|
Khả năng thu gom, xử lý rác thải ở khu vực nông thôn Vĩnh Phúc mới đạt khoảng 69% |
Mỗi ngày, khu vực nông thôn trên địa bàn Vĩnh Phúc thải ra môi trường khoảng 590 tấn rác nhưng khả năng thu gom, xử lý ở khu vực này mới đạt khoảng 69% và chủ yếu theo phương thức chôn lấp.
Nhiều địa phương như: Xã Hợp Châu, huyện Tam Đảo; xã Bồ Sao, huyện Vĩnh Tường; xã Quất Lưu, huyện Bình Xuyên; xã Ngọc Thanh, Tiền Châu, Nam Viêm, thị xã Phúc Yên... chưa có bãi rác thải tạm thời nên phải tập kết về điểm trung chuyển, sau đó thuê các công ty môi trường đô thị vận chuyển đến bãi rác ở thành phố Vĩnh Yên và thị xã Phúc Yên để xử lý.
Nguồn nước thải từ sinh hoạt, nước thải do chế biến nông sản thực phẩm, từ sản xuất kinh doanh tiểu thủ công nghiệp... trên địa bàn cũng ô nhiễm nặng và mức độ ngày càng tăng mạnh.
Ngành chăn nuôi của tỉnh có khoảng trên 90.000 hộ, tuy vậy, chỉ có 70% hệ thống chuồng trại hợp vệ sinh, ước tính chất thải chăn nuôi xả ra môi trường là 970.000 tấn/năm, trong số này có khoảng 500.000 tấn được xử lý, còn lại được thải trực tiếp ra ngoài môi trường.
Trước thực trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm và ô nhiễm môi trường sản xuất nông nghiệp đang từng ngày, từng giờ ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống và trực tiếp đe dọa đến sức khỏe của con người. Hội Nông dân tỉnh đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên nâng cao nhận thức, trách nhiệm và tham gia tích cực vào các hoạt động bảo vệ môi trường (BVMT) gắn với xây dựng và phát triển nền nông nghiệp – nông thôn bền vững.
Hội Nông dân các huyện, thành, thị tích cực tổ chức các hoạt động tuyên truyền trong cán bộ, hội viên nông dân với nhiều hình thức phong phú, đa dạng như: Tuyên truyền miệng, tuyên truyền trực quan bằng băng rôn, khẩu hiệu, lồng ghép trong các hội nghị, sinh hoạt chi hội, tổ chức hội thi theo hình thức sân khấu hóa “Nông dân với công tác BVMT”… Nội dung tuyên truyền tập trung vào kiến thức BVMT, xây dựng cảnh quan xanh - sạch - đẹp, xây dựng các công trình vệ sinh môi trường, biện pháp phòng tránh, ứng phó thiên tai, mưa lũ và phòng, chống dịch bệnh…
Song song với công tác tuyên truyền, các cấp Hội còn tổ chức xây dựng các mô hình, hoạt động BVMT trong hội viên, nông dân. Trong đó, nổi bật là xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi xanh – sạch, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và mang lại hiệu quả kinh tế cao, như: Trồng rau quả theo quy trình VietGAP, lắp đặt túi ủ biogas trong chăn nuôi heo, nuôi thủy sản theo tiêu chuẩn GAP (nuôi thủy sản sạch, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm)… Điển hình như mô hình Hợp tác xã chăn nuôi Hoàng Long tại xã Nguyệt Đức (Yên Lạc) đã áp dụng hầm ủ Bioga cho việc xử lý chất thải. Đồng thời tiến hành ủ phân theo phương pháp ủ nóng tạo ra sản phẩm phân hữu cơ phục vụ trực tiếp cho người dân trong khu vực trồng rau sạch.
Ngoài ra, Hội còn xây dựng các mô hình “Nông dân chỉnh trang sửa sang nhà cửa”; “Đoạn đường nông dân tự quản”; mô hình CLB “Nói không với túi nilon”; mô hình “Hầm Bioga xử lý chất thải trong chăn nuôi”; xây dựng hơn 100 tổ thu gom và xử lý rác thải ở các chi tổ Hội… Điển hình như xã Vân Hội, huyện Tam Dương đã xây dựng được các bể thu gom bao bì thuốc BVTV. Đến nay, toàn xã có 37 bể rác đang hoạt động. Phần lớn hội viên nông dân trong xã đã ý thức được tác hại của bao bì thuốc BVTV đối với đồng ruộng, không còn tình trạng vỏ bao bì thuốc BVTV vứt bừa bãi ra kênh mương, đồng ruộng.
Cùng với đó, để tạo ra sự chuyển biến tích cực trong ý thức và hành động của nhân dân cùng chung tay vì một môi trường sống trong sạch, trong năm 2016 và từ đầu năm 2017 đến nay, Hội Nông dân tỉnh phối hợp với Ban Xã hội - Trung ương Hội Nông dân Việt Nam; các Sở ngành trong tỉnh như Sở TN&MT tổ chức trên 30 lớp tập huấn tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về BVMT; an toàn vệ sinh thực phẩm cho gần 3.000 hội viên nông dân các huyện Yên Lạc, Tam Đảo, Vĩnh Tường; tổ chức Hội thi “Nông dân với công tác BVMT” tại huyện Tam Dương...
Để tiếp tục nâng cao chất lượng môi trường trong xây dựng và phát triển nền nông nghiệp bền vững, thời gian tới, các cấp Hội Nông tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân với công tác BVMT; nhân rộng các mô hình hiệu quả về BVMT; tích cực tham gia giữ gìn vệ sinh, xây dựng cảnh quan môi trường … Từ đó, góp phần xây dựng môi trường nông thôn xanh - sạch - đẹp.