Hà Nội: Báo động tình trạng ô nhiễm môi trường ở các làng nghề
12:25 - 01/08/2017
(MTNT) - Thời gian qua, tình trạng ô nhiễm môi trường ở các làng nghề trên địa bàn thành phố đã đến mức báo động, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và sức khỏe của người dân. Nguyên nhân của tình trạng trên chủ yếu bắt nguồn từ việc không thực hiện nghiêm các quy định về bảo vệ môi trường trong sản xuất.
Ảnh minh họa

Chính vì vậy, mới đây, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP Hà Nội đã có đợt khảo sát về thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm môi trường tại các làng nghề truyền thống.


Theo kết quả khảo sát, tình trạng ô nhiễm môi trường làng nghề , tình trạng ô nhiễm khí bụi, tiếng ồn, chất thải, nguồn nước ở không ít nơi đến mức báo động, nhiều chỉ tiêu vượt ngưỡng cho phép.


Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, cả nước có 52 nghề thủ công truyền thống thì Hà Nội có 47 nghề với 1.350 làng nghề và làng có nghề. Đáng báo động, làng nghề da Kiêu Kỵ, huyện Gia Lâm, khối lượng chất thải rắn phát sinh từ các cơ sở sản xuất được thu gom chung với rác thải sinh hoạt nên không thể kiểm soát.


Huyện Hoài Đức hiện có 51/53 làng có nghề, trong đó có 3 làng chế biến tinh bột gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng là: Dương Liễu, Minh Khai, Cát Quế. Kết quả phân tích mẫu nước cho thấy nguồn nước mặt có màu đen xám, cao hơn mức độ màu trung bình 2,12 lần, hàm lượng chất ô nhiễm cao Coliform hơn nhiều lần so với mức trung bình, lượng ôxy hòa tan trong nước thấp hơn tiêu chuẩn 2mg/l, lượng ôxy cần thiết để ôxy hóa các hợp chất hóa học trong nước cao hơn tiêu chuẩn 18,23 lần, lượng ôxy cần thiết để vi sinh vật ôxy hóa các chất hữu cơ theo phản ứng cũng cao hơn tiêu chuẩn 12,3 lần...


Đơn cử, xã Dương Liễu có hơn 3.100 hộ, thì trên 2.800 hộ dân sản xuất tinh bột, làm miến và bánh kẹo. Mỗi ngày Dương Liễu thải ra hàng nghìn mét khối nước thải chưa qua xử lý, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống...Trong khi đó, việc xử lý môi trường trên địa bàn các xã hiện còn nhiều bất cập.
Đã có rất hiều giải pháp để giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường làng nghề được xúc tiến, nhưng chưa mang lại hiệu quả mong muốn. Vì vậy, để giái quyết triệu để tình trạng này, các cấp ngành chức năng cần quyết liệt vào cuộc, thực hiện đồng bộ các biện pháp: Đánh giá rõ hơn kết quả các dự án xử lý ô nhiễm đã triển khai. Chủ trương đầu tư xử lý ô nhiễm tại các làng nghề là phù hợp với lòng dân, nhưng phải thường xuyên giám sát việc thực hiện, có những điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế.


Các đơn vị chức năng cần rà soát đánh giá toàn diện, phân loại ô nhiễm từng làng nghề để có hình thức xử lý thích hợp, tăng mức kinh phí bảo vệ môi trường. Về lâu dài, cần di dời một số ngành nghề gây ô nhiễm ra khỏi khu dân cư; nghiên cứu, quy hoạch, chuyển đổi một số nghề và định hướng phát triển kinh tế tại một số làng nghề gây ô nhiễm. TP Hà Nội sẽ có kế hoạch tuyên truyền về bảo vệ môi trường làng nghề truyền thống có trọng tâm, trọng điểm, đồng thời nhân rộng các mô hình hay, nhân tố tích cực trong hoạt động bảo vệ môi trường.


Thêm vào đó, cần nâng mức phạt, tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm những cá nhân, tổ chức gây ô nhiễm môi trường. Các bộ, ngành liên quan, chính quyền các cấp và các cơ sở sản xuất làng nghề, người dân mỗi địa phương phải cùng vào cuộc một cách quyết liệt, đồng bộ và nhịp nhàng vì mục tiêu phát triển bền vững.

 
Mai Thành
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn