nhất là trong thời điểm hiện nay khả năng xẩy ra cháy rừng rất lớn do nắng nóng và hạn hán kéo dài.


Riêng những khu rừng đặc dụng phải có biện pháp quản lý thật chặt chẽ người vào rừng. Tốt nhất ngăn chặn người đi vào rừng, nếu không có lý do chính đáng, nhất là những tháng nắng nóng. UBND tỉnh và cơ quan chủ quản đầu ngành cần thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở người đứng đầu chính quyền các huyện, thành, thị và UBND các xã, phường, thị trấn phải làm tốt công tác bảo vệ rừng, không để xẩy ra cháy rừng.

Bùi Hạ
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn