Cần xử lý triệt để 104 làng nghề gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng
23:46 - 28/05/2015
(MTNT) - Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến cuối năm 2014 số làng nghề và làng có nghề nước ta là 5.096.
Ảnh minh họa

Số làng nghề truyền thống được công nhận theo tiêu chí làng nghề hiện nay của Chính phủ là 1.748, thu hút khoảng 10 triệu lao động (trong đó Hà Nội có 1.350 làng nghề và làng có nghề, trong đó 286 làng nghề đã được UBND thành phố công nhận là làng nghề truyền thống). Có nhiều làng tồn tại từ 500 đến 1.000 năm lại đây, trở thành những làng nghề tiêu biểu, được cả nước và thế giới biết đến, như lụa Vạn Phúc, tranh Đông Hồ, gốm sứ Bát Tràng…


Làng nghề thu hút nhiều lao động nhất với khoảng 13 triệu lao động, trong đó có 35% là lao động thường xuyên còn lại là lao động thời vụ và nông nhàn, tạo việc làm và cải thiện đời sống cho đông đảo cư dân nông thôn. Thu nhập bình quân của lao động làng nghề thường cao hơn lao động nông nghiệp từ 2 đến 3 lần. Làng nghề lưu giữ nhiều giá trị văn hóa truyền thống vật thể và phi vật thể, đồng thời góp phần quan trọng vào cuông cuộc xây dựng nông thôn mới.
 

Theo Thống kê từ Bộ Tài Nguyên và Môi trường  được công bố trong buổi tọa đàm “ Làng nghề Việt Nam: truyền thống, thực trạng và giải pháp phát triển trong thời kỳ hội nhập" vừa được tổ chức tại Hà Nội. Hiện Bộ đã xác định được 104 làng nghề ô nhiễm nhất trên phạm vi cả nước cần phải có kế hoạch xử lý triệt để từ nay đến năm 2020. Trong đó, có những địa phương, mức độ ô nhiễm kim loại nặng độc hại cao gấp hơn 3.000 lần quy chuẩn cho phép. Tỷ lệ bệnh tật tại các khu vực ô nhiễm do làng nghề ngày một gia tăng.Lợi ích kinh tế mà 104 làng nghề này (chiếm từ 1-2% tổng số làng nghề) mang lại không thể bù đắp được những hao tổn về sức khỏe, môi trường cho tương lai. 
 

Đáng chú ý, hầu hết các cơ sở tại làng nghề không có biện pháp xử lý chất thải, các loại khí thải, nước thải, chất thải rắn đều xả trực tiếp ra môi trường. Đặc biệt, chất thải của các làng nghề tái chế chất thải (giấy, kim loại, nhựa), dệt nhuộm sử dụng hóa chất công nghiệp … đang là vấn đề bức xúc gây ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe người dân.
 

Đề cập đến thực trạng này, ông Nguyễn Công Thành, Bí thư Đảng ủy xã Đại Bái (huyện Gia Bình, Bắc Ninh) cho biết, cùng với làng nghề gò đúc đồng phát triển thì môi trường làng nghề ngày càng bị ô nhiễm. Theo ông Thành, nguyên nhân chủ yếu do rác thải của các hộ làm nghề đúc đồng, cô bã nhôm … đổ bừa bãi ra môi trường, nước thải của các hộ làm nghề (chủ yếu là các hộ làm hàng mỹ nghệ và hàng dân dụng) có hóa chất như axit, sút,… không được quy hoạch vào khu tập trung để xử lý mà đổ trực tiếp ra các lòng sông, ao hồ, mương máng. Các hộ đúc, cô phế liệu cũng chưa xây dựng ống khói đạt tiêu chuẩn, đã làm ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe của nhân dân trong làng.

 
Cũng theo ông Thành, công nghệ sản xuất còn lạc hậu, điều kiện cơ sở hạ tầng, trình độ và mặt bằng dân trí thấp. Những hạn chế về khả năng đầu tư, điều kiện cạnh tranh trên thị trường làm tăng mức đầu tư phát sinh và ô nhiễm môi trường.Trong các hộ sản xuất kể cả các công ty TNHH, các xưởng đều được xây dựng sơ sài, là nơi tập kết nguyên liệu và sản phẩm. Diện tích chật hẹp, hệ thống điện, nước lắp đặt tùy tiện không an toàn. Bên cạnh đó, hệ thống thu gom nước thải từ các hộ sản xuất và sinh hoạt cũng chưa được phân loại xử lý mà vẫn đổ trực tiếp ra môi trường...

 
Theo ông Thành, các máy móc, thiết bị sử dụng ở làng nghề đa phần là loại cũ, mua thanh lý ở các xí nghiệp hoặc mua từ Trung Quốc, hay sản phẩm tự chế tạo nên cơ bản lạc hậu và chắp vá, dẫn đến hiệu quả sản xuất thấp. “Do nhận thức của nhân dân còn thấp, chưa có ý thức chung trong việc bảo vệ môi trường đã dẫn đến tình trạng môi trường trong làng nghề ngày càng bị ô nhiễm. Người dân làng Đại Bái thường phải hít không khí nặng, có mùi khét do các hộ đúc, cô phế thải đồng, nhôm gây ra, hoặc thường xuyên bị mắc các loại bệnh về đường hô hấp, hoặc về mắt”, ông Thành nhấn mạnh, đồng thời cho biết, qua kết quả theo dõi của trạm y tế xã tính riêng xóm Trại, danh sách tử vong từ năm 2001 đến năm 2014 đã có 23 người chết do các bệnh ung thư,


Theo ông Bùi Cách Tuyến - Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường chia sẻ tại  buổi  tọa đàm, trước mắt cần triển khai Đề án Bảo vệ môi trường làng nghề của Chính phủ cụ thể theo lộ trình. Bên cạnh đó, cần có kế hoạch bảo tồn, phát triển làng nghề trở lại giá trị truyền thống, phát huy vai trò cải thiện sinh kế cho người dân nông thôn, không để lại hậu quả khôn lường cho môi trường và sức khỏe con người.
 

Trong giai đoạn 2016-2020, Bộ Công thương cũng sẽ đưa nhiệm vụ bảo vệ môi trường làng nghề trở thành một trong các mục tiêu chính của chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.Bộ sẽ sớm công bố rộng rãi danh mục các làng nghề này để cải thiện tình trạng ô nhiễm.Tiếp tục phổ biến hướng dẫn về sản xuất sạch hơn, các công nhệ giảm thiểu ô nhiễm.Mỗi làng nghề đều có hương ước, trong đó có phần bảo vệ môi trường.
 

Anh Thư
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email
Tin tức liên quan :

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn