Lợi ích chăn nuôi trên nền đệm lót sinh học
10:47 - 25/07/2017
(MTNT)- Để xử lý chất thải chăn nuôi, việc ứng dụng hệ vi sinh vật để làm đệm lót sinh học trong chăn nuôi mới được áp dụng ở một số nước như: Nhật Bản, Trung Quốc, Hồng Kông, Hoa Kỳ, Anh, Thái Lan, Hàn Quốc... và Việt Nam. Quy trình chung ở các nước là sử dụng các vật liệu có hàm lượng xenluloza cao làm môi trường lên men để cho hệ vi sinh vật hoạt động hiệu quả thông qua quá trình phân hủy chất hữu cơ. Thành phần, số lượng và chất lượng các chủng vi sinh vật có sự khác biệt tùy thuộc vào từng nước, từng sản phẩm, đối tượng vật nuôi.
Chăn nuôi lợn, trâu bò hay gia cầm trên nền đệm lót sinh học đều rất hiệu quả (Ảnh minh họa, nguồn Internet).


Theo Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), mỗi năm, ngành chăn nuôi gia súc, gia cầm thải ra khoảng 75-85 triệu tấn chất thải. Cả nước có trên 8,5 triệu hộ chăn nuôi quy mô gia đình và gần 20 nghìn trang trại chăn nuôi tập trung nhưng mới chỉ có 8,7% số hộ xây dựng công trình khí sinh học (hầm biogas). Tỷ lệ hộ gia đình có chuồng trại chăn nuôi hợp vệ sinh cũng chỉ chiếm 10%. 23% số hộ chăn nuôi không xử lý chất thải bằng bất kỳ phương pháp nào mà xả thẳng ra môi trường bên ngoài. Với tốc độ phát triển mạnh của ngành chăn nuôi như hiện nay, theo tính toán, mỗi năm lượng chất thải rắn trong chăn nuôi tăng thêm khoảng 1,5 triệu tấn và đến năm 2020 lượng chất thải chăn nuôi sẽ tăng thêm khoảng 15% so với 2010.
 
 
Đệm lót sinh học là lớp đệm lót chuồng bằng các nguyên liệu như: Trấu, mùn cưa, xơ dừa, lõi ngô, thân cây ngô khô, rơm, rạ… được cấy nhóm vi khuẩn (vi sinh vật). Nhóm vi khuẩn có hoạt tính cao, phân giải mạnh các chất thải động vật (phân và nước tiểu) để chuyển hóa thành các chất vô hại (không có mùi). Đồng thời nhóm vi khuẩn lại sử dụng các chất khí thải độc hại như NH3, H2S để sinh trưởng phát triển và ức chế được vi khuẩn có hại (như nhóm vi khuẩn gây bệnh đường ruột E.coli. Salmonella…), tạo môi trường trong sạch không ô nhiễm, giảm vi sinh vật gây hại, do đó con vật sống thoải mái, giảm căng thẳng và có sức đề kháng cao.
 
 
Khi so sánh kết quả hầm Biogas và đệm lót sinh học, trong phương pháp khí sinh học Biogas chất thải không được tiêu hủy triệt để, mùi hôi và khí độc còn lớn, vi sinh vật có hại và gây bệnh còn nhiều, chất thải sau hầm biogas cần được xử lý tiếp… Còn khi sử dụng đệm lót sinh học chất thải được tiêu hủy triệt để, không còn mùi hôi, khí độc, giảm thiểu các vi sinh vật có hại và gây bệnh, không cần biện pháp xử lý khác, chi phí rẻ hơn so với việc xử lý bằng khí sinh học Biogas.
 
 
Theo nghiên cứu của Học viện Nông Nghiệp Việt Nam, khi chăn nuôi trên nền đệm lót sinh học, bà con có thể tiết kiệm được 80% lượng nước do không dùng nước để rửa chuồng và tắm rửa cho lợn, nước chỉ dùng để uống và phun tạo độ ẩm cho nền chuồng; giảm được 60% nhân lực trong việc dọn chuồng, tắm rửa cho lợn, chỉ cần người cho vật nuôi ăn và theo dõi bệnh tật và giảm 10% chi phí thức ăn. Đặc biệt, trong đệm lót chứa các vi sinh vật có lợi luôn hoạt động và sinh nhiệt đã ức chế và tiêu diệt vi khuẩn có hại đồng thời làm ấm cho gia súc.
 
