|
Nguồn nước ở sông, hồ ô nhiễm đã ảnh hưởng lớn đến môi trường nước và sức khỏe người dân (Ảnh minh họa) |
Khi điều kiện kinh tế ngày càng phát triển, đời sống của người dân ngày một cải thiện thì cũng đồng nghĩa với việc rác thải ngày một nhiều. Những năm gần đây rác thải trở nên quá tải tại các ao, hồ, mương máng. Người ta mang rác đổ lung tung, thậm chí là cả ven các bờ vùng bờ thửa, ven các khu ruộng đất canh tác….
Nếu như trước đây, rác đổ công khai, thì nay nhiều hộ phải mang rác đi đổ trộm ngoài đồng vì quá bí chỗ đổ. Có những bãi rác chỉ cách phòng ngủ, quán hàng ăn, khu vui chơi giải trí của trẻ em chưa đầy 20 mét.
Ngoài rác thải ra thì nguồn nước ở nông thôn cũng đang bị ô nhiễm trầm trọng. Nếu như nước bề mặt quanh làng, xóm đen ngòm vì chính lượng nước thải sinh hoạt của người dân hàng ngày trực tiếp đổ ra, thì nước ngầm cũng đã và đang có dấu hiệu “bẩn” rất nhanh.
Từ rác thải, từ nước thải trên bề mặt như vậy nên việc nước ngầm bị ô nhiễm là điều hiển nhiên, vì qua nhiều năm tháng, sự ô nhiễm cứ ngấm xuống để rồi người dân vẫn phải hút nước ngầm lên sử dụng và sẽ khó lòng tránh được bệnh tật cùng nhiều ảnh hưởng về sức khoẻ khác.
Trong sản xuất nông nghiệp, do việc lạm dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật, các nguồn nước ở sông, hồ, kênh mương bị ô nhiễm đã ảnh hưởng lớn đến môi trường nước và sức khỏe người dân. Việc nuôi trồng thủy sản ồ ạt, thiếu quy hoạch, không tuân theo quy trình kỹ thuật cho nên đã gây nhiều tác động tiêu cực tới môi trường nước.
Với khoảng 67% dân số cả nước, nông thôn Việt Nam đang chịu những sức ép không nhỏ về ô nhiễm môi trường từ các khu cụm công nghiệp, các cơ sở sản xuất và sinh hoạt của người dân, doanh nghiệp. Việc ô nhiễm môi trường nông thôn là do các hoạt động sản xuất ở các vùng nông thôn còn mang tính tự phát, nhỏ lẻ, công nghiệp lạc hậu, hiệu quả sử dụng nguyên, nhiên liệu còn thấp.
Tại các vùng nông thôn, các khu công nghiệp, khu chế xuất được xây dựng, các làng nghề thủ công, làng nghề truyền thống phát triển một cách nhanh chóng, qua đó góp phần không nhỏ cho sự phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, cũng như giải quyết việc làm, tăng thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân ở khu vực này.
Tuy nhiên, tình trạng ô nhiễm môi trường đang diễn ra hết sức nghiêm trọng. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng nêu trên là do tốc độ công nghiệp hóa và đô thị hóa tăng nhanh; sự gia tăng dân số gây áp lực ngày càng nặng nề đối với nguồn tài nguyên nước trong vùng lãnh thổ. Môi trường nước ở nhiều khu đô thị, khu công nghiệp, làng nghề ngày càng bị ô nhiễm bởi khí thải, chất rắn do không có công trình và thiết bị xử lý chất thải đồng bộ...
Bảo vệ môi trường sinh thái nông thôn là vấn đề quan trong của phát triển kinh tế nông thôn và sản xuất nông nghiệp bền vững nên cần có nhiều giải pháp tích cực, đồng bộ từ nhận thức đến cơ chế chính sách và tổ chức chỉ đạo thực hiện với sự tham gia của cả hệ thống chính trị.
Theo đó, các cấp, các ngành và các doanh nghiệp cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về môi trường trong toàn xã hội nhằm tạo sự chuyển biến và nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường trách nhiệm xã hội của người dân, doanh nghiệp trong việc gìn giữ và bảo vệ môi trường; xây dựng ý thức sinh thái, làm cho mọi người nhận thức một cách tự giác về vị trí, vai trò, mối quan hệ mật thiết giữa tự nhiên, con người và xã hội.
Đi đôi với công tác tuyên truyền, giáo dục cần tăng cường hơn nữa vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước về vấn đề này trên các địa bàn nông thôn, như các cấp chính quyền địa phương, các cơ quan quản lý và bảo vệ môi trường, các cơ sở y tế, các tổ chức đoàn thể có liên quan để đảm bảo cho công tác tuyên truyền, giáo dục và thực thi các biện pháp bảo vệ môi trường, bảo vệ và nâng cao sức khỏe, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nông thôn có hiệu quả hơn.
Đồng thời cần phải có các kế hoạch và biện pháp đánh giá toàn diện về thực trạng ô nhiễm môi trường tại các khu vực nông thôn nước ta hiện nay. Tuy nhiên, do đặc điểm phát triển kinh tế xã hội tại mỗi địa phương khác nhau nên mức độ ô nhiễm môi trường khác nhau nên việc cần kíp hiện nay là phải lập được bản đồ về ô nhiễm môi trường tại các khu vực nông thôn, qua đó xác định các vùng ô nhiễm trọng tâm, trọng điểm để từng bước đề ra các biện pháp khắc phục phù hợp.
Mặt khác, công tác quy hoạch phát triển các khu, cụm, điểm công nghiệp, các làng nghề tại các khu vực nông thôn phải đảm bảo tính khoa học cao, trên cơ sở tính toán kỹ lưỡng, toàn diện các xu thế phát triển, từ đó có chính sách phù hợp; tránh tình trạng quy hoạch tràn lan, thiếu đồng bộ, chồng chéo.
Đối với các khu công nghiệp đang đóng trên các địa bàn nông thôn hiện nay cần có quy định bắt buộc các công ty đầu tư hạ tầng phải xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung hoàn chỉnh mới được phép hoạt động, đồng thời thường xuyên có báo cáo định kỳ về hoạt động xử lý nước thải, rác thải tại đó; tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường, trong đó cần chú trọng việc xây dựng các chế tài xử phạt phải thật sự đủ mạnh để đủ sức răn đe các đối tượng vị phạm, có như vậy tình trạng ô nhiễm mới thực sự được đẩy lùi.