 
Ở Quảng Nam, đến nay đã có hàng trăm gia đình sử dụng đệm lót sinh học. Điển hình như ông Lê Duy Đức ở thôn Tịnh Yên, xã Bình Nam, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam đang có trại gà trên 30.000 con gà Kiến Thùng thương phẩm nuôi trên nền đệm lót sinh học, thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Thị trường tiêu thụ gà trải dài từ bắc vào nam nên không phải lo đầu ra cho sản phẩm.
 
 
Ông Đức chia sẻ: Việc nuôi gà bằng đệm lót sinh học tiết kiệm nhiều thời gian, chi phí, hạn chế được ô nhiễm môi trường, dịch bệnh và gà nhanh lớn hơn. Nếu nuôi thường, gà từ lúc nhỏ đến xuất chuồng phải thay trấu 3 - 4 lần, nếu không sẽ hôi thối. Còn dùng đệm lót sinh học, gà từ lúc thả nuôi đến khoảng 1 tháng, dùng men vi sinh Balasa trộn với trấu 2 đêm rồi rải đều xuống mặt chuồng. Men này sẽ diệt vi khuẩn, khử mùi hôi, đồng thời sau khi bán gà, hỗn hợp trấu - phân gà có thể bán cho bà con nông dân làm phân bón cây trồng rất hiệu quả. Sử dụng đệm lót sinh học giảm được 60% công sức lao động và chi phí điện nước rửa chuồng trại, giảm triệt để mùi hôi của phân gà, không gây ô nhiễm môi trường…
 
 
Ông Võ Văn Nghi, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quảng Nam cho biết: Ở Quảng Nam chăn nuôi gà quy mô lớn gần như 100% sử dụng đêm lót sinh học. Qua theo dõi, việc áp dụng đệm lót trong chăn nuôi khiến mùi hôi thối gần như không còn, phân được xử lý triệt để, môi trường chăn nuôi sạch sẽ, từ đó giảm được một số bệnh về đường hô hấp và tiêu hóa cho vật nuôi.
 
 
Mô hình chăn nuôi gà bằng phương pháp sử dụng đệm lót sinh học được Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư Trà Vinh và Dự án giảm nghèo bền vững (AMD) triển khai cho 20 hộ dân ở xã Phong Thạnh, huyện Cầu Kè, mỗi hộ tham gia mô hình trình diễn chăn nuôi gà thịt sử dụng đệm lót sinh học với qui mô mỗi hộ nuôi 500 con.
 
 
Kết quả bước đầu cho thấy mô hình chăn nuôi gà thịt sử dụng đệm lót sinh học đã mang lại nhiều lợi ích và hiệu quả thiết thực là không mùi hôi, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, ức chế và tiêu diệt sự phát triển của hệ vi sinh có hại, phân giải được một phần chất độn chuồng, tiết kiệm chi phí trong chăn nuôi và đàn gà ít bị dịch bệnh. Ngoài ra, phải nói đến việc đàn gà tăng trọng nhanh, trung bình là từ 1,2 đến 1,4 kg/ con, sau hơn 80 ngày thã nuôi, khả năng tiêu tốn thức ăn bình quân 2,11kg thức ăn/kg tăng trọng, trong khi nuôi theo phương pháp truyền thống phải tiêu tốn thức ăn bình quân là 2,8 kg thức ăn/kg tăng trọng và đối với đệm lót nếu bảo dưỡng tốt có thể sử dụng trong vài vụ nuôi tiếp, các chất đệm lót được đưa ra và sử dụng làm phân bón cho cây trồng rất tốt nhờ có hàm lượng dinh dưỡng cao.
 
 
Thực tế cho thấy, chăn nuôi trên nền đệm lót sinh học góp phần tăng sức đề kháng, chất lượng và trọng lượng của vật nuôi, nâng cao hiệu quả kinh tế chăn nuôi, giảm thiểu bệnh dịch, bảo vệ môi trường sống, khắc phục được những ảnh hưởng từ tập quán chăn nuôi truyền thống, thúc đẩy phát triển toàn diện ngành nông nghiệp ở địa phương.

An Trường
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn